Trung Quốc có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu phạm sai lầm trong chiến tranh thương mại
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Trung Quốc có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình do phạm hai sai lầm lớn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, đó là: đánh giá sai quyết tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và mối quan hệ đồng minh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU).
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida, Mỹ hồi tháng 4-2017. Ảnh: Reuters |
Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Zhang Lin ở Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc ở Bắc Kinh trong bài viết đăng trên tờ South China Morning Post hôm 30-7.
Hai sai lầm lớn của Bắc Kinh
Zhang Lin cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã đánh giá sai về quyết tâm của Trump trong cuộc đấu thương mại với Trung Quốc. Theo ông, Bắc Kinh đã nhận định sai rằng Trump chỉ là một doanh nhân và xem các lời đe dọa thương mại của ông đơn giản là chiêu thức để giành sự ủng hộ của cử tri đối với đảng Cộng hòa trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ diễn ra vào tháng 11 tới.
Nói cách khác, Bắc Kinh cho rằng Trump phát động chiến tranh thương mại chủ yếu vì mục đích chính trị trong nước: muốn chứng tỏ cho cử tri thấy rằng ông đang thực hiện cam kết trong cuộc vận động tranh cử, đó là đấu tranh để bảo vệ việc làm và ngành sản xuất trong nước.
Nhưng thực tế, Washington đã khẳng định rõ trong báo cáo Chiến lược quốc phòng quốc gia, do Lầu Năm Góc biên soạn, rằng Mỹ sẽ không dung thứ cho các thực hành kinh tế và thương mại bất công của Bắc Kinh. Bản báo cáo này được công bố hồi đầu năm, nhiều tháng trước khi xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang. Thông điệp của báo cáo là Bắc Kinh không thể vừa kiếm được tiền từ Mỹ vừa tạo ra mối thách thức đối với Mỹ.
Theo nhà nghiên cứu Zhang Lin, sai lầm lớn thứ hai của Bắc Kinh là đánh giá sai mối quan hệ đồng minh Mỹ-EU và hy vọng một cách không thực tế rằng sẽ xây dựng được một mặt trận liên minh với Brussels để chống lại Washington trong cuộc chiến thuế.
Dù có nhiều bất hòa trong các mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, chẳng hạn, Anh cùng Đức và Pháp gia nhập Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á do Trung Quốc dẫn đầu bất chấp sự phản đối của Mỹ, các nền dân chủ phương Tây vẫn chia sẻ nhiều giá trị cốt lõi.
Động thái hòa hoãn thương mại mới đây giữa Mỹ và EU gửi một thông điệp khác đến cho Bắc Kinh rằng Washington và Brussels sẽ “hợp tác chặt chẽ với các đối tác có cùng chí hướng” để giải quyết một danh sách dài các vấn đề chẳng hạn “ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp cho các ngành công nghiệp, những bóp méo thị trường do các doanh nghiệp nhà nước gây ra và tình trạng dư thừa công suất”. Chẳng khó để đoán ra rằng hai bên đang muốn ám chỉ đến nước nào.
Trung Quốc sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình?
![]() |
Container tập kết ở cảng Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Zhang Lin nhận định dù các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục hoạt động ở thị trường Trung Quốc và nước này sẽ không bị loại bỏ khỏi hệ thống thương mại toàn cầu vì các đòn áp thuế của Mỹ, có khả năng kỷ nguyên vàng của hoạt động xuất khẩu kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2011 sẽ đi đến hồi kết.
Lin cho rằng hoạt động ngoại thương giảm sút có thể gây tổn thương cho nền kinh tế Trung Quốc ở mức độ sâu hơn dự kiến, và thậm chí có thể đẩy nước này rơi vào bẫy thu nhập trung bình, một khái niệm được Ngân hàng Thế giới đưa ra vào năm 2006 để mô tả một tình huống mà một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình trải qua tình trạng trì trệ kéo dài và không thể tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế mạnh hơn.
Theo Zhang Lin, “phép màu kinh tế” của Trung Quốc kéo dài bốn thập kỷ qua dựa vào hai yếu tố chính: khu vực kinh tế nhà nước kém hiệu quả mở đường cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển và sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các hoạt động thương mại và đầu tư.
Chặng đường tăng trưởng kinh tế thần tốc của Trung Quốc bắt đầu từ năm 1978 khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình quyết định theo đuổi chính sách cải cách và mở cửa. Hành trình này có thể được chia thành bốn chu kỳ. Chu kỳ thứ nhất, từ 1978-1984, chủ yếu là xóa bỏ hệ thống hợp tác xã và trao quyền tự chủ cho nông dân trên mảnh đất của họ. Chu kỳ thứ hai bắt đầu từ năm 1984 khi các hoạt động thương mại ở khu vực đô thị bắt đầu phát triển thịnh vượng. Chu kỳ thứ ba được kích hoạt nhờ chuyến đi công tác miền nam Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình vào năm 1992 và chu kỳ thứ tư bắt đầu vào năm 2011 khi Trung Quốc gia nhập WTO.
Học giả Zhang Lin cho rằng chu kỳ kinh tế thứ năm đáng lẽ có thể đã được tạo ra nếu Trung Quốc tiếp tục mở cửa hơn đối với thế giới bên ngoài. Song Trung Quốc đã không làm như vậy và giờ đây đà tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế nước này (từ năm 2013) đã được xem là “điều bình thường mới”. Theo Zhang Lin, giai đoạn hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc không còn là chu kỳ bình thường vì nó giống như là một thất bại kinh tế do con người tạo ra hơn.
Trung Quốc sẽ gặp khó nếu Mỹ, EU, Nhật Bản hợp tác
Lin cho rằng trong một mô hình tăng trưởng do nhà nước dẫn dắt, các công ty nhà nước phát triển trong khi khu vực kinh tế tư nhân thoái lùi, gây tổn hại cho một trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Giờ đây, chiến tranh thương mại với Mỹ đang bắt đầu làm suy yếu trụ cột tăng trưởng còn lại, tức khu vực kinh tế nhà nước. Điều này có nghĩa là hai trụ cột thúc đẩy sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc đều suy yếu, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến các triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nếu Mỹ, EU và thậm chí cả Nhật Bản nữa thành lập một khối tự do thương mại giữa lúc Trung Quốc đang rơi vào tình trạng tăng trưởng trì trệ kéo dài, Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn hơn để khôi phục tăng trưởng. Động thái này cũng sẽ gây khó khăn hơn cho Trung Quốc trong các nỗ lực thúc đẩy sự phát triển ở mặt trận công nghệ. Bấy lâu nay, EU và Mỹ cáo buộc Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các đối tác liên doanh Trung Quốc như là điều kiện để làm ăn ở nước này.
Bắc Kinh nhiều lần khẳng định không lo sợ của một cuộc chiến tranh thương mại với Washington, trong lúc đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi người dân “chia sẻ khó khăn” với chính phủ. Song sự bóp méo thị trường do các công ty nhà nước gây ra chắc chắn không phải là trách nhiệm của người dân Trung Quốc và họ chắc chắn không đáng phải chịu những hậu quả của “bẫy thu nhập trung bình” nếu đó là “sản phẩm” của các chính sách sai lầm của chính phủ, theo Zhang Lin.