(KTSG Online) - Các vụ điều tra đang gây chấn động toàn bộ ngành công nghệ chip của Trung Quốc. Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch Trung Quốc (CICF), quỹ chip lớn nhất do nhà nước hậu thuẫn đang trở thành “điểm nóng của tham nhũng”.
Nguồn vốn bơm từ các ngân hàng quốc doanh và các nguồn khác đều vào CICF, từ đó sẽ tỏa ra các kênh đổ về các hãng chip trong nước. Nguồn vốn huy động khổng lồ nhưng không thực sự hiệu quả và chưa đáp ứng mục tiêu như kế hoạch đề ra từ năm 2015 buộc Trung Quốc một lần nữa hoạch định lại chiến lược ngành này.
- TSMC lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip tỉ đô ở Singpore
- Samsung đầu tư 360 tỉ đô la cho mảng chip và công nghệ dược sinh học
Tập trung điểu tra “Quỹ lớn”
CICF được coi là bệ phóng cho chương trình phát triển công nghiệp của chính phủ trung ương. Nhưng vào cuối tháng 7, nhà chức trách thông báo đang điều tra Ding Wenwu, cựu chủ tịch CICF. Chi tiết cụ thể của cuộc điều tra chưa được tiết lộ nhưng người ta nghi ngờ rằng ông Ding đã chuyển tiền mặt từ quỹ để chi tiêu cá nhân.
Từng đứng đầu bộ phận chính sách bán dẫn của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, Ding được điều động về CICF và được xem là nhân vật nặng ký của ngành công nghiệp chip Trung Quốc.
Trong khi đó, thành lập năm 2014, CICF được gọi là “Quỹ lớn” bởi tầm vóc của chương trình và nguồn vốn khổng lồ rót về. Cho đến nay, CICF đã huy động được 340 tỉ nhân dân tệ (50,3 tỉ đô la Mỹ) nhưng chỉ đầu tư khoảng 2/3 số tiền đó. Các điều tra nhắm vào Dinh đã gây cú sốc lớn trong ngành.
Ding không phải là người duy nhất lọt vào tầm ngắm của các nhà chức trách. Vào giữa tháng 7, Lu Jun, giám đốc một thời của Sino IC Capital, công ty chủ quản của CICF cũng đã bị điều tra. Cả Lu và Ding đều được biết đến là những người tham gia vào quá trình lựa chọn mục tiêu đầu tư. Một giám đốc điều hành tại một quỹ khác có liên kết với CICF đã bị bắt giữ.
Cuộc điều tra mở rộng sang các công ty đã nhận tài trợ của CICF. Cũng trong tháng 7, người đứng đầu tập đoàn sản xuất chip khổng lồ Tsinghua Unigroup của Trung Quốc, Zhao Weiguo bị bắt giữ. Diao Shijing, cựu đồng chủ tịch của tập đoàn, cũng bị bắt giam, theo thông tin từ trang tin tài chính kinh doanh Caixin.
CICF đã rót vốn vào Yangtze Memory Technologies Co. và UNISOC, hai công ty con thuộc tập đoàn Tsinghua Unigroup.
"Các cuộc trấn áp đối với Quỹ lớn và Tsinghua Unigroup có liên quan đến nhau", một nguồn thạo tin nói với Nikkei Asia. Cuộc điều tra sẽ ngày càng mở rộng và sẽ lưới được nhiều cá lớn trong thời gian tới.
Đầu tư khủng nhưng hiệu quả hạn chế
Công nghiệp chip được định vị là ưu tiên hàng đầu trong chương trình Made in China 2025 được công bố vào năm 2015. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu là trong 10 năm, khả năng tự cung tự cấp của ngành sẽ đạt 70% vào năm 2025, tăng từ mức 10% lúc bắt đầu chương trình.
Dòng tiền khổng lồ ào ạt đổ vào công nghiệp chip và được nhà chức trách công nhận là “các khoản đầu tư xứng đáng”. Nguồn vốn đến từ các quỹ do chính phủ kiểm soát như CICF cũng như từ các ngân hàng quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước ngày một dồi dào.
Theo hãng đầu tư chip Winsoul Capital của Trung Quốc, từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2022, ngành công nghiệp bán dẫn đã huy động được khoảng 900 tỉ nhân dân tệ, cỡ hơn 133 tỉ đô la. Riêng năm ngoái, lĩnh vực này đã huy động được hơn 200 tỉ nhân dân tệ, gấp 10 lần số tiền năm 2015. Nếu so sánh với nguồn quỹ 52 tỉ đô la của Đạo luật CHIPS mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua trong tháng trước, số tiền đổ vào ngành chip của Trung Quốc đã cao hơn 2,5 lần.
Doanh số của ngành chip Trung Quốc đạt khoảng 150 tỉ đô la vào năm ngoái, gần gấp ba lần so với năm 2015. Tuy nhiên, khối lượng này không đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa nên Trung Quốc buộc phải nhập khẩu lượng chip trị giá hơn 400 tỉ đô la trong năm ngoái, gần gấp đôi so với năm 2015.
Ngoài ra, ngành công nghiệp chip Trung Quốc luôn là mục tiêu nhắm đến trong các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Washington. Các doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhập khẩu thiết bị sản xuất chip hàng đầu, điều này đang gây trở ngại trong việc phát triển và sản xuất chất bán dẫn.
Cũng trong tháng 7 rồi, Mỹ cũng thông qua Đạo luật CHIPS, cấm các công ty Mỹ hay nước ngoài đầu tư và mở rộng các cơ sở sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc trong 10 năm tới nếu những doanh nghiệp này nhận được trợ cấp từ Mỹ.
Trung Quốc hiện vẫn còn tụt hậu so với ngành công nghiệp chip thế giới. Chính phủ Trung Quốc nói rằng tỷ lệ tự cung cấp của ngành ở mức 20 – 30%. Tuy nhiên, theo hãng nghiên cứu IC Insights của Mỹ, tỷ lệ tự cung cấp chất bán dẫn của Trung Quốc vào năm 2020 giảm còn 16%.
"Để cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc phải sử dụng các nguồn vốn trong nước một cách hiệu quả và nâng cao tính cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn", giám đốc điều hành của một hãng chip nước ngoài nói với Nikkei Asia.
Khoảng cách công nghệ ngày càng lớn
Loại chip có công nghệ cao nhất hiện giờ là loại 5nm được sử dụng trong các bộ xử lý của iPhone và CPU của Macbook. Hiện TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc đang thống lĩnh thị trường chip 5nm.
Cuối tháng 6-2022, Samsung tuyên bố đã bắt đầu sản xuất hàng loạt loại chip 3nm tại nhà máy ở Hwaseong ở phía nam Seoul. Đây là nhà máy đầu tiên trên thế giới đạt được cột mốc công nghệ này bởi chế tạo các con chip càng nhỏ, công nghệ càng phải tiên tiến vì phải ép các bóng bán dẫn nhỏ hơn trên cùng một bảng mạnh. Khả năng sản xuất hàng loạt các loại siêu chip thể hiện năng lực công nghệ của nhà sản xuất.
Samsung cho biết, loại chip tiên tiến mới cho phép giảm 16% diện tích bề mặt, hiệu suất cao hơn 23% và tiêu thụ điện năng thấp hơn 45% so với chip 5nm hiện tại. Samsung đã cạnh tranh với TSMC để phát triển các chip tiên tiến.
Trước các động thái “khiêu khích” của Samsung, TSMC cũng tuyên bố sẽ phát triển loại chip tiên tiến hơn với kích thước 2nm vào năm 2025.
Không chỉ ở phân khúc công nghệ cao, hai gã khổng lồ của Đài Loan và Hàn Quốc cũng “vét” luôn phân khúc thấp. Chẳng hạn TSMC công bố sẽ đầu tư 2,8 tỉ đô la cho nhà máy chip 28nm ở Nam Kinh, Trung Quốc.
Trung Quốc đang mơ những con chip điều khiển xe tự lái, hay nền kinh tế công nghệ số dựa trên Internet vạn vật (IoT). Việc tạo ra những con chip công nghệ cao với giá trị vài trăm đến vài ngàn đô la đang là thách thức lớn của Trung Quốc. Như hãng xe điện Xpeng của Trung Quốc vẫn nhập chip AI từ hãng công nghệ Nvidia của Mỹ có giá 999 đô la/chip. Trong khi đó, loại chip trong bộ phận điều hình màn hình xe hơi, tủ lạnh, nồi cơm điện mà các hãng Trung Quốc sản xuất hàng loạt chỉ có giá từ 1 đô hoặc rẻ hơn.
Dường như đó là bước đi an toàn của các tập đoàn Trung Quốc vốn quen với vai trò “đại công xưởng của thế giới”, kiếm tiền nhanh với những món thượng vàng hạ cám. SMIC và hãng đồng hương như Hua Hong Semiconductor vẫn sống khỏe. Người tiêu dùng thế giới vẫn đang cần đồ điện tử giá rẻ và các hãng Trung Quốc cố lấp đầy bằng những sản phẩm cấp thấp.
“Tiền không phải là thứ duy nhất lãng phí, tài năng bị lãng phí mới là điều quan trọng. Các hãng chip đại lục có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao nhất trong ngành công nghiệp này. Chất xám không được tận dụng để giải quyết những thách thức công nghệ mới”, một chuyên gia về công nghệ Trung Quốc bình luận.
Thua kém trong công nghệ, các hãng chip Trung Quốc đã thực hiện các chiêu thức chiêu mộ nhân tài từ các hãng đối thủ Đài Loan và Hàn Quốc. Hồi tháng 2, chính quyền Đài Loan đã đưa ra đạo luật chống gián điệp công nghệ, với án tù 10-12 năm cho tội ăn cắp công nghệ chip.
Trong nhiều tháng sau đó, chính quyền thực hiện nhiều đợt bố ráp các văn phòng các doanh nghiệp Trung Quốc đóng ở Đài Loan đang âm thầm thu thập các công nghệ chip và “đánh cắp nhân tài”. Là trái tim ngành công nghệ chip Hàn Quốc, Samsung đã đặt ra quy định buộc nhân viên kỹ thuật phải xin phép và báo cáo trước về các chuyến đi nước ngoài dù là mang mục đích riêng tư.