Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc bỏ ‘zero Covid-19’: xuất khẩu nông sản vẫn không được chủ quan!

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trung Quốc quyết định bỏ chính sách “zero Covid-19” đã lập tức có tác động tích cực trong xuất khẩu nông, thuỷ sản của Việt Nam vào quốc gia tỉ dân này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay, đó là việc sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn nên chủ động giữ an toàn phòng dịch.

Cần chủ động kiểm soát an toàn phòng dịch ngay cả khi Trung Quốc đã bỏ kiểm soát Covid-19. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức thông báo dỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 (bỏ chính sách "zero Covid-19" vốn được áp dụng trong một thời gian dài vừa qua - PV) tại các cửa khẩu hàng hoá nhập khẩu vào quốc gia này, bao gồm cả hàng hoá đông lạnh.

Chính sách mới nêu trên của Trung Quốc có hiệu lực kể từ ngày 8-1-2023 vừa qua và điều này đã lập tức có tác động tích cực đến thị trường nông sản nội địa cũng như triển vọng xuất khẩu nông, thuỷ sản của Việt Nam thời gian tới.

Thị trường khởi sắc khi Trung Quốc bỏ “zero Covid-19”

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, sau hai năm chịu tác động của dịch Covid-19, nhất là khi thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (năm 2022 có khoảng 81% thị phần xuất khẩu thanh long của Việt Nam được bán sang Trung Quốc- PV) tăng cường kiểm soát dịch đã tác động rất lớn đến việc xuất khẩu loại sản phẩm này của Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.

Từ khó khăn trên, theo ông Trịnh, riêng tỉnh Long An đã có khoảng 30% diện tích trồng thanh long bị nông dân phá bỏ hoặc chuyển sang các loại cây trồng khác, khiến loại cây trồng này hiện chỉ còn khoảng 10.000 héc ta. “Điều này, cũng làm sản lượng thanh long của Long An cũng sụt giảm khoảng 50%”, ông nói và giải thích, sản lượng giảm một phần do giảm diện tích, một phần do nông dân không quan tâm chăm sóc trong thời gian dài.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc bỏ chính sách “zero Covid-19” đã có tác dụng tích cực kéo giá loại nông sản này của Việt Nam tăng cao trở lại.

Cụ thể, thanh long ruột đỏ hiện được thương lái mua xô tại vườn có giá 30.000 đồng/kg, trong khi giá tại kho, hiện được chủ các nhà kho ở khu vực Long An phát giá thu mua (cho giá để thương lái làm căn cứ đi thu mua từ nông dân- PV) đối với sản phẩm loại I là 43.000 đồng/kg; loại II 38.000 đồng/kg và loại III là 30.000 đồng/kg. “So với thời điểm trước khi Trung Quốc “mở cửa” một tuần, hiện giá thanh long tăng hơn 10.000 đồng/kg”, ông Trịnh cho biết.

Trong khi đó, đối với mít Thái, một loại trái cây khác cũng có thị phần xuất khẩu chủ yếu đi Trung Quốc, thì bà con nông dân xác nhận, giá bán cũng đã khởi sắc đáng kể sau khi Trung Quốc bỏ lệnh kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, mít loại I có giá 23.000 đồng/kg; loại II là 15.000 đồng/kg; kem lớn 20.000 đồng/kg; kem nhỏ 15.000 đồng/kg. Với mức giá này, mít Thái đang cao hơn khoảng 7.000-10.000 đồng/kg so với thời điểm trước khi Trung Quốc "mở cửa" khoảng một tuần (tuỳ loại).

Điểm đáng chú ý hơn, đó là việc thông quan hàng hoá qua các cửa khẩu với Trung Quốc đã không còn tình trạng tồn đọng nhiều ngày hoặc buộc phải quay đầu, thậm chí đổ bỏ vì hư hỏng như đã diễn ra vào thời điểm này của năm ngoái. “Qua ghi nhận từ các doanh nghiệp xuất khẩu, tôi được biết tình hình thông quan đi Trung Quốc đã thuận lợi hơn, không còn ùn ứ tại cửa khẩu như trước”, ông Trịnh nói.

Báo cáo tình hình xuất, nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn do Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại của địa phương thực hiện cho thấy, ở các cửa khẩu như: Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh và Cốc Nam không có tình trạng xe phải quay đầu.

Theo đó, đến 20 giờ ngày 11-1-2023, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 170 xe xuất khẩu, trong đó, có 105 xe chở trái cây; cửa khẩu song phương Chi Ma có 34 xe xuất khẩu và tại cửa khẩu phụ Tân Thanh có 238 xe xuất khẩu, trong đó, có 193 xe chở trái cây; cửa khẩu phụ Cốc Nam có 77 xe xuất khẩu và tất cả đều là xe trái cây.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian 24 giờ, tính đến 20 giờ ngày 11-1-2023, tiếp tục có  465 xe chở hàng hoá từ nội địa được chuyển lên để xuất bán đi Trung Quốc, trong đó, có 52% là xe chở trái cây, theo Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn.

Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho biết, đối với xuất khẩu thuỷ sản nói chung và cá tra nói riêng, trong năm 2023 sẽ có “điểm sáng”, nhất là khi Trung Quốc đã bỏ các lệnh phong toả, giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này gia tăng. “Có một công ty đặt mua 10 container, nhưng chúng tôi chỉ đồng ý bán 5 container nhằm khai trương sau Tết thôi”, ông cho biết và giải thích do giá bán hiện vẫn chưa tốt.

Ngoài ra, theo ông Văn, sau khi gặp khó khăn trong quí 4-2022 bởi lạm phát “bùng nổ” trên toàn thế giới, tỷ giá đồng ngoại tệ bị đẩy lên cao cộng với điều chỉnh lãi suất và chính sách “siết” dòng tiền, thì trong quí 1 và 2-2023 sẽ "sáng" lên do lạm phát trên thế giới đã dịu lại. "Thậm chí, ngay cả Việt Nam trước đây “siết” tín dụng, thì bây giờ Chính phủ cũng đã nới lỏng hơn”, ông dẫn chứng và nói rằng, dù thị trường chưa trở lại bình thường, nhưng đã dấu hiệu thuận lợi hơn, cho nên, thuỷ sản vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng ở năm 2023.

Chế biến thuỷ sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Cần chủ động duy trì phòng dịch

Liên quan đến việc Trung Quốc bỏ chính sách “zero Covid-19, trao đổi với KTSG Online, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khác Việt Nam, các quốc gia xuất khẩu nông sản khác như Thái Lan họ không trông chờ vào chính sách này của Trung Quốc. “Trung Quốc đặt ra yêu cầu kiểm soát để thực hiện “zero Covid-19”, thì Thái Lan họ đáp ứng, chứ không chờ bỏ cái đó”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc Trung Quốc bỏ chính sách “zero Covid-19” được, thì họ cũng có thể tái áp dụng, cho nên, nếu Việt Nam không chủ động duy trì, thì sẽ rất dễ bị rủi ro. “Vì vậy, vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hiện nay, đó là dù có mở hay không (ý nói Trung Quốc có bỏ chính sách zero Covid-19- PV), thì chúng ta vẫn nên đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của Trung Quốc thì mới hy vọng ổn định xuất khẩu trong năm 2023 được”, ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Trịnh của Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho rằng, chính sách của Trung Quốc thường thay đổi rất nhanh, cho nên, cần tiếp tục duy trì kiểm soát an toàn sản phẩm, bao gồm cả về sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản. “Đặc biệt, chúng ta phải duy trì kiểm soát tốt an toàn phòng dịch ngay cả khi thị trường này (Trung Quốc) đã không còn áp dụng”, ông nhấn mạnh và cho rằng, việc này là cần thiết nhằm tránh bị động trong trường hợp nếu Trung Quốc bất ngờ tái áp dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới