Trung Quốc bất ngờ đình chỉ thương vụ IPO kỷ lục của Ant Group
Chánh Tài
(TBKTSG Online) – Tối 3-11, Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SSE) đột ngột thông báo dừng thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group ở sàn Star Market tại Thượng Hải một ngày sau khi Jack Ma, người đồng sáng lập Ant Group, bị chất vấn trong một cuộc họp với các cơ quan quản lý của Trung Quốc.
Các hãng fintech kiếm tiền, đạt vốn hóa tốt hơn ngân hàng truyền thống
Quyết định gây sửng sốt
Thông báo của SSE nói rằng cuộc họp hôm trước giữa các lãnh đạo của Ant Group và các nhà quản lý tài chính của Trung Quốc đã thiết lập các thay đổi quan trọng trong môi trường quản lý, có thể dẫn đến việc Ant Group chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu về phát hành và niêm yết cổ phiếu cũng như các quy định công bố thông tin.
Ngay sau đó, Ant Group cũng thông báo dừng IPO ở Sàn chứng khoán Hồng Kông do quyết định của SSE.
Trước đó, Ant Group dự kiến giao dịch cổ phiếu lần đầu trên sàn Star Market và sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào ngày 5-11 trong một thương vụ IPO kép được dự báo thu về ít nhất 34,5 tỉ đô la Mỹ, cao kỷ lục trong lịch sử các thương vụ IPO trên toàn cầu. Thương vụ IPO của Ant Group ở Thượng Hải nóng đến mức thu hút các nhà đầu cá nhân lẻ đặt mua đến 3.000 tỉ đô la giá trị cổ phiếu của Ant Group. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức đăng ký đặt mua đến 76 tỉ cổ phiếu của Ant Group tại Thượng Hải, gấp hơn 284 lần lượng cổ phiếu mà Ant Group chào bán.
Các nhà phân tích nhận định quyết định trên của SSE, diễn ra ngay trước thềm IPO kép của Ant Group, quá bất ngờ.
“Đó là điều chắc chắn gây sửng sốt. Nếu có gì đó bất thường đang diễn ra ở khía cạnh vĩ mô của thị trường tài chính Trung Quốc hay ở Ant Group, đó sẽ là điều đáng lo ngại”, Mike Bailey, Giám đốc nghiên cứu ở Công ty FBB Capital Partners, nói.
Thông báo của Ant Group về việc dừng IPO trên sàn chứng khoán Hồng Kông sau khi Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đình chỉ thương vụ IPO của tập đoàn này tại Thượng Hải. Ảnh: CGTN |
Số phận của hàng tỉ đô la mà các nhà đầu tư đã cam kết trong thương vụ IPO kép của Ant Group giờ đây chưa rõ sẽ như thế nào. Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Ant Group sẽ phải tiến hành các thay đổi bao gồm tăng bốn ở các đơn vị cho vay vi mô. Ant Group cũng sẽ tái nộp đơn xin cấp giấy phép để các đơn vị này có thể hoạt động trên toàn quốc.
“Ant Group thành thật xin lỗi quí vị về bất cứ sự bất tiện nào từ diễn biến này. Chúng tôi sẽ xử lý đúng đắn các vấn đề liên quan theo các quy định của hai sàn giao dịch chứng khoán (Thượng Hải và Hồng Kông)”, thông báo của Ant Group cho hay.
Ant Group đang chịu sự giám sát và quản lý ngày càng gia tăng khi tập đoàn công nghệ tài chính này mở rộng các dịch vụ. Những quy định mới được các cơ quản lý tài chính Trung Quốc đưa ra trong thời gian gần đây để áp dụng với những công ty như Ant Group bao gồm hạn chế mức sử dụng chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản để cung cấp các khoản vay tiêu dùng, các đòi hỏi mới về cấp phép và vốn cũng như giới hạn trần về mức lãi suất cho vay. Hôm 2-11, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) yêu cầu nâng vốn đăng ký cho các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ vay tiền như Ant Group lên mức tối thiểu 5 tỉ nhân dân tệ (747 triệu đô la Mỹ).
Cuộc họp bất thường
Thương vụ IPO dự kiến thu về số tiền kỷ lục của Ant Group đã bị đình chỉ. Ảnh: Reuters |
Trước đó, hôm 2-11, đại diện từ bốn cơ quan quản lý tài chính và tiền tệ Trung Quốc, dẫn đầu là PBoC đã có cuộc họp hiếm hoi với người đồng sáng lập Ant Group, Jack Ma, cùng Chủ tịch Eric Jing và Giám đốc điều hành Simon Hu của tập đoàn này. Nội dung chi tiết cuộc họp không được công bố nhưng Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết tại cuộc họp này, các cơ quan quản lý cảnh báo mảng cho vay trực tuyến của Ant Group sẽ đối mặt sự giám sát chặt chẽ hơn của chính phủ.
“Điều này gia tăng sức ép của cơ quan quản lý đối với các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc. Đó là tin tốt cho các ngân hàng và tin xấu cho Jack Ma”, Nader Naeimi, một lãnh đạo ở Công ty AMP Capital Investors, nói khi ám chỉ đến mối đe dọa mà Ant Group áp đặt với các ngân hàng truyền thống.
Ant Group cũng xác nhận hôm 2-11, ông Ma, với tư cách là cổ đông kiểm soát của Ant Group và đội ngũ quản lý của tập đoàn này đã gặp các nhà quản lý tài chính Trung Quốc và các bên đã trao đổi quan điểm về sức khỏe về sự ổn định của lĩnh vực tài chính.
Thông báo cho biết: “Ant Group cam kết thực hiện nghiêm túc các ý kiến tại cuộc họp và tiếp tục tiến trình phát triển của chúng tôi dựa trên các nguyên tắc: sáng tạo ổn định, chấp hành quy định quản lý, phục vụ nền kinh tế thực và hợp tác cùng có lợi. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện năng lực để cung cấp các dịch vụ toàn diện và thúc đẩy phát triển kinh tế để cải thiện đời sống của người dân”.
Ant Group, công ty mẹ của nền tảng thanh toán di động Alipay, là công ty công nghệ tài chính (fintech) giá trị nhất thế giới.
Hiện nay, Alibaba đang nắm giữ khoảng 1/3 lượng cổ phần của Ant Group. Ngoài việc kiểm soát thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc thông qua ví điện tử Alipay, Ant Group còn điều hành quỹ tiền tệ thị trường Yu’ebao, nơi cung cấp các sản phẩm đầu tư tài chính cho hàng trăm triệu người dùng với mức lãi suất cao hơn các ngân hàng. Ant Group cũng quản lý hai nền tảng cho vay tiêu dùng thuộc vào hàng lớn nhất nước. Các mảng kinh doanh khác của tập đoàn này còn bao gồm nền tảng mua bán bảo hiểm trực tuyến và đơn vị chấm điểm tín dụng.của người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ.
Jack Ma chỉ trích cách quản lý lỗi thời
Có một số manh mối cho thấy vì sao Jack Ma và Ant Group đối mặt với sự quản lý gắt gao hơn từ các cơ quan quản lý Trung Quốc. Cách đây một tuần, tại một hội nghị ở Thượng Hải, Jack Ma chỉ trích các quy định quản lý tài chính trên toàn cầu và Trung Quốc đã lỗi lời, bóp nghẹt sự sáng tạo và không quan tâm đầy đủ đến việc tạo ra cơ hội cho giới trẻ.
Ông nói: “Sáng tạo tốt không lo ngại sự quản lý mà chỉ lo sợ sự quản lý lỗi thời. Chúng ta không nên sử dụng cách quản lý một ga tàu để áp vào một sân bay và cũng không nên quản lý tương lai bằng phương pháp của ngày hôm qua”.
Ông cho biết: “Trung Quốc thiếu sự chấp nhận rủi ro của một hệ thống tài chính lành mạnh…. Để sáng tạo mà không chấp nhận rủi ro là giết sáng tạo. Không có sáng tạo nào trên thế giới này mà không đi kèm với rủi ro”.
Ông cho rằng hệ thống tài chính nên ít phụ thuộc hơn vào các ngân hàng lớn và cần dựa nhiều hơn vào hệ sinh thái ‘ao, hồ, suối’ đang đưa vốn đến các ngóc ngách của nền kinh tế.
Ông Ma cũng kêu gọi rời bỏ não trạng ‘tiệm cầm đồ’ của các ngân hàng khi họ quá chú trọng đến tài sản thế chấp như là điều kiện để xem xét cho vay. Thay vào đó, ông cho rằng khi cho vay, nên xem xét nhiều hơn đến điểm số tín dụng của khách hàng được phân tích dựa vào dữ liệu lớn.
Các phát ngôn này có thể đã khiến Bắc Kinh phật lòng, theo Duncan Clark, Chủ tịch Công ty tư vấn đầu tư BDA China, tác giả của cuốn sách nhan đề: “Alibaba, ngôi nhà mà Jack Ma gầy dựng”.
Clark nói các cơ quan quản lý Trung Quốc muốn đưa ra thông điệp khẳng định họ là người nắm quyền kiểm soát. Ông cho rằng việc họ triệu tập Jack Ma và các lãnh đạo của Ant Group có thể để nhắc nhở với ông Ma rằng ai mới là người cầm trịch.
Hôm 2-11, Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đề xuất các quy định mới áp dụng cho các tổ chức cho vay trực tuyến, đòi hỏi họ phải đối ứng ít nhất 30% trị giá các khoản vay mà họ hợp tác với các ngân hàng để cung cấp cho khách vay đồng thời giới hạn mức vay tối đa dành cho một cá nhân.
Điều này có nghĩa là Ant Group có thể phải tăng dự phòng tiền mặt cho các khoản vay mà tập đoàn này cùng các ngân hàng hàng cung cấp, theo các nhà phân tích của Công ty nghiên cứu Bernstein.
Nhà phân tích Kevin Kwek của Bernstein nhận định đề xuất của CBIRC thường là tiền đề cho các quy định chính thức. Ông cho rằng đề xuất này có thể khiến Ant Group phải phân bổ nguồn vốn nhiều hơn để hỗ trợ mảng tín dụng trực tuyến, thay vì các lĩnh vực khác như dự định và phải thể hiện rủi ro tín dụng đầy đủ hơn trên bảng cân đối kế toán.
Theo Bloomberg, CGTN, CNN