(KTSG Online) – Nền kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lần đầu tiên tăng trưởng âm trong hơn hai năm. Đó là một trong những thách thức rõ ràng nhất mà các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang đối mặt khi họ chật vật vực dậy tiêu dùng trong nước.
- Doanh nghiệp Trung Quốc giảm giá bán hàng để tồn tại
- Ấn Độ có thể lấp khoảng trống nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc
Hôm 9-8, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy, CPI trong tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng 0,2% so với tháng trước. Mức giảm CPI hàng năm của Trung Quốc thấp hơn so với mức dự báo suy giảm 0,4% của các nhà kinh tế. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI), thước đo giá cả khi hàng hóa bán từ cổng nhà máy, cũng giảm 4,4% trong tháng 7, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Đây cũng là tháng đầu tiên CPI và PPI của Trung Quốc cùng suy giảm.
Lần gần đây nhất CPI của Trung Quốc rơi vào vùng âm là vào tháng 2-2021. Lạm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu trong nhiều tháng do xung lực phục hồi không thể mạnh mẽ như mong đợi sau khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách “zero Covid” vào hồi đầu năm.
Dữ liệu được công bố hôm 8-8 cho thấy xuất khẩu tháng 7 giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.
“Nền kinh tế Trung Quốc đang có nguy cơ nghiêm trọng trượt vào một giai đoạn giảm phát có thể châm ngòi cho vòng xoáy đi xuống về tăng trưởng và niềm tin của khu vực tư nhân”, Eswar Prasad, chuyên gia tài chính Trung Quốc tại Đại học Cornell (Mỹ), cảnh báo.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tốc độ lạm phát tăng trung bình 3% trong năm 2023, cho thấy sự khác biệt ngày càng tăng giữa kỳ vọng chính thức và thực tế.
Trung Quốc đang trải qua một giai đoạn giá cả tiêu dùng giảm hiếm hoi do nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp suy yếu sau đợt bùng nổ ban đầu trong quí đầu tiên. Thị trường bất động sản suy thoái kéo dài, nhu cầu xuất khẩu sụt giảm và chi tiêu của người tiêu dùng yếu ớt đang đè nặng triển vọng phục hồi nền kinh tế.
Không giống như đợt giảm giá tiêu dùng ngắn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 do giá thịt heo giảm, đợt giảm phát lần này là do các yếu tố dài hạn hơn như nhu cầu bên ngoài giảm và suy thoái bất động sản. Với giá cả hàng hóa xuất khẩu giảm, Trung Quốc sẽ chuyển áp lực giảm phát sang các nước khác thông qua thương mại hàng hóa.
Các dữ liệu kinh tế ảm đạm trong quí 2 khiến các nhà kinh tế cảnh báo Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ giảm phát kéo dài.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ thấp mối lo ngại này. PBoC dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại sau khi suy giảm trong tháng 7.
Công ty tư vấn Oxford Economics dự đoán CPI của Trung Quốc sẽ tăng 0,5% trong năm nay và chỉ số PPI sẽ giảm 3,5%.
“Nhu cầu yếu trong quí 2 của Trung Quốc có thể là do các biện pháp kích cầu tương đối hạn chế trong thời kỳ Covid-19, nhiều năm thắt chặt quy định quản lý và cơn suy thoái tiếp diễn của thị trường nhà ở”, Louise Loo, nhà kinh tế hàng đầu của Oxford Economics, nhận định.
Giảm phát sẽ thúc đẩy những lời kêu gọi chính phủ kích thích nhiều hơn vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách cũng đang đau đầu tìm phương kế vực dậy lĩnh vực bất động sản và hoạt động xuất khẩu đang trì trệ.
“Điểm sáng duy nhất là chỉ số CPI cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) của Trung Quốc tăng trở lại 0,8% nhờ du lịch mùa hè. Nhưng tôi e rằng chỉ số này tăng không bền vững. CPI của Trung Quốc khó phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm, và dự kiến dao động quanh mức 0. Điều này sẽ cản trở các động lực nới lỏng tiền tệ”, Xing ZhaoPeng, nhà chiến lược cao cấp của Ngân hàng ANZ, nói.
Tao Chao, trưởng phòng phân tích vĩ mô tại Công ty chứng khoán Soochow ở Bắc Kinh, cho rằng các biện pháp kích thích mạnh mẽ sau cuộc họp của Bộ Chính trị hồi tháng 7 sẽ cần thời gian để tạo ra tác động. Ông dự báo PBoC có thể cắt giảm lãi suất thêm 10 điểm cơ bản trong phần còn lại của năm.
“Hiện tại, nền kinh tế đang phục hồi từ đáy và tôi tin rằng sẽ không mất quá nhiều thời gian để dữ liệu chạm đáy”, ông nói.
Tuy nhiên, Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, tỏ ra thận trọng hơn.
Ông nói: “Ở giai giai đoạn này, không rõ liệu các chính sách được công bố gần đây có thể sớm xoay chuyển đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc hay không. Giảm phát có thể thúc đẩy chính phủ Trung Quốc xem xét kích thích tài chính bổ sung để giảm thiểu thách thức”.
Theo Bloomberg, Reuters, CNBC