Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc hối thúc Iran kiềm chế các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hãng tin Reuters hôm 26-1 dẫn các nguồn tin độc quyền cho biết, Trung Quốc đã yêu cầu Iran giúp kiềm chế các cuộc tấn công vào tàu thương mại ở Biển Đỏ của lực lượng Houthi, được Tehran hậu thuẫn, nếu không, sẽ có nguy cơ gây tổn hại quan hệ kinh doanh với Bắc Kinh.

Các tay súng Houthi ở Yemen liên tục phát động tấn công nhằm vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ trong những tháng gần đây sau khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra. Ảnh: The New Arab

Bắc Kinh lo lắng về các cuộc tấn công ở Biển Đỏ

Theo Reuters, các nguồn tin ở Iran xác nhận, trong các cuộc họp gần đây ở Bắc Kinh và Iran, quan chức của hai bên đã thảo luận về các vụ tấn công của lực lượng Houthi và thương mại song phương.

“Về cơ bản, phía Trung Quốc nói: Nếu lợi ích của chúng tôi bị tổn hại theo bất kỳ cách nào, điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi với Tehran. Vì vậy, hãy yêu cầu lực lượng Houthi thể hiện sự kiềm chế”, một quan chức Iran giấu tên nói.

Các cuộc tấn công mà lực lượng Houthi phát động ở Biển Đỏ trong những tháng qua được cho là nhằm bày tỏ sự ủng hộ người Palestine ở Gaza, nơi cuộc xung đột giữa binh sĩ Irasel và tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas đang diễn ra. Các cuộc tấn công này làm gián đoạn tuyến thương mại hàng hải quan trọng giữa châu Á và châu Âu được nhiều tàu hàng từ Trung Quốc sử dụng, dẫn đến chi cước vận chuyển container và phí bảo hiểm tàu hàng tăng vọt.

Tuy nhiên, theo bốn nguồn tin Iran, các quan chức Trung Quốc không đưa ra bất kỳ bình luận hay đe dọa cụ thể nào về việc mối quan hệ thương mại của Bắc Kinh với Iran có thể bị ảnh hưởng như thế nào, nếu các cuộc tấn công của Houthi gây tổn hại lợi ích của nước này.

Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Iran trong thập niên qua, mối quan hệ thương mại hai bên không cân bằng. Ví dụ, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc mua hơn 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran vào năm ngoái, theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu từ Công ty phân tích thương mại Kpler. Điều này là do các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến nhiều khách hàng khác tránh mua dầu của Iran và các công ty Trung Quốc được hưởng lợi nhờ giá dầu rẻ hơn đáng kể của Iran.

Tuy nhiên, dầu của Iran chỉ chiếm 10% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc và Bắc Kinh có một loạt nhà cung cấp từ nơi khác có thể bù đắp sự thiếu hụt nếu dừng mua dầu của Iran.

Theo các nguồn tin Iran, các quan chức Trung Quốc đã nói rõ rằng họ sẽ rất thất vọng với Tehran nếu bất kỳ tàu nào liên quan đến Trung Quốc bị tấn công, hoặc lợi ích của nước này bị ảnh hưởng dưới bất kỳ hình thức nào.

Khi được Reuters đề nghị bình luận về các cuộc gặp với Iran để thảo luận về các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc là người bạn chân thành của các nước Trung Đông và cam kết thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực cũng như tìm kiếm sự phát triển và thịnh vượng chung. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nước Trung Đông trong việc tăng cường độc lập chiến lược cũng như đoàn kết và hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực”.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, Washington đã yêu cầu Trung Quốc sử dụng đòn bẩy với Iran để thuyết phục Tehran kiềm chế lực lượng Houthi.

Không muốn đổ lỗi cho lực lượng Houthi

Hàng loạt vụ không kích của lực lượng Mỹ và Anh vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen trong tháng này đã không thể ngăn chặn lực lượng này tấn công tàu thương mại ở Biển Đỏ. Houthi đang kiểm soát một phần lớn lãnh thổ Yemen, gồm thủ đô Sanaa và phần lớn bờ biển Biển Đỏ tiếp giáp nước này, bên cạnh eo biển Bab al-Mandab.

Houthi, một nhóm vũ trang chống lại ảnh hưởng của nhánh Hồi giáo Sunni của Saudi Arabia ở Yemen, được Iran trang bị vũ khí, tài trợ và huấn luyện và là một phần của “trục kháng chiến” chống phương Tây và Israel, do Iran dẫn đầu.

Victor Gao, giáo sư tại Đại học Soochow của Trung Quốc, cho biết Trung Quốc với tư cách là nước giao dịch thương mại hàng hải lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ. Ông nói, Bắc Kinh xem việc khôi phục sự ổn định ở Biển Đỏ là ưu tiên hàng đầu.

Nhưng Victor Gao, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc và hiện là cố vấn của tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Saudi Arabia, cho rằng Bắc Kinh sẽ coi cách đối xử của Israel với người Palestine là nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ và không muốn công khai đổ lỗi cho lực lượng Houthi.

Hôm 14-1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vào tàu dân sự ở Biển Đỏ để duy trì chuỗi cung ứng cũng như trật tự thương mại quốc tế, nhưng không nêu tên lực lượng Houthi hay đề cập đến Iran.

Các nhà phân tích Gregory Brew của hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group và Ali Vaez của International Crisis Group, nhận định Trung Quốc có đòn bẩy tiềm năng đối với Iran vì hoạt động mua dầu của nước này và vì Iran đang hy vọng thu hút thêm đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, cả hai cho biết Trung Quốc cho đến nay vẫn do dự sử dụng đòn bẩy này vì nhiều lý do.

“Trung Quốc thích hưởng lợi từ nỗ lực của Mỹ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đỏ bằng cách tấn công lực lượng Houthi”, Vaez nói đồng thời lưu ý Bắc Kinh nhận thức được rằng Iran không hoàn toàn kiểm soát phiến quân Houthi.

Hôm 25-1, người phát ngôn của Houthi, Mohammed Abdulsalam, cho hay Iran cho đến nay vẫn chưa truyền tải bất kỳ thông điệp nào từ Trung Quốc về việc giảm quy mô các cuộc tấn công. “Iran sẽ không thông báo cho chúng tôi về yêu cầu như vậy, đặc biệt là khi Iran lên án các cuộc tấn công của Mỹ-Anh vào Yemen”, Abdulsalam nói.

Dù mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Iran, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các quyết định địa chính trị của Tehran không phải là tuyệt đối, một nguồn tin Iran cho biết.

Một quan chức Iran đã đặt câu hỏi về giá trị của mối quan hệ đối tác với Bắc Kinh khi chỉ ra khối lượng đầu tư và thương mại phi dầu mỏ tương đối thấp kể từ khi Trung Quốc và Iran ký thỏa thuận hợp tác 25 năm vào năm 2021. Theo truyền thông nhà nước Iran, các công ty Trung Quốc chỉ đầu tư 185 triệu đô la Mỹ kể từ đó. Xuất khẩu phi dầu mỏ của Iran sang Trung Quốc giảm 68% trong 5 tháng đầu năm 2023. Trái lại, nhập khẩu của Iran từ Trung Quốc tăng 40%. Giữa lúc đó, các công ty Trung Quốc năm ngoái cam kết đầu tư hàng tỉ đô la vào Saudi Arabia hồi năm ngoái sau khi hai nước ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 12-2022.

Hai nguồn tin Iran cho biết, dù xem trọng quan hệ thương mại với Trung Quốc, Tehran có những ưu tiên khác cần xem xét và các quyết định của nước này được hình thành bởi sự tương tác phức tạp của nhiều yếu tố.

“Các liên minh và ưu tiên trong khu vực cũng như những cân nhắc về hệ tư tưởng góp phần đáng kể vào các quyết định của Tehran”, một nguồn tin nói.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới