Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc cố gắng loại chip Mỹ trong máy tính của chính quyền

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong những tháng đầu năm nay, các cấp chính quyền Trung Quốc đã có những hướng dẫn về mua sắm nhằm loại bỏ dần chip của của nước ngoài, chủ yếu là chip của Intel và AMD (Mỹ) trong hệ thống máy tính cá nhân (PC) và máy chủ. Động thái này diễn ra giữa lúc Bắc Kinh thúc đẩy cuộc vận động thay thế công nghệ nước ngoài bằng các giải pháp trong nước.

Trung Quốc yêu cầu các cơ quan chính quyền và cơ quan Đảng thay thế chip của Intel và AMD trong hệ thống máy tính của họ bằng các sản phẩm trong nước. Ảnh: techgenez

Khuyến khích sản phẩm đáng tin cậy ở trong nước

Tờ Financial Times hôm 24-3 đưa tin, giới chức trách ở Trung Quốc bắt đầu tuân thủ hướng dẫn mới về mua sắm PC, máy tính xách tay và máy chủ do Bộ Tài chính (MoF) và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) ban hàng tháng 12 năm ngoái. Hướng dẫn yêu cầu  các cơ quan chính quyền và cơ quan Đảng từ cấp thị trấn trở lên phải xem xét các tiêu chí “an toàn và đáng tin cậy” khi mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) như chip và hệ điều hành.

Trong cùng tháng, Trung tâm Đánh giá an ninh Công nghệ thông tin (CNITSEC) thuộc Bộ Công an Trung Quốc công bố danh sách đầu tiên về các sản phẩm chip và hệ điều hành an toàn và đáng tin cậy. Trong đó, tất cả đều do các công ty trong nước sản xuất.

Trong số 18 sản phẩm chip được phê duyệt có chip của Huawei và Phytium, một công ty bán dẫn được nhà nước hậu thuẫn. Cả hai công ty này nằm trong "danh sách hạn chế" của Washington, đòi hỏi các nhà cung cấp Mỹ phải xin giấy phép đặc biệt nếu muốn bán hàng cho họ. Huawei và Phytium đang sử dụng hỗn hợp các kiến trúc chip của Intel cũng như Arm (Anh) và các kiến trúc chip nội địa. Trong khi đó, các hệ điều hành do các công ty Trung Quốc phát triển có nguồn gốc từ phần mềm Linux mã nguồn mở.

Hướng dẫn mua sắm mới cũng tìm cách loại bỏ hệ điều hành Windows của Microsoft và phần mềm cơ sở dữ liệu do nước ngoài sản xuất để chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế ở trong nước. Động thái trên được tiến hành song song với nỗ lực bản địa hóa công nghệ ở các doanh nghiệp nhà nước.

Cho đến nay, hướng dẫn mua sắm mới nhất của MoF và MITT đánh dấu bước đi quan trọng nhất của Bắc Kinh nhằm xây dựng các sản phẩm thay thế trong nước cho công nghệ nước ngoài. Điều này diễn ra khi Washington tăng cường áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào một loạt công ty công ty công nghệ Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Đồng thời, Mỹ chặn xuất khẩu chip tiên tiến và các công cụ sản xuất liên quan sang Trung Quốc.

Hướng tới tự chủ về công nghệ

Cải cách mua sắm công của Trung Quốc là một phần trong chiến lược quốc gia hướng tới tự chủ về công nghệ trong các lĩnh vực quân sự, chính quyền và nhà nước, được gọi là “đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin”.

Theo các nguồn thạo tin, Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước đã đặt ra yêu cầu tương tự đối với doanh nghiệp nhà nước để hoàn thành lộ trình chuyển đổi công nghệ sang các nhà cung cấp trong nước vào năm 2027. Kể từ năm ngoái, các tập đoàn nhà nước bắt đầu báo cáo hàng quí về tiến độ đổi mới hệ thống công nghệ thông tin. Dù vậy, những tập đoàn này vẫn được phép giữ lại một số công nghệ nước ngoài

Cuộc vận động loại bỏ phần cứng công nghệ nước ngoài sẽ gây tổn hại cho các công ty Mỹ trong đó có hai nhà sản xuất chip Intel và AMD. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Intel năm ngoái, đóng góp 27% trong tổng doanh thu 54 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, 15% trong tổng doanh thu 23 tỉ đô la của AMD trong năm 2023 đến từ Trung Quốc.

Chip của Intel hoặc AMD khó có thể lọt vào danh sách sản phẩm được phê duyệt của CNITSEC. Để được đánh giá, các công ty phải gửi cho CNITSEC  tài liệu nghiên cứu và phát triển và mã lập trình hoàn chỉnh đối với sản phẩm của họ. Theo CNITSEC, tiêu chí hàng đầu để đánh giá là mức độ thiết kế, phát triển và sản xuất sản phẩm tại Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, các ban ngành tài chính cấp tỉnh và thành phố ở Trung Quốc đưa ra hàng chục thông báo về hướng dẫn mua sắm mới. Trao đổi với Financial Times, hai quan chức phụ trách mua sắm ở các chính quyền địa phương cho biết, vẫn được phép mua máy tính có cài đặt chip nước ngoài và hệ điều hành Microsoft Windows.

Theo một quan chức ở thành phố Thâm Quyến, để mua chip nước ngoài, cơ quan chính quyền địa phương phải đăng ký và giải thích lý do. Trong tháng này, Trung tâm mua sắm của chính phủ trung ương Trung Quốc cũng cho biết, hoạt động mua sắm ở mức hạn chế đối với máy tính chạy bằng chip Intel và AMD có thể tiếp tục, miễn là các cơ quan ban ngành  “tuân thủ các quy trình quản lý có liên quan”.

Lin Qingyuan, một chuyên gia về chip của hãng nghiên Bernstein nhận định, việc thay thế chip của máy chủ sẽ được tiến hành hơn so với chip của PC vì hệ sinh thái phần mềm cần thay thế ít hơn. Dự báo, máy chủ do các công ty trong nước sản xuất sẽ chiếm 23% doanh số máy chủ ở Trung Quốc vào năm 2026.

Các nhà phân tích của Zheshang Securities ước tính, Trung Quốc cần đầu tư 660 tỉ nhân dân tệ (91 tỉ đô la Mỹ) trong giai đoạn 2023-2027 để thay thế cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ nước ngoài trong các cơ quan chính quyền, cơ quan Đảng và 8 ngành công nghiệp chính.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới