Thứ ba, 3/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc nỗ lực giải quyết vấn đề việc làm cho giới trẻ

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Giới chức Trung Quốc đang đẩy mạnh các nỗ lực tạo việc làm, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tại thành thị vẫn đang ở mức cao.

Cuộc cạnh tranh quyết liệt giành “bát cơm sắt”

Theo số liệu từ Cục Quản lý Công chức Quốc gia Trung Quốc, kỳ thi tuyển công chức quốc gia năm 2025 của nước này sẽ thu hút hơn 3,41 triệu thí sinh tham gia cạnh tranh cho 39.700 vị trí.

Đây là tỷ lệ chọi cao kỷ lục trong những kỳ thi guokao (quốc khảo) gần đây khi thị trường việc làm tại Trung Quốc đang khá ảm đạm. Trong kỳ thi gần đây nhất, tức kỳ thi công chức năm 2024, đã có 3,03 triệu ứng viên vượt qua vòng đánh giá ban đầu để tham gia kỳ thi, tức là có trung bình 77 ứng viên cạnh tranh cho mỗi vị trí.

Xét trong phạm vi rộng hơn, trong suốt một thập kỷ qua, có thể thấy, sự quan tâm của người dân Trung Quốc đến kỳ thi quốc khảo đã tăng vọt, với số lượng ứng viên tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2014. Khi đó, có tổng cộng 1,4 triệu ứng viên cạnh tranh cho 22.000 vị trí, tức là có trung bình 64 ứng viên cạnh tranh cho mỗi vị trí.

Mặc dù có mức thu nhập không cao so với khu vực tư nhân, những “bát cơm sắt” - thuật ngữ chỉ các vị trí công chức, lại là sự đảm bảo cho sự ổn định, đi kèm nhiều chế độ phúc lợi khác, như bảo hiểm y tế tốt hơn, lương hưu ưu đãi…

Năm nay, có tới 11,8 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học đã gia nhập thị trường việc làm tại Trung Quốc, khiến áp lực việc làm ngày càng lớn hơn.

Các số liệu thống kê mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hồi tuần trước cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động thành thị trong độ tuổi từ 16-24 (không tính sinh viên) đã giảm từ mức 18,8% trong tháng 8 xuống còn 17,6% trong tháng 9, nhưng vẫn ở trên ngưỡng 17% trong tháng thứ ba liên tiếp.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp duy trì ở mức cao trong thời gian dài đã khiến nhiều người trẻ Trung Quốc loay hoay tìm lối thoát.

Để cải thiện tình hình, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực tăng số chỉ tiêu vị trí chỉ dành cho sinh viên mới tốt nghiệp từ dưới 50% trước năm 2023 lên khoảng 70% trong kế hoạch tuyển dụng năm 2024-2025. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp cơ bản cho vấn đề. Chìa khóa để tạo việc làm nằm ở việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa xã hội và cải thiện sức sống của thị trường.

Bắc Kinh cam kết tăng cường hỗ trợ thị trường việc làm

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu tuần trước, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cho biết nước này sẽ tiếp tục cải thiện chính sách, giúp các nhóm dân số chủ chốt đảm bảo việc làm, từ đó nỗ lực đạt được mục tiêu tạo việc làm hàng năm.

Ông Chen Yongjia, đại diện của bộ, cho biết trong chín tháng đầu năm Trung Quốc đã tạo ra tổng cộng 10,49 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị. Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu tạo ra hơn 12 triệu việc làm ở khu vực thành thị trong cả năm nay.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội sẽ triển khai các chiến dịch tạo việc làm trong các lĩnh vực chủ chốt như sản xuất tiên tiến và nền kinh tế tóc bạc, đồng thời tối đa hóa việc sử dụng các khoản cắt giảm thuế và phí, trợ cấp và hoàn thuế để giúp các doanh nghiệp duy trì việc làm ổn định.

Dữ liệu từ bộ cũng cho thấy, trong chín tháng đầu năm, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp hơn 150 tỉ nhân dân tệ (khoảng 21,1 tỉ đô la Mỹ) để hỗ trợ việc làm cho các doanh nghiệp và người lao động. Khoản hỗ trợ này bao gồm chi phí bảo hiểm thất nghiệp, hoàn tiền bảo hiểm và trợ cấp đào tạo kỹ năng nghề.

Đối với vấn đề thất nghiệp trong giới trẻ, các quan chức cho biết sẽ cung cấp sự hỗ trợ đặc biệt cho những sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm và khuyến khích các nhà tuyển dụng cung cấp cho họ thêm nhiều cơ hội thực tập.

Các dịch vụ cho người tìm việc cũng sẽ được cải thiện thông qua việc tổ chức các hội chợ việc làm, kết nối cung với cầu tốt hơn. Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ, đáng chú ý là dịch vụ công “1131”.

Sau khi đăng ký chương trình “1131”, sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm sẽ được hưởng ít nhất một buổi cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ việc làm; một buổi tư vấn hướng nghiệp; được giới thiệu ba việc làm; một buổi giới thiệu về đào tạo kỹ năng và hỗ trợ tìm kiếm cơ hội làm thực tập sinh.

“Chúng tôi sẽ tập trung tăng cường chính sách hỗ trợ và vấn đề việc làm cho thanh niên luôn là ưu tiên hàng đầu”, Thứ trưởng Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc Li Zhong phát biểu tại một buổi họp báo vào cuối tháng 9.

Trung Quốc khuyến khích người trẻ tìm việc làm tại quê nhà

Một hướng đi đáng chú ý khác của người trẻ Trung Quốc là “bỏ phố về quê”. Báo cáo do Công ty tư vấn giáo dục MyCOS công bố cho thấy, ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc lựa chọn trở về quê hương để làm việc do các chính sách của chính phủ và sự thay đổi trong quan điểm đối với các cơ hội việc làm ở các vùng nông thôn và thành thị cấp thấp hơn.

Cụ thể, trong năm ngoái 87% sinh viên tốt nghiệp đại học ở miền Trung Trung Quốc và 80% sinh viên tốt nghiệp đại học ở các tỉnh miền Tây đã được tuyển dụng tại địa phương. Xu hướng này đang dần gia tăng khi các sáng kiến ​​phát triển khu vực và sở thích việc làm dần thay đổi, có ảnh hưởng lớn đến các quyết định tuyển dụng.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách khuyến khích sinh viên tốt nghiệp đại học tìm kiếm việc làm tại các vùng miền Trung và miền Tây Trung Quốc, cũng như các vùng xa xôi khác, cung cấp các ưu đãi như hoàn trả học phí hoặc trả nợ vay sinh viên cho sinh viên đại học và sinh viên trường nghề, với số tiền tối đa là 12.000 nhân dân tệ (1.689 đô la) cho một người mỗi năm.

Các chính quyền địa phương cũng đang tăng cường các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy xu hướng này. Ví dụ như chính quyền thành phố Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam đã tổ chức các sự kiện tuyển dụng trong sáu năm liên tiếp, thu hút hơn 1.100 sinh viên tham gia. Hơn 60% trong số họ đã chọn quay trở lại Lưu Dương để phát triển sự nghiệp. Trong số này, 59% đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp và tổ chức công, 35% làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân và 6% khởi nghiệp kinh doanh riêng.

Báo cáo của MyCOS cũng cho biết, trong bối cảnh số lượng sinh viên tốt nghiệp liên tục gia tăng, và cuộc cạnh tranh cho các vị trí việc làm tại các thành phố lớn ngày càng gay gắt, nhiều người trẻ đang chuyển hướng sang các thành phố cấp huyện và vùng nông thôn, nơi cơ hội tìm kiếm việc làm cao hơn đáng kể.

Theo MyCOS, trong năm 2023, 27% số người có bằng cử nhân và 29% sinh viên tốt nghiệp trường cao đẳng nghề đã tìm được việc làm ở các thành phố cấp huyện, tăng lần lượt 6 và 7 điểm % so với năm 2019. Chi phí sinh hoạt thấp hơn và áp lực tài chính nhẹ nhàng hơn ở những khu vực này đang thu hút nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, đặc biệt là những người coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như muốn gần gũi với gia đình.

Ngoài ra, sự phát triển kinh tế của các địa phương cũng góp phần vào xu hướng này, vì nhiều người lao động trẻ tuổi đang nhìn thấy các cơ hội tiềm năng ở ngay tại quê nhà. Giáo sư Hu Dawu tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Tây Nam, cho biết kế hoạch tìm việc làm ở các thành phố cấp hai và cấp ba của người lao động trẻ đã trở nên khả thi hơn khi nền kinh tế của các địa phương này dần hội nhập với các khu vực đô thị xung quanh. “Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho những người lao động có bằng liên kết, cử nhân và thậm chí là một số nghiên cứu sinh có trình độ cao”.

Nguồn: SCMP, Reuters, China Daily, Global Times, China People’s Daily

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới