Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc kiềm chế lạm phát

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc kiềm chế lạm phát

Trung Quốc kiềm chế lạm phátNgân hàng nhà nước Trung Quốc vừa quyết định áp dụng đồng loạt nhiều giải pháp tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát hiện đã ở mức cao nhất trong 11 năm qua và hạn chế tình trạng phát triển quá nóng của nền kinh tế. Một trường hợp tham khảo đáng chú ý cho Việt Nam.

Quá nóng

Kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển với tốc độ chóng mặt: tổng sản lượng quý 2 tăng 11,9% sau khi đã tăng 11,5% trong quý 1; dự báo cả năm sẽ không thấp hơn 11,5%. Đây là năm thứ 5 liên tiếp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức hai con số. Đáng chú ý là thặng dư thương mại của Trung Quốc đã lập thêm một kỷ lục mới, đạt 161,8 tỉ đô la Mỹ trong 8 tháng đầu năm. Lượng tiền mặt đổ vào nhiều đẩy mức lạm phát lên 6,5%, hơn 2 lần so với mức kế hoạch 3% mà Ngân hàng nhà nước Trung Quốc (NHNNTQ) đặt ra, làm tăng nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản và cổ phiếu.

Khi lãi suất tiết kiệm chỉ bằng một nửa so với mức lạm phát, người dân đổ xô rút tiền ngân hàng đi mua cổ phiếu và nhà đất. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải CSI 300 đã tăng gấp 4 lần trong 12 tháng qua; giá bất động sản bình quân tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc tăng 8,2%. Ảnh hưởng nặng nề nhất đối với người dân thường là mức tăng giá lương thực-thực phẩm: lương thực tăng 18,5%, giá thịt tăng 49%.

San Feng, kinh tế gia thuộc Trung tâm thông tin nhà nước tại Bắc Kinh, cho biết: “Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của chính phủ Trung Quốc là lạm phát. Lạm phát cao hơn lãi suất tiết kiệm đã thúc đẩy đầu tư, tạo ra bong bóng trên thị trường chứng khoán và nhà đất”.

Giải pháp

Để đối phó với tình hình, NHNNTQ quyết định siết chặt kiểm soát tiền tệ và tín dụng và ổn định giá cả tiêu dùng; trong đó giải pháp hàng đầu là tăng lãi suất để giảm cho vay đầu tư và thu hút tiền mặt vào ngân hàng. Hôm qua, 14-9, NHNNTQ tuyên bố, “tăng lãi suất nhằm củng cố quản lý tín dụng, duy trì mức tăng trưởng đầu tư hợp lý và ổn định các xu thế lạm phát”.

Theo tuyên bố này, bắt đầu từ hôm nay 15-9, lãi suất của Trung Quốc tăng 0,27% so với hôm qua; lãi suất vay thời hạn 1 năm tăng từ 7,02% lên 7,29%; lãi suất tiền gửi 1 năm tăng 3,6% lên 3,87%. Đây là đợt tăng lãi suất thứ năm của Trung Quốc tính từ tháng Ba và là mức lãi suất cao nhất trong 9 năm qua. Dự báo từ nay đến cuối năm Trung Quốc sẽ tăng lãi suất ít nhất một đợt nữa.

Ngoài việc tăng lãi suất, NHNNTQ đòi hỏi các ngân hàng thương mại tăng mức dự trữ bắt buộc; đây là lần tăng thứ bảy trong năm nay song các nhà kinh tế dự báo sẽ còn tăng mức dự trữ ít nhất một lần nữa. Giải pháp thứ ba là phát hành trái phiếu để hút bớt tiền mặt. Tháng trước chính phủ Trung Quốc bán ra lượng trái phiếu trị giá 600 tỉ nhân dân tệ (NDT), tương đương 80 tỉ đô la Mỹ, trong kế hoạch thành lập công ty đầu tư thuộc quỹ dự trữ quốc gia. Giải pháp thứ tư của Trung Quốc là khuyến khích đầu tư ra nước ngoài; cho phép chuyển ngân ra nước ngoài dễ dàng hơn.

Trả giá

Tuy mới bắt đầu thực hiện tổng hợp các giải pháp này có thể đã có tác động nhất định. Mặc dù thặng dư thương mại tháng 8 của Trung Quốc vẫn tăng 33% so với cùng kỳ năm trước song lợi nhuận từ xuất khẩu hàng hóa đã xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua và mức tăng sản lượng cũng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp sau khi nhà nước tăng thuế xuất khẩu.

Thị trường chứng khoán đã có phản ứng tức thì sau tuyên bố của NHNNTQ. Tại Thượng Hải các nhà đầu tư bắt đầu bán cổ phiếu ra nhiều vì e ngại nền kinh tế sẽ chậm lại, lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ suy giảm trong thời gian tới. Chỉ số chứng khoán CSI giảm bình quân 4% mỗi phiên giao dịch song cơ quan quản lý cho rằng đây là sự điều chỉnh hợp lý sau một thời gian dài tăng cụng trần.

Theo giới chuyên gia, một tác động đáng chú ý là khi chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp kiềm chế lạm phát và hạn chế lượng cung tiền ra thị trường, đồng NDT Trung Quốc sẽ tăng giá nhanh hơn. Điều đó làm cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn và giảm bớt lượng tiền mặt đổ vào nước này. Hôm qua, lúc thị trường đóng cửa, một đô la Mỹ ăn 7,516 NDT và có khả năng lên 7,45 NDT vào cuối năm. Nếu hiện tượng này xảy ra, áp lực của Mỹ và EU đòi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá sẽ giảm nhẹ. Từ khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách cố định tỷ giá vào tháng 7-2005 đến nay, giá trị đồng NDT so với đô la Mỹ chỉ tăng 10% – rất thấp vì NHNNTQ vẫn duy trì biên độ tỷ giá hàng ngày rất chặt chẽ.

Thái Bình

(theo Bloomberg, AFP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới