Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc sáp nhập hàng trăm ngân hàng nông thôn khi rủi ro tài chính tăng cao

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trung Quốc đang bắt tay triển khai chiến dịch hợp nhất lớn nhất trong ngành ngân hàng bằng cách sáp nhập hàng trăm ngân hàng nông thôn để tạo ra các ngân hàng quy mô cấp vùng. Động thái này diễn ra giữa lúc có những dấu hiệu ngày càng gia tăng về căng thẳng tài chính trong hệ thống tín dụng nông thôn, nơi nhiều tổ chức cho vay thiếu sự giám sát và có quản trị yếu kém.

Một hợp tác xã tín dụng nông thôn ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Rủi ro tập trung nhiều nhất ở các ngân hàng nhỏ

Sau khi thiết kế các vụ sáp nhập các ngân hàng thương mại và hợp tác xã tín dụng ở vùng nông thôn ở ít nhất bảy tỉnh kể từ năm 2022, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc xác định việc giải quyết rủi ro khu vực ngân hàng nông thôn trị giá 6,7 nghìn tỉ đô la Mỹ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Điều đó có nghĩa là giới chức trách đang triển khai một làn sóng hợp nhất khác đối với các ngân hàng nhỏ trên toàn quốc.

Ngành ngân hàng Trung Quốc chịu áp lực từ hàng loạt khó khăn trong những năm qua, bao gồm cơn suy thoái ngày càng nghiêm trọng của thị trường bất động sản và nền kinh tế nhìn chung yếu ớt. 2.100 ngân hàng trong hệ thống tín dụng hợp tác xã nông thôn có tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,48% vào cuối năm 2022, cao hơn gấp đôi so với toàn ngành.

“Các tổ chức tài chính nhỏ là nơi rủi ro tập trung nhiều nhất, vì vậy Trung Quốc đang đẩy mạnh cải cách với tốc độ nhanh hơn. Và một giải pháp quan trọng để giải quyết rủi ro là thông qua hoạt động sáp nhập và tổ chức lại”, Liu Xiaochun, Phó Giám đốc Viện Tài chính Thượng Hải, bình luận.

Bên cạnh đó, tình trạng yếu kém cũng các ngân hàng nông thôn cũng tiềm ẩn rủi ro rất cao về mặt chính trị. Hàng trăm người đã biểu tình đòi lại tiền tiết kiệm ở tỉnh miền trung Hà Nam vào năm 2022 sau vụ bê  bối thất thoát tiền gửi trị giá hàng tỉ đô la liên quan đến bốn ngân hàng nông thôn phương.

Jason Bedford, cựu nhà phân tích của Công ty quản lý tài sản Bridgewater Associates và ngân hàng UBS, nhận xét, các tổ chức tín dụng hợp tác xã nông thôn ở Trung Quốc “có lẽ là bộ phận kém minh bạch nhất trong hệ thống ngân hàng”.

Ông cho biết, Trung Quốc đã xử lý được khoản nợ xấu tương đương khoảng 13% GDP trong những đợt dọn dẹp lớn gần đây nhất ở hệ thống ngân hàng vào năm 2016 và 2022. Bedford là người dự đoán chính xác rắc rối trước đó tại các ngân hàng cấp vùng của Trung Quốc, vốn làm rung chuyển thị trường vào năm 2019.

“Hệ thống ngân hàng Trung Quốc chỉ còn lại một phần đuôi độc hại là các tổ chức tín dụng nhỏ. Dù rủi ro lây lan trên toàn hệ thống tài chính có thể hạn chế, nhưng những ngân hàng nông thôn này có thể gây rối loạn nghiêm trọng trong khu vực của họ nếu sụp đổ”, Bedford nhận định.

Theo Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC), các chiến dịch dọn dẹp bất ổn ở ngành ngân hàng kéo dài nhiều năm đã giúp giảm một nửa tổng số ngân hàng có rủi ro cao, xuống còn 337 vào tháng 6-2023. Tuy nhiên, có đến 96% trong số đó là các ngân hàng thương mại nhỏ ở nông thôn và hợp tác xã tín dụng cũng như các ngân hàng cấp làng và huyện.

Thiếu giám sát và quản trị phù hợp

Ra đời vào đầu thập niên 1950, các hợp tác xã tín dụng trong những ngày đầu là các tổ chức do nông dân cùng góp vốn và sở hữu tập thể ở các xã. Phần lớn trong số các hợp tác xã tín dụng này đã được chuyển đổi thành ngân hàng thương mại nông thôn trong những năm qua. Hệ thống tín dụng này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cho vay đối với các khu vực kém phát triển. Tuy nhiên, từ lâu, nhiều ngân hàng thương mại và hợp tác xã tín dụng ở vùng nông thôn phải vật lộn với lợi nhuận yếu, tài sản sụt giảm và quản lý lỏng lẻo. Khu vực tín dụng này hoạt động trong môi trường khó khăn hơn kể từ năm 2019, khi giới chức trách yêu cầu triển khai nhiều khoản vay hơn cho với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, châm ngòi một chiến giảm lãi suất với các ngân hàng lớn hơn.

Vấn đề dai dẳng ở những ngân hàng nhỏ là thiếu sự giám sát và quản trị phù hợp. Trong một báo cáo hồi năm ngoái, PBoC cho biết rằng một số hợp tác xã tín dụng nông thôn về cơ bản được vận hành như một “máy rút tiền” cho các cổ đông lớn. Một số hợp tác xã tín dụng nông thôn đi chệch khỏi vai trò chính sách phục vụ khu vực nông thôn và hoạt động nông nghiệp bằng cách mở rộng các khoản vay lớn sang các khu vực khác để thúc đẩy tăng trưởng.

Nỗ lực mới nhất của giới chức trách nhằm sáp nhập các hợp tác xã tín dụng được tiến hành vào năm 2022, khi các cơ quan quản lý kêu gọi chuyển đổi 25 hợp tác xã tín dụng cấp tỉnh, được thành lập vào đầu thập niên 2000, thành các tổ chức tài chính hiện đại để giảm thiểu rủi ro hơn nữa.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, chính phủ Trung Quốc ủy quyền cho chính quyền của bảy tỉnh hợp nhất hơn 500 tổ chức cho vay nhỏ thông qua sáp nhập hoặc tái cơ cấu cổ đông. Việc sáp nhập tạo ra các tổ chức tài chính lớn hơn nhưng không nhất thiết mạnh hơn vì các giao dịch sáp nhập không phải lúc nào cũng được thực hiện theo cách tiếp cận định hướng thị trường.

Một trong những trường hợp đó là ngân hàng Liaoshen Bank Co., được Trung Quốc thành lập vào năm 2021 để “gom” hàng chục tổ chức cho vay có bảng cân đối kế toán xấu. Dữ liệu cho thấy, ngân hàng Liaoshen Bank vẫn có tỷ lệ nợ xấu là 4,67% tính đến cuối năm 2022, so với mức 1,85% của các ngân hàng thương mại thành phố nói chung.

Trong những năm đầu khởi nghiệp, Liu Xiaochun, Phó Giám đốc Viện Tài chính Thượng Hải, phụ trách giám sát một số hợp tác xã tín dụng nông thôn ở tỉnh Chiết Giang cho Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc

“Cuộc cải cách cần phải thực sự giải quyết  thay vì chỉ che đậy vấn đề. Các vấn đề mang tính di sản, nếu chỉ bị che đậy, có thể làm tê liệt hoạt động của các tổ chức tín dụng mới thành lập. Trong trường hợp xấu, điều này gây ra nhiều vấn đề và mối nguy hiểm lớn hơn”, ông cảnh báo.

.Theo Shen Meng, lãnh đạo của ngân hàng đầu tư Chanson & Co có trụ sở tại Bắc Kinh, xung đột cũng có thể nảy sinh ở cấp độ quản lý nội bộ, vì khi tất cả các bên sáp nhập, dù mạnh hay yếu, họ sẽ phải cùng chia một chiếc bánh lớn.

“Bạn không thực sự tạo ra được một con tàu lớn chỉ bằng cách đóng gói mười chiếc xuồng ba lá lại với nhau, vì các vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết”, Shen Meng bình luận.

Theo Bloomberg

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Một sự nhầm lẫn, không rõ vô tình hay hữu ý, nhưng thật vô cùng đáng tiếc. Khi hàng loạt ngân hàng ra đời thì thiên hạ ra sức cổ súy cho xu thế cạnh tranh nhằm thúc đẩy sự phát triển. Nhưng khi một loạt ngân hàng bể bạc thì lại đổ lỗi cho quản trị yếu kém, rủi ro cao, phá sản dây chuyền. Thực ra, tiền tệ luôn là hàng hóa đặc biệt, chứ không phải bình thường. Đối với tiền tệ, không những cần biết cách quản lý, sử dụng và kiểm soát một cách chuyên nghiệp, mà còn phải biết cách chung sống với nó một cách thông thái. Hay nói cách khác, phải biết chấp nhận và từ bỏ nó đúng nơi, đúng lúc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới