Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc dồn dập thâu tóm các lâu đài rượu vang của Pháp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc dồn dập thâu tóm các lâu đài rượu vang của Pháp

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt thu gom các lâu đài rượu vang của Pháp, đặc biệt là ở vùng Bordeaux, làm dấy lên những lo ngại của nhà chức trách về nguy cơ đất nông nghiệp ở Pháp dần rơi vào những nhà đầu tư nước ngoài.

10 lâu đài rượu vang của tỉ phú Trung Quốc bị tịch biên

Trung Quốc dồn dập thâu tóm các lâu đài rượu vang của Pháp
Doanh nhân tỉ phú Hồng Kông Peter Kwok bên trong lâu đài rượu vang Château Bellefont-Belcier của ông ở làng Saint-Emilion thuộc vùng Bordeaux, Pháp. Ảnh: AFP

Hôm 29-6, một nguồn tin cảnh sát tư pháp Pháp cho biết cho biết nhà chức trách đã tịch biên 10 lâu đài rượu vang (wine château) ở vùng Bordeaux của tập đoàn Haichang có trụ sở ở TP. Đại Liên (Trung Quốc) như là một phần của cuộc điều tra các hành vi gian lận tài chính của tập đoàn này.

“Chúng tôi phát hiện một số sai phạm thuế trong các thương vụ mua 10 lâu đài rượu vang này bao gồm rửa nguồn tiền có được từ gian lận thuế, làm giả giấy tờ và sử dụng giấy tờ giả...”, nguồn tin cảnh sát tư Pháp nói.

Maxime Delhomme, luật sư của Haichang cho biết Haichang sẽ kháng cáo quyết định tịch biên.

Lâu đài rượu vang là cơ sở sản xuất rượu vang bao gồm một ngôi nhà lớn được xây theo kiểu kiến trúc lâu đài, các vườn nho và các hầm rượu ở vùng nông thôn nước Pháp.

Tập đoàn Haichang hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, vận tải hàng hải, bất động sản, du lịch và nông nghiệp. Chủ tịch tập đoàn này là tỉ phú Naijie Qu, 57 tuổi.

Các nhà điều tra của chi nhánh Cục cảnh sát tư pháp liên vùng (DIPJ) ở Bordeaux đã phát hiện Haichang sử dụng một mạng lưới các công ty bình phong do tập đoàn này lập ra ở Pháp và nước ngoài để thực hiện các vụ thâu tóm, hòng che giấu nguồn gốc số tiền đầu tư. Họ cũng nghi ngờ Haichang sử các tài liệu công chứng giả để vay 30 triệu euro từ chi nhánh Ngân hàng Thương mại và công nghiệp Trung Quốc (ICBC) tại Paris để phục vụ cho các vụ thâu tóm.

Cuộc điều tra cũng nhắm vào những người ở Pháp đã tiếp tay cho các vụ thâu tóm này bao gồm hai luật sư, hai kiểm toán viên là một nhân viên của Cục trấn áp tội phạm tài chính trung ương. Vụ việc giờ đây được chuyển sang cho Văn phòng công tố viên tài chính quốc gia ở Paris.

Haichang là nhà đầu tư lớn nhất trong số các nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm các lâu đài rượu vang của Pháp trong những năm gần đây. Ước tính, tập đoàn này đã chi 55 triệu euro để mua lại 24 lâu đài rượu vang, sản xuất nhiều thương hiệu rượu vang nổi tiếng tại vùng Bordeaux.

Các thương vụ này đã lọt vào tầm ngắm các nhà điều tra ở DIPJ trong nhiều năm qua sau khi họ nắm được một báo cáo của Cục kiểm toán nhà nước Trung Quốc vào năm 2014 nói rằng Haichang đã sử dụng sai mục đích số tiền được nhà nước cho vay ưu đãi.

Theo báo cáo, Haichang cùng một công ty khác từ Đại Liên được nhà nước cho vay ưu đãi  268 triệu nhân dân tệ (48,3 triệu đô la Mỹ) để mua các công ty công nghệ cao ở nước ngoài nhưng họ đã sử dụng số tiền này để mua các lâu đài rượu vang ở Pháp.

Ồ ạt thâu tóm

Lâu đài rượu vang Château de Sours, được tỉ phú Jack Ma mua lại vào năm 2016. Ảnh: Bloomberg

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã ồ ạt thâu tóm các lâu đài rượu vang của Pháp với tốc độ chóng mặt trong năm năm qua. Ước tính, khoảng 160 lâu đài rượu vang của Pháp đang nằm trong tay các nhà đầu tư Trung Quốc, tăng mạnh so với con số 30 vào năm 2012.

Đa số các thương vụ thâu tóm được thực hiện ở vùng Bordeaux, một địa danh quá nổi tiếng đối với những người tiêu thụ rượu vang ở Trung Quốc. Khoảng 3% diện tích trồng nho và lâu đài rượu vang của Bordeaux giờ đây thuộc sở hữu của hơn 70 nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo các nhân viên môi giới bất động sản địa phương, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng bị thu hút trước vẻ đẹp kiến trúc của các lâu đài rượu vang ở Bordeaux.

Các nhà đầu tư Trung Quốc bao gồm Haichang, chủ yếu để mắt đến những lâu đài rượu vang có giá bán dưới 10 triệu euro.

Gần đây, một số nhà đầu tư Trung Quốc nhắm đến các lâu đài rượu vang danh tiếng hơn. Năm ngoái, doanh nhân tỉ phú Hồng Kông Peter Kwok đã mua lâu đài rượu vang Bellefont-Belcier rộng 13,5 haở làng Saint-Emilion thuộc vùng Bordeaux với giá 30 triệu euro. Năm 2016, tỉ phú Jack Ma, người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba, đã chi 16 triệu đô Mỹ để mua lâu đài rượu vang Chateau de Sours, được xây dựng từ thế kỷ 18, rộng 80 hecta ở vùng Bordeaux.

Phần lớn rượu vang từ các lâu đài rượu vang của giới đầu tư Trung Quốc tại Pháp được xuất khẩu sang Trung Quốc, nơi người tiêu dùng rất chuộng vang Pháp đặc biệt từ vùng Bordeaux. Các lâu đài rượu vang ở Bordeaux đã bán sang Trung Quốc 84 triệu chai rượu vang trong năm 2017, chiếm 30% tổng doanh số xuất khẩu rượu vang của vùng này.

Số người tiêu thụ rượu vang nhập khẩu ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên 48 triệu người trong giai đoạn 2011-2016, theo công ty tư vấn Wine Intelligence.

Giải thích về lý do nhiều công ty Trung Quốc đầu tư cho rượu vang ở nam nước Pháp, Zhang Jinshan, chủ tịch tập đoàn sản xuất rượu Ningxia Hong (Trung Quốc), người đã chi 10 triệu euro để mua một lâu đài rượu vang ở Bordeaux vào năm 2012, nói: “Ở Trung Quốc, rượu vang đỏ từ Bordeaux có danh tiếng rất cao. Chúng tôi hy vọng cải thiện chất lượng rượu vang đỏ do Trung Quốc sản xuất bằng kỹ thuật sản xuất rượu vang của Bordeaux”.

Tổng thống Pháp lên tiếng

Do đất trồng trọt trong nước ngày một khan hiếm, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đẩy mạnh các thương vụ thâu tóm đất nông nghiệp trên toàn cầu trong những năm qua.

Vụ tịch biên các lâu đài rượu vang của tập đoàn Haichang diễn ra giữa lúc các mối lo ngại đang dâng cao ở Pháp về hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, dồn dập thâu tóm đất nông nghiệp của Pháp bao gồm các lâu đài rượu vang.

Các nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ nhắm đến các lâu đài rượu vang. Trong hai năm 2016 và 2017, tập đoàn Hongyang (Trung Quốc) với mảng kinh doanh chính là sản xuật các trụ bơm xăng, đã mua hơn 1.000 ha đất nông nghiệp ở miền trung nước Pháp.

Sau khi tập đoàn Reward Group International (Trung Quốc) mua gần 900 ha đất nông nghiệp ở miền Trung nước Pháp, hồi đầu tháng 6, tờ Le Figaro đăng bài xã luận có đoạn: “Kể từ tháng 11, 900 ha đất nông nghiệp ở vùng Allier, miền trung Pháp đã bị một thế lực nước ngoài thâu tóm. ‘Cuộc xâm chiếm’ này được thực hiện không phải bằng vũ khí hay bạo lực mà thông qua các cuộc họp bí mật của các thành viên hội đồng quản trị người Trung Quốc tại các văn phòng công chứng ở Pháp”.

Theo bài xã luận, người dân địa phương phản đối Reward Group International mua đất nông nghiệp ở vùng Allier một phần là do tập đoàn này đưa ra giá quá cao, dẫn đến sức ép tăng giá đất nông nghiệp, khiến những nông dân trẻ địa phương không đủ khả năng mua đất.

Hồi tháng 2, phát biểu trước 100 nông dân trẻ ở Điện Élysée, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Đối với tôi, đất nông nghiệp của Pháp là mảng đầu tư chiến lược mà chủ quyền của chúng ta dựa vào. Chúng ta không thể để các thế lực nước ngoài mua hàng trăm hec-ta đất đai mà không hề biết ý đồ của họ”. Ông Macron cam kết sẽ áp đặt các rào cản chính sách đối với các vụ thâu tóm đất nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài.

Phát biểu của ông Macron được đưa ra sau khi một quỹ đầu tư Trung Quốc tuyên bố ý định mua gần 2.700 ha diện tích trồng lúa mì ở Pháp.

Pháp cũng đang soạn thảo một dự luật mới về bất động sản nông nghiệp và dự luật này dự kiến được đưa ra thảo luận tại quốc hội Pháp vào năm sau.

Bordeaux có hơn 8.000 lâu đài rượu vang nên những nhà sản xuất rượu vang địa phương chưa cảm thấy bị đe dọa bởi làn sóng thâu tóm của giới đầu tư Trung Quốc.

Song những người theo chủ nghĩa truyền thống ở Pháp lo sợ rằng các nhà sản xuất rượu vang người Trung Quốc tại Pháp sẽ làm thay đổi vị rượu vang để thu hút thêm nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đồng thời sử dụng kỹ thuật sản xuất rượu vang của Pháp để gia tăng sản lượng rượu vang ở Trung Quốc.

(Theo AFP, Nikkei Asian Review, Wine Spectator)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới