(KTSG Online) - Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa cập nhật thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.

Trước đó, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổng hợp, gửi 1.604 hồ sơ vùng trồng và 314 hồ sơ cơ sở đóng gói sầu riêng cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Việc mở rộng danh sách mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Theo TTXVN, sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh có thể xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia. Tuy nhiên, sau khi ký Nghị định thư sầu riêng với Trung Quốc, hơn 90% sản lượng sầu riêng Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường này.
Trong các mặt hàng rau quả xuất khẩu năm 2024, sầu riêng dẫn đầu với đóng góp tới 3,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu quả toàn ngành hàng. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng chính, với 3,2 tỉ đô la, chiếm 97% tổng lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Sầu riêng cũng chiếm tới 74% trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Mục tiêu xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm 2025 là 3,5 tỉ đô la. Diện tích trồng sầu riêng cả nước đã tăng nhanh chóng, đạt gần 180.000 hecta với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn vào năm 2024. Theo đánh giá của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sự phát triển này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như manh mún vùng trồng, khó kiểm soát chất lượng, thiếu nước tưới và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn từ những yếu tố như yêu cầu kỹ thuật của Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn; tình trạng giả mạo, mua bán mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vẫn diễn ra dẫn đến việc không thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần, thậm chí không kiểm soát được chất lượng sầu riêng.
Cục cảnh báo việc thu hoạch khi trái chưa đạt độ chín dẫn đến nhiều lô hàng sau khi xuất sang Trung Quốc được phản ảnh sầu riêng bị sượng. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng, hình ảnh và thương hiệu của sầu riêng Việt Nam.
Trong thời gian tới, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ đẩy mạnh áp dụng mô hình giám sát rủi ro, xử lý các vùng trồng, cơ sở vi phạm, bao gồm việc thu hồi mã số, dừng cấp phép, kiểm tra đột xuất và phối hợp với nước nhập khẩu để thực thi hậu kiểm tại gốc.