(KTSG Online) - Trung Quốc vừa công bố một loạt biện pháp kích thích mới để hỗ trợ thị trường nhà ở và chứng khoán. Đáng chú ý nhất là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ở các ngân hàng thương mại và giảm lãi suất chính sách.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn trì trệ do khủng hoảng nhà ở kéo dài và tiêu dùng nội địa ảm đạm.
- Trung Quốc nguy cơ lặp lại kỷ nguyên bong bóng bất động sản đổ vỡ của Nhật Bản
- Trung Quốc vẫn chưa tìm được lối ra cho các căn hộ 'ế'
Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào hôm nay (24-9), Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Phan Công Thắng thông báo, PBoC sẽ hạ RRR ở các ngân hàng thương mại và lãi suất đối với các khoản vay mua nhà thế chấp hiện tại 0,5 điểm phần trăm. Ngoài ra, PBoC sẽ giảm tỷ lệ trả trước đối với người vay thế chấp mua căn nhà thứ hai từ 25% xuống 15% giá trị căn nhà.
Theo người đứng đầu PBoC, việc cắt giảm RRR dự kiến cung cấp thanh khoản khoảng 1 nghìn tỉ nhân dân tệ (141 tỉ đô la Mỹ) cho thị trường tài chính. Với RRR hiện tại của ngành ngân hàng Trung Quốc ở mức khoảng 6,6%, PBoC vẫn còn nhiều dư địa để điều chỉnh và có thể hạ thêm 0,25 hoặc 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay.
“Việc giảm lãi suất vay thế chấp mua nhà dự kiến mang lại lợi ích cho 50 triệu hộ gia đình, giúp giảm chi phí lãi vay hộ gia đình trung bình khoảng 150 tỉ nhân dân tệ mỗi năm. Điều này này sẽ thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư một cách hiệu quả”, ông Phan Công Thắng nói tại cuộc họp báo chung với Giám đốc Cục Quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc (NAFR), Lý Vân Trạch và Chủ tịch Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Ngô Thanh.
Ông cũng thông báo giảm lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) kỳ hạn 7 ngày từ 1,7% xuống 1,5%. Điều này có thể giúp lãi suất cơ bản giảm khoảng 0,2-0,25 điểm phần trăm. Trong khi đó, lãi suất trung hạn có thể giảm 0,3 điểm phần trăm.
Trong khi đó, ông Thắng cho biết, PBoC sẽ hỗ trợ những nhà đầu tư muốn mua lại đất đai chưa sử dụng của các công ty bất động sản đang gặp khó khăn tài chính. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang nghiên cứu thành lập một quỹ bình ổn thị trường chứng khoán do nhà nước hậu thuẫn để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, các công ty môi giới chứng khoán và các quỹ đầu tư có thể vay tiền từ PBoC để mua cổ phiếu.
Loạt chính sách kích thích mới được công bố khi ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi Bắc Kinh vực dậy động lực tăng lực đang suy yếu. Nền kinh lớn thứ hai thế giới vẫn chưa có phục hồi rõ rệt về tăng trưởng do khủng hoảng bất động sản kéo dài, tiêu dùng trong nước vẫn ảm đạm và xung đột thương mại với phương Tây ngày càng gay gắt.
Ngành bất động sản và xây dựng chiếm hơn 25% GDP của Trung Quốc nhưng chịu áp lực chưa từng có kể từ năm 2020, khi chính quyền thắt chặt khả năng tiếp cận tín dụng của các nhà phát triển nhằm giảm nợ. Bắc Kinh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hồi sinh thị trường nhà ở, bao gồm chương trình mua lại nguồn cung căn hộ dư thừa. Tuy nhiên, giá nhà vẫn liên tục giảm, khiến niềm tin của người tiêu dùng suy yếu.
Trong khi đó, khu vực quyền địa phương ở Trung Quốc đối mặt với gánh nặng nợ ngày càng tăng, lên tới 5,6 nghìn tỉ đô la Mỹ. Điều này, làm tăng thêm lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế.
Tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã khởi động chu kỳ giảm lãi suất, giúp nới lỏng dư địa cho các chính sách tiền tệ ở Trung Quốc.
Theo nhận định của Beck Liu, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc của ngân hàng Standard Chartered, các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới công bố của Trung Quốc mạnh mẽ hơn kỳ vọng khi PBoC vừa giảm lãi suất vừa hạ RRR trong cùng một ngày, điều chưa từng xảy ra trong 10 năm qua.
Eric Zhu, nhà kinh tế của Bloomberg Economics đánh giá, gói kích thích kinh tế mạnh mẽ trên có thể giúp Bắc Kinh đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.
“Trung Quốc đã có định hướng rõ ràng hơn về việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng chỉ riêng điều này chắc chắn chưa đủ. Điều quan trọng là giới chức trách phải giúp thị trường kỳ vọng mạnh mẽ hơn về việc chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được nới lỏng trong tương lai và sẽ có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ tăng trưởng”, Zhu Tian, giáo sư kinh tế của Trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc châu Âu ở Thượng Hải bình luận.
Vị giáo sư này cũng cho rằng Trung Quốc cần củng cố chính sách tài khóa, đặc biệt là tăng chi tiêu và phát hành trái phiếu để giải quyết vấn đề thanh khoản mà các chính quyền địa phương, các nhà phát triển bất động sản cùng nhiều doanh nghiệp khác đang đối mặt.
Theo SCMP, Bloomberg, AFP