Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc cân nhắc trả đũa Nokia, Ericsson nếu Huawei bị ‘cấm cửa’ ở châu Âu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc cân nhắc trả đũa Nokia, Ericsson nếu Huawei bị ‘cấm cửa’ ở châu Âu

Khánh Lan

(TBKTSG Online) - Bắc Kinh đang xem xét trả đũa nhằm vào Nokia và Ericsson, hai hãng thiết bị viễn thông lớn của châu Âu, trong trường hợp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) theo chân Anh cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng lưới 5G của họ.

Nokia và Ericsson bị lọt vào tầm ngắm

Hôm 20-7, tờ The Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết Bộ Thương mại Trung Quốc đang cân nhắc các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để ngăn cấm hai hãng thiết bị viễn thông Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển) bán các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc của họ sang các nước khác. Một nguồn tin nói rằng Bắc Kinh chỉ sử dụng biện pháp trừng phạt này nếu các nước EU khác cấm các công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc bao gồm Huawei cung cấp cho mạng lưới 5G của họ.

Trung Quốc cân nhắc trả đũa Nokia, Ericsson nếu Huawei bị ‘cấm cửa’ ở châu Âu
Nokia đã tiến hành đánh giá chuỗi cung ứng và lên kế hoạch sắp xếp lại hoạt động sản xuất trên toàn cầu sau khi nhận được tin báo về khả năng bị Trung Quốc hạn chế xuất khẩu. Ảnh: AFP

Tuần trước, Anh – nước rời EU hồi đầu năm nay – yêu cầu các nhà mạng di động ở Anh dừng mua thiết bị 5G của Huawei vào cuối năm 2020 và tháo gỡ thiết bị của hãng này ra khỏi mạng lưới của họ trong vòng bảy năm tới.
EU không ‘cấm cửa’ Huawei và đưa ra lập trường mềm mỏng hơn hồi tháng 1 bằng cách khuyến nghị các nước thành viên có thể tự quyết định về việc hạn chế sự hiện diện của Huawei ở mỗi nước. Đức – nền kinh tế lớn nhất EU – vẫn chưa quyết định liệu có cấm Huawei tham gia triển khai mạng lưới 5G ở nước này hay không?

Sau khi Chính phủ Anh ra thông báo ‘cấm cửa’ Huawei, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc. Mạng di động 5G – có tốc độ nhanh hơn 100 lần so với mạng 4G – sẽ là nền tảng quan trọng cho các công nghệ tân tiến trong tương lai ở các lĩnh vực từ sản xuất cho đến vận tải. Huawei – đối thủ của Nokia và Ericsson – là nhà sản xuất thiết bị 5G lớn nhất thế giới.

Cả Nokia lẫn Ericsson đang hiện diện lớn tại Trung Quốc. Nokia có một nhà máy sử dụng 16.000 công nhân và nhiều cơ sở nghiên cứu và phát triển đặt tại khu vực Trung Quốc mở rộng, bao gồm Hồng Kông và Đài Loan. Trong khi đó, Ericsson có một nhà máy và các cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc.

Trong năm nay, Ericsson đã thắng các gói thầu cung cấp một số thiết bị 5G cho ba nhà mạng di động nhà nước Trung Quốc nhưng giá trị của chúng nhỏ hơn nhiều so với các gói thầu mà Huawei và ZTE, một hãng thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc, nhận được.

Các nhà lãnh đạo của các hãng viễn thông phương Tây nhận định sự quan tâm của Trung Quốc đối với công nghệ 5G của phương Tây là nhằm tạo động lực duy trì sáng tạo cho các hãng sản xuất thiết bị viễn thông trong nước.

Trung Quốc duy trì một danh sách sản phẩm bị hạn chế xuất khẩu bao gồm các sản phẩm hóa chất và các sản phẩm có thể sử dụng cho mục đích quân sự hoặc hạt nhân dù nước này không có luật kiểm soát xuất khẩu. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu sẽ được quyết định và thực thi bởi một nhóm các cơ quan nhà nước gồm Bộ Thương mại, Tổng Cục Hải quân, Quốc Vụ viện và Quân ủy Trung ương.

Có thể phản tác dụng

“Hành động trả đũa của Trung Quốc có thể phản tác dụng vì nó sẽ khiến một số công ty nước ngoài hoảng sợ và rút hoạt động sản xuất của họ khỏi Trung Quốc. Các công ty nước ngoài ở Trung Quốc vốn đã rất lo lắng về nguy cơ bị mắc kẹt trong các cuộc đấu địa chính trị và đang đánh giá lại các địa điểm sản xuất và chuỗi cung ứng của họ để bảo đảm tính kinh doanh liên tục”, Jim McGregor, Chủ tịch phụ trách khu vực Trung Quốc mở rộng của hãng tư vấn APCO Worldwide, nêu quan điểm trước thông tin Trung Quốc xem xét trả đũa nhằm vào Nokia và Ericsson .

Một nguồn tin cho biết sau khi nhận được tin báo về việc Trung Quốc có thể áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cách đây vài tuần, Nokia đã tiến hành đánh giá chuỗi cung ứng và lên kế hoạch hành động khẩn cấp để sắp xếp lại hoạt động sản xuất trên toàn cầu.

Các nguồn tin nói rằng Nokia và Ericsson đều có thể ứng phó các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc bằng cách chuyển hoạt động sản xuất đến những nước khác ở châu Á hoặc châu Âu và Bắc Mỹ.

Giới quan sát nhận định rằng kế hoạch kiểm soát xuất khẩu đối với Nokia và Ericsson có thể chỉ là đòn hù họa. Hồi tháng 5 năm ngoái 2019, sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen để ngăn cấm các công ty công nghệ Mỹ bán hàng cho hãng này, Trung Quốc tuyên bố sẽ thành lập một danh sách các công ty nước ngoài không đáng tin cậy nếu họ không bán hàng hóa và dịch vụ cho các công ty Trung Quốc vì các mục đích phi thương mại. Kể từ đó, Bắc Kinh chưa đưa ra bất kỳ công ty nước ngoài vào danh sách này.

Trung Quốc cần phải cân nhắc kỹ vì các công ty đa quốc gia của Mỹ đang sử dụng hàng triệu công nhân ở Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đang cần công nghệ của Mỹ để xây dựng các ngành công nghiệp trong nước.

Trong năm qua, Mỹ vận động Anh và các nước EU cấm Huawei cung cấp thiết cho mạng lưới 5G của họ vì cho rằng Bắc Kinh có thể ra lệnh hãng này tiến hành các hoạt động tình báo hay phá hoại mạng lưới viễn thông. Nhưng Huawei và Chính phủ Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh rằng kịch bản này sẽ không bao giờ xảy ra.

Các hãng sản xuất thiết bị viễn thông phương Tây bao gồm Ericsson và Nokia đã bắt đầu di dời bớt cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc hồi năm ngoái vì nhiều lý do.

Thứ nhất, họ muốn tránh các đòn thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp vào hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ. Thứ hai, họ muốn trấn an các khách hàng hàng rằng sản phẩm của họ không gây rủi ro an ninh vì chúng không đến từ Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới