(KTSG Online) – Trước sức ép của Mỹ, Bắc Kinh đang thay đổi chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa bằng cách nới lỏng điều kiện trợ cấp cho một số hãng chip dẫn đầu. Đồng thời, giới chức trách cũng cho phép họ nắm quyền kiểm soát nhiều trong các dự án nghiên cứu được nhà nước hậu thuẫn.
- Ngành chip và AI của Trung Quốc có thể tụt hậu hàng chục năm
- Bùng nổ IPO trong ngành bán dẫn Trung Quốc giữa sức nóng cuộc đua chip
Động thái thắt chặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ chip tiên tiến của Mỹ buộc Bắc Kinh phải tính toán lại cách tiếp cận trợ cập trong lĩnh vực chip. Vì vậy, giới chức trách Trung Quốc sẽ tập trung nuôi dưỡng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với một nhóm công ty chip chọn lọc, theo các nguồn tin. Động thái đó diễn ra sau khi chính phủ Trung Quốc thay đổi chiến lược quản lý công nghệ trong tháng này với việc thành lập Ủy ban Khoa học và công nghệ trung ương.
Các nguồn tin cho biết các nhà phát triển và sản xuất chip hàng đầu đất nước như Semiconductor Manufacturing International (SMIC), Hua Hong Semiconductor và Huawei, cũng như các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Naura và Advanced Micro-Fabrication Equipment nằm trong số những công ty được hưởng lợi từ sự thay đổi chính sách.
Nhóm công ty này sẽ được quyền tiếp cận nguồn vốn tài trợ bổ sung của chính phủ mà không cần phải đạt được các mục tiêu hoạt động cần thiết như trước đây. Họ cũng có thể đóng vai trò lớn hơn trong các dự án nghiên cứu do nhà nước hậu thuẫn. Điều này sẽ giảm ảnh hưởng của các công ty và viện nghiên cứu nhà nước ở những dự án như vậy.
“Chính phủ Trung Quốc sẽ trợ cấp cho các công ty này để sản xuất và triển khai các công cụ sản xuất chip được bản địa hóa mà không có bất kỳ giới hạn nào vế vốn tài trợ nào”, một nguồn tin nói.
Động thái mới nhất của Bắc Kinh là một sự thừa nhận ngầm rằng chính sách trợ cấp ồ ạt và thường không có mục tiêu cụ thể cho ngành công nghiệp bán dẫn trước đây đã thất bại. Vi vậy, Trung Quốc cần đưa ra một sự lựa chọn chính sách khác để ứng phó những hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt của Mỹ đối với công nghệ chip.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Reuters đưa tin Trung Quốc đang thiết kế gói hỗ trợ hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (145 tỉ đô la Mỹ) dành cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Một quan chức chính phủ giấu tên nói: “Trung Quốc đã lãng phí quá nhiều tiền bạc vào các nghiên cứu không hiệu quả để lách lệnh trừng phạt mà không thu hoạch được gì. Đã đến lúc loại bỏ những ảo tưởng và chuyển tất cả các nguồn lực có thể vào các công ty có khả dẫn dắt ngành công nghiệp bán dẫn thoát tình cảnh ngặt nghèo”.
Sự cởi mở hơn trong chính sách hỗ trợ hãng chip trong nước diễn ra khi Trung Quốc đang chứng kiến ngành công nghiệp bán dẫn trong nước tê liệt do chính quyền Mỹ hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến. Trong khi đó, một thỏa thuận ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan cũng ngăn chặn xuất khẩu máy móc sản xuất chip sang Trung Quốc
Giới phân tích cho biết, Trung Quốc cần đẩy nhanh quá trình phát triển các thiết bị sản xuất chip thay thế ở trong nước, nhưng đó sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Lucy Chen, Phó Chủ tịch của Công ty Isaiah Research, có trụ sở tại Đài Loan, nói: “Chắc chắn Trung Quốc gặp khó khăn khi thay thế các thiết bị như vậy, nhưng điều đó là không thể tránh khỏi”.
Theo các lãnh đạo ngành chip, sự can thiệp hỗ trợ trực tiếp của Bắc Kinh với các khoản đầu tư lớn đã không tạo ra nhiều lợi thế về công nghệ. Lãnh đạo của một hãng chip lấy ví dụ nỗ lực chế tạo thiết bị in thạch bản để sản xuất chip ở Trung Quốc dựa vào nghiên cứu được tiến hành từ năm 2006.
Vị lãnh đạo, yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, nói : “Thiết bị in thạch bản trong nước được kiểm tra và xác minh bởi các nhà nghiên cứu, chứ phải các kỹ sư công nghiệp. Thiết bị này chỉ có thể sử dụng trên lý thuyết và chưa có nhà sản xuất chip nào dám kích hoạt một cỗ máy như vậy trong nhà máy của họ”.
Các chuyên gia trong ngành chip Trung Quốc vẫn thận trọng về mức độ lắng nghe của chính phủ Trung Quốc đối với các mối quan tâm của ngành.
“Bước đầu tiên có thể là khó khăn nhất. Đó là giải thích hoàn cảnh thực sự của ngành và nhu cầu của chúng tôi với các quan chức. Nhưng họ và các đầu tư chỉ thích nghe tin tốt”, lãnh đạo của của một công ty công cụ sản xuất chip ở Trung Quốc, nói
Theo Financial Times