Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc đối mặt nguy cơ ‘suy thoái bảng cân đối kế toán’

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tổng mức cho vay mới của các ngân hàng ở Trung Quốc trong tháng 7 giảm sâu xuống mức thấp chưa từng thấy trong 15 năm qua. Nguyên nhân là do các hộ gia đình và doanh nghiệp ưu tiên trả nợ hơn là vay thêm cũng như do yếu tố mùa vụ.

Giới phân tích cảnh báo, với dữ liệu tín dụng mới, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với tình trạng “suy thoái bảng cân đối kế toán” (balance sheet recession). Thuật ngữ này đề cập đến một dạng suy thoái kinh tế, xảy ra khi mức nợ cao của khu vực tư nhân khiến các cá nhân và doanh nghiệp tập trung tiết kiệm và trả nợ, thay vì chi tiêu hoặc đầu tư, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại hoặc suy giảm.

Trong tháng Bảy, các khoản vay ngân hàng mới (không bao gồm tín dụng dành cho các tổ chức tài chính) ở Trung Quốc lần đầu tiên suy giảm trong 19 năm. Ảnh: WION

Hộ gia đình và doanh nghiệp sốt sắng trả nợ

Dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), công bố hôm 13-8, cho thấy, trong tháng Bảy, các ngân hàng trong nước cung cấp các khoản cho vay mới với tổng giá trị 260 tỉ nhân dân tệ (NDT), tương đương 36,3 tỉ đô la Mỹ. Con số này giảm gần 88% so với 2,13 nghìn tỉ NDT trong tháng Sáu và cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cuộc khảo sát trước đó của Reuters, các phân tích dự báo, các khoản cho vay mới trong tháng trước sẽ đạt 450 tỉ NDT.

Các các khoản cho vay giảm phần lớn có thể là do tính thời vụ vì tháng 7 thường là giai đoạn tín dụng trầm lắng và các ngân hàng không vội đáp ứng các mục tiêu cho vay hàng quí.

Tuy nhiên, mức giảm tín dụng mạnh hơn dự kiến ​cũng phản ánh sự thận trọng của các hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc đối với việc vay thêm nợ trong bối cảnh triển vọng kinh tế không chắc chắn do khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Đáng chú ý, nếu không tính tín dụng dành cho các tổ chức tài chính, các khoản cho vay của ngân hàng giảm 77 tỉ NDT (10,7 tỉ đô la) so với tháng 6. Điều này đánh dấu mức giảm hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 7-2005 do số nợ được trả nhiều hơn các khoản vay.

Các hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc đang gấp rút trả nợ khi lợi nhuận đầu tư suy giảm và chi phí vay thực tế, được điều chỉnh theo mức lạm phát yếu ớt, vẫn ở mức cao.

Trong tháng 7, các công ty phi tài chính của Trung Quốc chỉ vay thêm 152 tỉ nhân dân tệ, thấp nhất kể từ tháng 10-2019. Trong khi đó, đối với các hộ gia đình, mức trả nợ cho các ngân hàng cao hơn mức mà họ vay mới đến 222 tỉ NDT. Người dân Trung Quốc đang tìm cách trả nợ vay ngắn hạn cũng như các khoản vay thế chấp trong bối cảnh suy thoái bất động sản kéo dài.

Diễn biến đó phản ánh nhu cầu trong nước đang suy yếu, có thể khiến Trung Quốc khó đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% khi lượng đơn hàng từ nước ngoài bắt đầu suy giảm.

Sau khi dữ liệu được công bố, một số nhà phân tích dự đoán, PBoC có thể phải hạ lãi suất thêm nữa để kích thích nhu cầu vay. Tuy nhiên, PBoC cũng cần cẩn trọng vì lo ngại động thái này làm suy yếu đồng nhân dân tệ, thúc đẩy dòng vốn tháo chạy khỏi đất nước.

Một chi nhánh của Ngân hàng Thương nhân Trung Quốc ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Các hộ gia đình và doanh nghiệp của Trung Quốc đang ưu tiên trả nợ ngân hàng, thay vì vay thêm. Ảnh: Bloomberg

Rủi ro kinh tế trì trệ như Nhật Bản trước đây

Quyết tâm trả nợ và cắt giảm chi tiêu của hộ gia đình và doanh nghiệp sau cú sụp đổ của thị trường nhà ở được xem là nguyên nhân chính đẩy nền kinh tế Nhật Bản rơi vào thời kỳ giảm phát dài nhiều năm bắt đầu từ thập niên 1990

Các nhà kinh tế từ đang tranh luận liệu Trung Quốc có phải đối mặt với tình trạng “suy thoái bảng cân đối kế toán” tương tự hay không. Thuật ngữ này do Richard Koo, nhà kinh tế trưởng của Nomura Research, đặt ra để giải thích về “thập niên mất mát” của Nhật Bản (thời kỳ kinh tế đình trệ kéo dài suốt thập niên 1990). Theo đó, do lo sợ trước đà sụt giảm của giá cả tài sản (bất động sản và cổ phiếu). các gia đình và doanh nghiệp tập trung vào việc trả nợ, hạn chế chi tiêu và đầu tư, khiến nền kinh tế đình đốn.

Theo Lynn Song, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING, dù tình hình hiện tại của Trung Quốc có sự khác biệt rõ ràng so với Nhật Bản trước đây, “suy thoái bảng cân đối kế toán” vẫn là một rủi ro thực sự.

“Chúng tôi nhìn thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại về sự bi quan lan rộng đang lan rộng ở Trung Quốc. Điều quan trọng đối với Bắc Kinh là cần ổn định giá cả tài sản  trước khi tâm lý bi quan ăn sâu”, ông nói.

Các chỉ số kinh tế khác cũng đang chỉ ra sự suy giảm nhu cầu trong nước. Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi, loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, chỉ tăng 0,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 1. Điều đó xảy ra sau khi CPI tổng thể suy giảm trong 5 quí liên tiếp, đà trượt giảm giá cả dài nhất kể từ năm 1999.

Thị trường trái phiếu nóng ran

Thị trường trái phiếu đang phản ánh mối lo ngại nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với thời kỳ trì trệ với lạm phát thấp và lãi suất thấp. Lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Trung Quốc, di chuyển nghịch chiều với giá, giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng này khi nhà đầu tư đổ xô mua để tìm kiếm mức thu nhập an toàn giữa bức tranh kinh tế vĩ mô ảm đạm.

PBoC bắt đầu cảnh báo tình trạng thị trường trái phiếu quá nóng hồi tháng Tư. Trong tháng 7, PBoC cho biết đã vay trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng. Động thái này nhằm gửi tín cảnh báo nhà đầu tư rằng, PBoC sẵn sàng bán ra trái phiếu để kéo lợi suất đi lên. Nhưng những cảnh báo này không ngăn được lợi suất trái phiếu giảm xuống mức thấp kỷ lục. Trong những tuần gần đây, PBoC nhiều lần can thiệp bằng cảnh báo lời nói cũng như hành động quản lý trên thị trường trái phiếu chính phủ. Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang lo ngại về vòng lặp phản hồi tiêu cực giữa lợi suất giảm và kỳ vọng suy yếu đối với nền kinh tế.

Lợi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản cũng suy giảm kéo dài trong “thập niên mất mát”. Ren Zeping, nhà phân tích kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc, và là ngườ isáng lập Zeping Macro nhận xét, tình hình của Trung Quốc có những điểm tương đồng với “cơn suy thoái bảng cân đối kế toán” của Nhật Bản vào thập niên 1990”.

Trong báo cáo hôm 14-8, ông cho rằng, Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề giống như nền kinh tế Nhật Bản trước đây, gồm tiền tiết kiệm hộ gia đình cao, nhu cầu vay yếu, giá hàng hóa tiêu dùng và tài sản suy yếu cũng như chi phí đi vay thực tế cao.

Dù vậy, các nhà kinh tế khác chỉ ra những khác biệt lớn về kinh tế, cho thấy Trung Quốc có thể sẽ không sớm rơi vào trạng thái trì trệ kiểu Nhật Bản.

Tỷ lệ nợ hộ gia đình so với GDP của Trung Quốc phần lớn không thay đổi kể từ đại dịch Covid-19. Trong khi đó, tỷ lệ nợ của khu vực doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nhà nước so với GDP vẫn tiếp tục tăng.

Theo Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc của ngân hàng đầu tư Macquarie Group, nợ phải trả doanh nghiệp ở Trung Quốc giảm không đáng kể. “Để xác định tình trạng suy thoái bảng cân đối kế toán, ít nhất chúng ta cần thấy các công ty Trung Quốc đang giảm mạnh đòn bẩy tài chính”, ông nói.

Theo Bloomberg, WSJ

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới