Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trung Quốc bất ngờ hạ các lãi suất chủ chốt giữa lúc giới chức trách tìm cách thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế vốn đang chịu sức ép từ tác động của các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 và cơn suy thoái ngày càng trầm trọng của thị trường bất động sản.

Trụ sở của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Hôm 15-8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo hạ lãi suất của các khoản vay chính sách kỳ hạn một năm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 2,75% và hạ lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,1% xuống 2%.

Quyết định đó có thể khiến các ngân hàng thương mại ở Trung Quốc cắt giảm các mức lãi suất cho vay chính trong tháng 8 khi chúng được công bố vào tuần tới. Lãi suất điều hành của PBoC và lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại của Trung Quốc đều đã ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, nhu cầu vay đã giảm trong tháng 7, với tổng mức tăng tín dụng mới tăng chậm nhất kể từ năm 2017 do các doanh nghiệp và hộ gia đình hạn chế vay.

Dữ liệu chính thức hôm thứ 15-8 cho thấy doanh số bán lẻ, đầu tư và sản xuất công nghiệp trong tháng trước ở Trung Quốc đều không đạt các mức ước tính của các nhà kinh tế

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 3,8% so với một năm trước, thấp hơn mức dự báo 4,3% của các nhà kinh tế. Trong khi đó, doanh số bán lẻ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng với tốc độ 2,7%, cũng thấp hơn dự báo. Đầu tư tài sản cố định đã tăng 5,7% trong 7 tháng đầu năm, kém hơn so với mức dự báo 6,2%. Trong tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc giảm từ 5,5% xuống 5,4%, nhưng trong đó tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên mức cao kỷ lục 20%

Raymond Yeung, nhà kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ, cho biết: “Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7 rất đáng báo động. Chính sách “Zero Covid” tiếp tục gây tổn thương lĩnh vực dịch vụ và làm giảm mức chi tiêu của các hộ gia đình”.

Thị trường nhà ở của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm, với giá trị đầu tư giảm 6,4% trong 7 tháng đầu năm và doanh số bán nhà giảm đến 31,4% trong cùng kỳ. Điều đó đã tác động đến nhu cầu hàng hóa công nghiệp, với sản lượng xi măng giảm 7% trong tháng 7 và giá thép thô giảm 6,4%. Sản lượng máy tính và điện thoại di động ở Trung Quốc cũng giảm trong tháng trước.

Chang Shu, trưởng nhóm kinh tế châu Á của Bloomberg Economics, nói: “Sự suy giảm rõ rệt trong các hoạt động kinh tế tháng 7 của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế đã mất xung lực tăng trưởng sau khi chứng kiến một đợt phục hồi ngắn hồi tháng 6 nhờ giới chức trách nới lỏng các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19”.

Ông nói thêm: “Diễn biến ngạc nhiên nhất là sự chậm lại trong đầu tư, cho thấy một lực cản lớn hơn dự kiến ​​từ cơn hỗn loạn của thị trường bất động sản”.

Chiến lược quét sạch ca nhiễm Covid-19 của Trung Quốc đã khiến nước này khó duy trì các cải thiện kinh tế vì mối đe dọa về vòng lặp phong tỏa rồi tái mở cửa tiếp tục hiện hữu. Trong tháng 8, số ca nhiễm tăng nhanh ở đảo Hải Nam, nơi chính quyền đã đình chỉ các chuyến bay đồng thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh để kiểm soát dịch bệnh.

Doanh số nhà hàng ở Trung Quốc đã giảm 5 tháng liên tiếp, cho thấy tác động mà ngành dịch vụ phải gánh chịu từ các đợt phong tỏa và hạn chế đi lại.

Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho Bank, nhận định: “Rủi ro suy giảm tăng trưởng rõ ràng và dữ liệu tín dụng yếu ớt đã khiến PBoC phải hạ lãi suất”.

Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Pinpoint Asset Management, cho rằng dù PBoC chỉ giảm lãi suất ở mức nhỏ nhưng điều này báo hiệu giới chức trách đã sẵn sàng hành động. Ông nói: “Quy mô giảm lãi suất khá hạn chế. Để xoay chuyển kỳ vọng của thị trường và phá vỡ vòng xoáy đi xuống, giới chức trách cần phải làm nhiều hơn nữa”.

Động thái hạ lãi suất làm gia tăng sự khác biệt giữa lập trường nới lỏng tiền tệ của PBocC và chính sách thắt chặt tiền tệ ở các ngân hàng trung ương lớn khác khi họ nỗ lực kiềm chế lạm phát. Điều đó làm tăng rủi ro cho đồng nhân dân tệ khi áp lực dòng vốn rút khỏi Trung Quốc tăng trên.

Quyết định hạ lãi suất cũng gây bất ngờ khi PBOC gần đây cảnh báo nguy cơ lạm phát gia tăng, mặc dù nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp.

Việc PBoC hạ lãi suất cho thấy mức độ nghiêm trọng của các thách thức tăng trưởng. Hồi tháng trước, Bộ Chính trị Trung Quốc tuyên bố sẽ cố gắng đạt được “kết quả tốt nhất” có thể cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay trong khi vẫn tuân thủ nghiêm ngặt “Zero Covid". Các nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò dự báo nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3,8% trong năm nay.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới