Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc lo ngại làn sóng người thấp nghiệp đổ xô làm tài xế công nghệ

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang gặp khó khăn với tình trạng hàng loạt người thất nghiệp đi đăng ký làm tài xế công nghệ. Tính đến cuối tháng 4-2023, đã có 2,3 triệu giấy phép hành nghề được cấp, tăng hơn 30% so với một năm trước đó.

Làn sóng này đã khỏa lấp bức tranh xám của thị trường lao động của đất nước. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh gay gắt giữa các hãng gọi xe cũng có thể để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Một bãi đậu xe cho thuê dành cho tài xế công nghệ ở Quảng Châu. Số giấy phép lái xe công nghệ ở Trung Quốc tăng 30% trong năm qua. Ảnh: Nikkei Asia

Tranh nhau làm tài xế công nghệ

Trên thực tế, mức độ cạnh tranh của ngành này khá cao. Ví dụ như thành phố Thâm Quyến thường dành ra khoảng 1.000-2.000 suất mỗi tháng để kiểm tra trình độ lái xe taxi hoặc các loại trình độ lái xe khác nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Chẳng hạn như hồi đầu tháng 3, một người đàn ông ở Thâm Quyến muốn trở thành tài xế cho một ứng dụng gọi xe nhưng không thể giành được một suất kiểm tra trình độ trực tuyến. Được biết, tháng 4 và tháng 5 này, mỗi tháng, thành phố sẽ cung cấp khoảng 8.000 suất kiểm tra trình độ lái xe.

Để trở thành tài xế công nghệ, người đăng ký phải có bằng lái xe hợp lệ cũng như giấy phép do chính quyền địa phương cấp. Người lái xe cũng cần có xe (sở hữu hoặc thuê, mượn) và phải đăng ký với một nền tảng gọi xe.

Ngoài ra, về phí thuê xe, tiền cho thuê đã tăng từ cuối năm ngoái khi Trung Quốc từ bỏ chính sách “zero Covid”.  Một hãng cho thuê xe ở Quảng Châu hiện tính 3.500 nhân dân tệ (508 đô la) một tháng, tăng so với 3.300 nhân dân tệ trước Tết Nguyên đán. “Nhu cầu đã phục hồi nhanh chóng. Hiện chúng tôi không có đủ xe cho thuê”, quản lý của hãng cho thuê nói.

Một yếu tố thúc đẩy cơn sốt lái xe công nghệ là nhu cầu dịch vụ gọi xe tăng vọt. Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cho biết số cuốc xe trong tháng 2 vừa rồi đã đạt 652 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ trước đó.

Dịch vụ gọi xe khởi sắc là một dấu hiệu cho thấy mức tiêu dùng đang phục hồi. Tuy nhiên, sẽ còn quá sớm để giải thích dòng lao động đổ vào ngành này là bằng chứng rằng nền kinh tế đang hồi phục.

Trong tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đứng ở mức 5,6%, theo Cục Thống kê Quốc gia, tăng 0,1 điểm so với năm trước. Sản lượng công xưởng đã bị đình trệ, ngành sản xuất không tuyển dụng. Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ ở nhiều nơi vượt quá 20%. Điều này làm cho những người thất nghiệp hay tìm việc chuyển sang làm tài xế công nghệ.

Tại thành phố công nghiệp Đông Quan, một tài xế tên Qin, khoảng 30 tuổi nói rằng, bản thân mới chuyển nghề từ tháng 2. Trong tháng đầu tiên lái xe, Qin kiếm được trên 7.000 nhân dân tệ, khoản thu nhập này nhiều hơn so với mức lương của công việc lúc trước.

“Tôi có thể tự sắp xếp thời gian và làm việc độc lập,” Qin nói. Nhưng Qin cảm nhận được mức độ cạnh tranh khốc liệt của nghề này, bởi anh đã đăng ký với nhiều hãng khác nhau để được tuyển.

Lao động trẻ Trung Quốc trong những năm gần đây ngày càng bị những công việc tự do như lái xe chở khách hay giao nhận đồ ăn thu hút. Tại các thành phố lớn, 40% tài xế sinh vào những năm 1980, trong khi 30% khác sinh vào những năm 1990, theo Hiệp hội Giao thông công cộng đô thị Trung Quốc.

Trong khi đó, các hãng cho thuê xe “ngắm nghía” đến những tài xế trẻ đầy tham vọng này. Năm ngoái, 560.000 giấy chứng nhận mới được cấp cho các chủ xe công nghệ, tương đương với khoảng 10% lượng xe điện mới được bán trong cả năm.

Các công ty cho thuê vay tiền từ các công ty tài chính để đầu tư hàng loạt xe mới, giúp tăng sản lượng bán ra của các hãng xe điện. Sự năng động của ba trụ đỡ gồm hãng gọi xe, hãng cho thuê xe và công ty tài chính đã làm gia tăng lượng tài xế công nghệ và số xe công nghệ.

Nhưng cung đang vượt cầu. Khi tài xế thấy khó kiếm tiền hơn và thu nhập dần teo lại, hiệu ứng domino liền bùng phát: tài xế trả xe, công ty cho thuê sụt giảm doanh số và các công ty tài chính khó thu hồi vốn.

"Công việc này ngốn hết thời gian của tôi", theo lời tài xế họ Xu, 50 tuổi. Ông nói đã lái xe được bốn năm và hiện ông phải cần phải chạy 10 tiếng thay vì tám tiếng mỗi ngày. Xu nói các ứng dụng gọi xe thường xuyên giảm giá cũng như sự cạnh tranh gay gắt để giành được hành khách.

Chính quyền địa phương hành động

Một số chính quyền địa phương đã đề ra những giải pháp mới.

Hôm 16-5, thành phố Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam sâu trong nội địa, đã đình chỉ cấp giấy phép lái xe. Trước đó, hôm 5-5, thành phố Tam Á thuộc tỉnh đảo Hải Nam cũng đã ngừng cấp giấy phép xe và tạm dừng cấp phép cho các hãng gọi xe. Nhà chức trách Tam Á cho rằng năng lực vận chuyển đã trở nên bão hòa.

Các nơi khác cảnh báo người dân cần cân nhắc khi mua, thuê xe làm tài xế công nghệ, dù vậy chính quyền không nói rõ giới hạn số lượng xe đăng ký là bao nhiêu.

Cuối tháng 4, Thâm Quyến đã công bố dữ liệu cho thấy 60% tài xế công nghệ nhận ít hơn 10 cuốc xe mỗi ngày trong quí đầu năm nay. Khoảng 90.000 xe công nghệ đã hoạt động tại thành phố này trong quí 1. Chính quyền Thâm Quyến cũng khuyến cáo làm tài xế công nghệ không dễ kiếm tiền.

Thành phố Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông cảnh báo rằng “tài xế có rất ít khả năng kiếm được thu nhập cao”. Thành phố Tế Nam của Sơn Đông cũng đưa ra khuyến cáo cho thấy nhiều xe công nghệ đang ế khách.

Theo Nikkei Asia và Caixin

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới