(KTSG Online) - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và bảy cơ quan chính phủ hôm 27-11 cùng đưa ra 25 biện pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân. Từ tháng 9 đến nay, PBoC đã thực hiện nhiều đợt bơm vốn, nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường.
- Công ty quản lý tài sản hàng đầu Trung Quốc cảnh báo mất khả năng trả nợ
- Thị trường nhà ở Trung Quốc chìm sâu vào vòng xoáy giảm giá
Vì sao bất động sản được ưu tiên hơn?
Ở Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân thường bị doanh nghiệp nhà nước lấn lướt, vì thế mới có cụm từ “guo jin min tui” – tức là "nhà nước tiến, tư nhân lùi".
Doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn khi có nhiều công ty không mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, có đến 80% lực lượng lao động Trung Quốc đang làm việc tại các công ty tư nhân. Nghĩa là tình hình kém sáng sủa của khu vực này sẽ tác động mạnh đến tài chính hộ gia đình ở Trung Quốc.
Ngân hàng Thương Châu tại thành phố Thương Châu thuộc tỉnh Hà Bắc đã tuyên bố phá sản vào giữa tháng 10 sau khi bị phát hiện nằm trong danh sách chủ nợ của “chúa chổm” China Evergrande Group. Trong khi đó, các ngân hàng còn lại chuyển sang tăng cường dự trữ tiền mặt, thay vì cho vay, dẫn đến sự bất ổn trên thị trường tiền tệ.
Thông báo chung năm nay của các cơ quan chính phủ Trung Quốc là kêu gọi các ngân hàng thương mại nên chú trọng hơn khu vực tư nhân, xem đây là một tiêu chí để đánh giá các chi nhánh và nhân viên. Thông báo nói doanh nghiệp tư ở bất cứ ngành nào cũng được hỗ trợ, nhưng đặc biệt đề cập lĩnh vực bất động sản vốn đang trì trệ do thiếu vốn và hụt thanh khoản. Thông báo nói rằng các ngân hàng nên “đáp ứng một cách hợp lý nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp bất động sản tư nhân”.
Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc đang soạn thảo danh sách 50 nhà phát triển bất động sản đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính, bao gồm cả công ty dẫn đầu ngành đang thiếu tiền mặt là Country Garden Holdings. Tháng 10 vừa rồi, Country Garden đã không đáp ứng nghĩa vụ của mình đối với trái phiếu bằng đồng đô la.
Bơm thêm tiền vào nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng
Các cơ quan tài chính Trung Quốc đã tăng cường thanh khoản với tốc độ chưa từng thấy trong những tháng gần đây trong nỗ lực hạn chế sự biến động của lãi suất ngắn hạn trước tình trạng nợ chính phủ ngày càng gia tăng. PBoC thường xuyên can thiệp để điều chỉnh cung và cầu trên thị trường tiền tệ, thông qua các giao dịch mua lại ngược (reverse repo) mỗi ngày, cũng như hoạt động cho vay trung hạn hàng tháng. PBoC đã gia tăng các hoạt động này gần đây. Hôm 27-11, giá trị các hợp đồng reverse repo đạt tổng trị giá 501 tỉ nhân dân tệ (70 tỉ đô la).
Hợp đồng reverse repo có nghĩa là ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại với thỏa thuận bán lại số chứng khoán này trong tương lai. Dòng vốn ròng của hoạt động này vào ngày 27-11 đạt 296.000 tỉ tệ, sau khi trừ các giao dịch đã đáo hạn.
Trong tuần lễ giao dịch (kết thúc ngày 17-11), PBoC đã bơm 3.210 tỉ nhân dân tệ, đây là mức kỷ lục từ trước đến nay. Dòng tiền ròng/dòng tiền thuần đạt 1.110 tỉ nhân dân tệ. Trong khoảng thời gian năm ngày của tuần lễ giao dịch (kết thúc 24-11), tổng cộng 2.160 tỉ nhân dân tệ đã được bơm vào thị trường, cao thứ năm. Dòng vốn ròng là 406 tỉ nhân dân tệ.
Trước đó, trong cuộc họp vào giữa tháng 11 với các tổ chức tài chính, các cơ quan quản lý cho biết, sẽ xem xét cung cấp thêm vốn từ nay đến đầu năm mới 2024 và Tết Nguyên đán nhằm bảo đảm cho nền kinh tế thứ 2 thế giới tăng trưởng ổn định.
Theo Nikkei Asia, Bloomberg