Trung Quốc khai màn "xuân vận"
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Hàng trăm triệu người dân Trung Quốc bắt đầu cuộc đại di chuyển từ các thành phố bằng tàu lửa, máy bay, xe khách, phà... để về quê ăn Tết Nguyên đán với gia đình.
Chọn phương tiện phù hợp về quê ăn tết
Hành khách xếp hàng để chuẩn bị vào cổng soát vé ở nhà ga Tây Thâm Quyến ở TP. Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 21-1. Ảnh: China Daily |
Gần 3 tỉ chuyến đi trong 40 ngày
Theo tờ South China Morning Post, cuộc đại di chuyển vào mỗi dịp Tết đến hay còn gọi là xuân vận (chunyun) diễn ra trong vòng 40 ngày, bắt đầu từ ngày 21-1 đến ngày 1-3. Ủy ban Cải cách và phát triển Trung Quốc dự báo, trong khoảng thời gian này, người dân Trung Quốc sẽ thực hiện 2,99 tỉ chuyến đi gồm cả chặng về quê và sau đó trở lại thành phố để làm việc. Con số này tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại khổng lồ trong dịp Tết Kỷ Hợi, các dịch vụ vận chuyển ở Trung Quốc đều tăng số chuyến phục vụ. Hệ thống vận chuyển đường sắt Trung Quốc sẽ tăng số chuyến trước và sau Tết lên 9.647 chuyến, tăng hơn 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Cuối năm nay, Trung Quốc đã khai trương 10 tuyến đường sắt mới bao gồm nhiều tuyến đường sắt cao tốc. Dự kiến, hệ thống đường sắt sẽ phục vụ 413 triệu lượt khách trong dịp Tết này.
Tương tự, trong 40 ngày trước và sau Tết, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc đã lên kế hoạch phục vụ 532.000 chuyến bay, tăng 10% so với so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng sẽ có khoảng 73 triệu lượt khách đi máy bay trong thời gian này, tăng 12% so với năm 2018.
Ngoài ra, hãng lữ hành trực tuyến hàng đầu Trung Quốc dự báo khoảng 7 triệu du khách đi du lịch ở hơn 90 nước và vùng lãnh thổ trong kỳ nghỉ Tết. Đây sẽ là năm Tết Nguyên đán đầu tiên kể khi Trung Quốc áp dụng hệ thống tín nhiệm xã hội hồi tháng 5-2018. Theo đó, những hành khách có các hành vi cư xử xấu xí hay phạm pháp chẳng hạn gây rối trên máy bay, hút thuốc trên tàu... sẽ bị đưa vào danh sách bị hạn chế sử dụng dịch vụ, tức cấm đi máy bay hay tàu trong vòng lên đến một năm.
Công nghệ mới giúp đi lại tiện lợi hơn
Hệ thống vận chuyển công cộng của Trung Quốc cũng triển khai nhiều công nghệ mới để giúp hành khách đi lại tiện lợi hơn. Tại tỉnh Quảng Đông, một số nhà ga tàu lửa đã tiên phong áp dụng triển khai “di chuyển không vé”. Bắt đầu từ ngày 21-1, thay vì phải mua vé trực tuyến và đến nhận vé tại các nhà ga, các hành khách chỉ cần sử dụng smartphone quét mã QR (mã phản hồi nhanh) để thanh toán tiền vé rồi lên chuyến tàu cao tốc kết nối TP. Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông với TP. Thâm Quyến.
Huang Xiaozhong, Phó Giám đốc nhà ga Đông Quảng Châu, cho biết hành khách có thể đăng ký ứng dụng thanh toán tiền vé thông qua nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay của Alibaba và sẽ nhận được mã QR có hiệu lực trong vòng 3 tiếng đồng hồ.
Wang Lihui, quản lý phòng vé của nhà ga này, nói: “Thanh toán bằng mã QR chỉ mất vài phút so với thời gian 20-30 phút để mua và nhận vé rồi vào nhà ga theo cách truyền thống”. Ông cho biết phương pháp thanh toán mới giúp giảm lượng hành khách chen lấn đông đúc trước các quầy bán vé.
Trong khi đó tại TP. Thượng Hải cũng như các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và An Huy, 464 máy kiểm soát vé có trang bị công nghệ nhận diện khuôn mặt được lắp đặt ở các ga tàu, bến xe, cho phép đẩy nhanh tiến trình xác minh nhân thân của hành khách. Công nghệ nhận diện khuôn mặt không còn là điều xa lạ với các hệ thống vận chuyển công cộng ở Trung Quốc. Số nhà ga tàu lửa sử dụng công nghệ này tăng từ 133 lên con số 300 trong năm qua.
Tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết các robot ở nhà ga Nam Quảng Châu và nhà ga Bắc Thâm Quyến được nhiều hành khách yêu thích. Chúng có thể giúp họ tiêu khiển, chẳng hạn như hành khách của thể yêu cầu các robot này hát, nhảy trong lúc họ đang đợi tàu. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được sử dụng tại nhà ga Nam Quảng Châu để phát hiện các khu vực bị nghẽn do đông khách, giúp nhanh chóng điều tiết dòng người, ngăn ngừa tai nạn hoặc ẩu đả do chen lấn.