Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc: thách thức từ núi nợ của các địa phương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc: thách thức từ núi nợ của các địa phương

Lạc Diệp

(KTSG) – Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần ổn định trở lại, núi nợ của chính quyền các địa phương đang trở thành rủi ro tài chính hàng đầu mà Chính phủ Trung Quốc cần giải quyết. Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cân bằng giữa giảm nợ và đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc: thách thức từ núi nợ của các địa phương
Trung Quốc chủ yếu dựa vào việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Sau phục hồi kinh tế là ưu tiên giảm nợ

Kinh tế Trung Quốc đang ghi nhận những sự phục hồi mạnh mẽ sau quãng thời gian chịu thiệt hại vì đại dịch Covid-19. Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 18,3% trong quí 1, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong tháng 4. Theo Bloomberg, xuất khẩu bùng nổ và niềm tin doanh nghiệp tiếp tục tăng sẽ là những động lực chính cho nền kinh tế Trung Quốc.

Tình hình này cho phép giới chức Bắc Kinh có thể bắt đầu hướng tới việc giải quyết các lỗ hổng tài chính, trong đó bao gồm thắt chặt các quy định cho vay tại các tỉnh có tỷ lệ nợ cao, đồng thời hạn chế nguồn tín dụng ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản vốn đang phát triển quá nóng.

Trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế đang dần ổn định trở lại, các nhà chức trách Trung Quốc đang cảnh giác cao độ đối với các vấn đề tài chính, đặc biệt là ở một số khu vực phía Tây và phía Bắc, nơi áp lực thanh toán các khoản nợ đang gia tăng do các biện pháp kích thích bị thu hẹp, nguồn thu bị giảm do đại dịch và các biện pháp cắt giảm thuế của chính phủ.

Tại một hội nghị kinh tế diễn ra mới đây ở Bắc Kinh, các chuyên gia phân tích nhận định, việc giảm nợ giúp các doanh nghiệp phục hồi và chuẩn bị ứng phó với những bất ổn của thế giới sẽ là những trọng tâm trong chương trình nghị sự khi Bộ Chính trị Trung Quốc nhóm họp sắp tới.

Sự điều chỉnh chính sách này hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thu hẹp quy mô chương trình kích thích kinh tế trị giá hàng ngàn tỉ nhân dân tệ được triển khai hồi năm ngoái, để chống lại những tác động tiêu cực từ đại dịch.

Phát biểu tại hội thảo do China Chengxin International tổ chức hôm thứ Tư tuần trước, ông Wu Xiaoqiu, giáo sư chuyên ngành tài chính tại Đại học Nhân dân, cảnh báo nợ công của chính quyền các địa phương và vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đang là những rủi ro tài chính hàng đầu mà Trung Quốc phải đối mặt. “Các vấn đề nợ địa phương cho thấy, mô hình tăng trưởng dựa trên các nguồn vốn tài trợ là một vấn đề nan giải”, ông Wu nhận xét.

Quốc vụ viện Trung Quốc hồi tháng 3 đã tuyên bố sẽ giữ tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô của quốc gia – thường được đo lường bằng tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ở mức ổn định. Giới chức Trung Quốc cũng cho biết, giảm nợ chính phủ sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm nay.

Hồi đầu tháng này, chính quyền tỉnh Thiểm Tây ở miền Tây Trung Quốc cho biết đã phải đình chỉ dự án xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc liên tỉnh, ước tính trị giá 50 tỉ nhân dân tệ.

Bong bóng nợ phình to tại các địa phương

Theo thống kê chính thức, nợ công của Trung Quốc đã tăng 7,3% lên 45,6% GDP trong năm ngoái. Tỷ lệ nợ của chính phủ trung ương và chính quyền địa phương lần lượt là 20% GDP và 25,6% GDP. Trong đó, Thanh Hải và Quý Châu là hai tỉnh có tỷ lệ nợ vượt qua mức cảnh báo quốc tế 60%, lần lượt là 81,7% và 61,6%.

Tỷ lệ nợ của các chính quyền địa phương được xem là một chỉ số rất quan trọng. Nhiều khoản nợ khổng lồ nằm tại những doanh nghiệp Nhà Nước, công ty tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) và các dự án hợp tác công tư.

Trên thực tế, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến ​​tình trạng nợ công tăng vọt sau đại dịch. Mỹ và các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự sau khi thực hiện các chính sách nới lỏng tài chính ở quy mô chưa từng có để chống lại các tác động kinh tế của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế và cố vấn chính sách đã cảnh báo việc gia tăng nợ ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của một số khu vực dễ bị tổn thương về tài chính. Các số liệu thống kê cho thấy, tiền trả lãi trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành đã tăng 21,3% lên 796,3 tỉ nhân dân tệ trong năm 2020 và tăng 27,4% lên 169 tỉ nhân dân tệ chỉ riêng trong quí đầu tiên của năm nay.

Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, số vốn huy động được từ trái phiếu mới đang được sử dụng chỉ để trả các khoản nợ cũ. Trong số 477,1 tỉ nhân dân tệ trái phiếu được các chính quyền địa phương phát hành trong tháng 3, có tới 440,7 tỉ nhân dân tệ được sử dụng để trả các khoản vay cũ.

Những lo ngại về bong bóng nợ đã kìm hãm đà phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là tại những địa phương có tỷ lệ nợ cao. Các số liệu thống kê cho thấy, tổng giá trị trái phiếu được phát hành bởi các chính quyền địa phương trong năm 2020 đã tăng 47,7% lên 6.440 tỉ nhân dân tệ (tương đương 993 tỉ đô la Mỹ). Phần lớn số vốn này được sử dụng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Hồi đầu tháng này, chính quyền tỉnh Thiểm Tây ở miền Tây Trung Quốc cho biết đã phải đình chỉ dự án xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc liên tỉnh, ước tính trị giá 50 tỉ nhân dân tệ, sau khi “cân nhắc kỹ về việc đảm bảo nguồn vốn và phòng ngừa rủi ro”.

Theo trang mạng Tiếp cận thị trường trái phiếu của chính quyền địa phương, mới được Chính phủ Trung Quốc triển khai để theo dõi tình hình nợ công, Thiểm Tây đã ghi nhận khoản nợ chưa thanh toán lên tới 743,3 tỉ nhân dân tệ vào cuối năm 2020, xếp thứ 15 trên tổng số 31 tỉnh về nợ.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng tính toán, con số này tương đương với khoảng 28,4% GDP của toàn tỉnh trong năm ngoái, và lớn hơn đôi chút so với tổng thu nhập từ thuế địa phương, ngân sách do chính quyền trung ương cấp và tiền bán đất.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại tỉnh Sơn Đông, nơi dự án đường sắt dài 270 ki lô mét nối liền thủ phủ Tế Nam với thành phố Tảo Trang đã bị đình chỉ hồi tháng trước. Tuyến đường sắt này hiện đang được tài trợ bởi nguồn vốn từ chính quyền tỉnh Sơn Đông với tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 58,5 tỉ nhân dân tệ.

Theo trang mạng Caixin Global, trong nhiều năm qua, Trung Quốc chủ yếu dựa vào việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Hoạt động xây dựng như vậy đã trở thành một công cụ chính sách để kích thích nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng việc lạm dụng chính sách như vậy có thể dẫn đến mức nợ cao một cách nguy hiểm. Cùng với đó là nguy cơ các dự án được thiết kế và sử dụng một cách lãng phí, thiếu hiệu quả.

Hồi tháng 3, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố một tài liệu về sự phát triển của hệ thống đường sắt quốc gia. Theo một nguồn tin thân cận, đây là một phần trong nỗ lực nhằm ngăn chặn việc các chính quyền địa phương xây dựng các dự án mới một cách mù quáng và đẩy núi nợ tăng cao đến mức nguy hiểm.

Ông Zhao Quanhou, một nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Khoa học Tài khóa, trực thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh đã cam kết sẽ giải quyết các khoản nợ ngầm – ước tính lớn hơn nhiều so với con số chính thức được công bố là 26.200 tỉ nhân dân tệ – vào năm 2027.

Yêu cầu chính trị hàng đầu

Ông Zhao Quanhou, một nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Khoa học Tài khóa, trực thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh đã cam kết sẽ giải quyết các khoản nợ ngầm – ước tính lớn hơn nhiều so với con số chính thức được công bố là 26.200 tỉ nhân dân tệ – vào năm 2027.

“Đây đã trở thành một yêu cầu chính trị,” ông Zhao nói tại hội thảo được tổ chức ở Bắc Kinh hồi tuần trước. “Chúng ta phải hạ thấp tỷ lệ nợ của chính quyền các địa phương càng nhiều càng tốt, để điều này không làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay”.

Trên thực tế, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ​​là 6% cho năm nay, thấp hơn nhiều so với dự kiến. Trước đó, một số ước tính từ các chuyên gia kinh tế tư nhân cho biết, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng lên tới 8%.

Ông Zhang Ming, Phó giám đốc Viện tài chính và ngân hàng thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh cần duy trì các chính sách vĩ mô phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng và giữ lãi suất ở mức thấp, ngăn chặn tình trạng nợ trầm trọng hơn. Về lâu dài, chính quyền trung ương nên xem xét phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt thay cho trái phiếu địa phương và các ngân hàng thương mại nhà nước cũng nên tham gia vào quá trình tái cơ cấu nợ.

Trước đó, Ủy ban Cải cách quản lý ngân sách Quốc vụ viện Trung Quốc đã cam kết sẽ tiêu chuẩn hóa chi tiêu của chính phủ, đặt ưu tiên cao hơn đối với việc phòng ngừa rủi ro. Cụ thể, lãnh đạo các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm cho đến cuối đời, nếu nợ phát sinh trong nhiệm kỳ của họ bị phát hiện có vấn đề. “Chúng ta phải xử lý tốt những khoản nợ hiện có. Và chúng ta không được phép có các dự án mới có thể phát sinh nợ tiềm ẩn”, giới chức Trung Quốc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các kênh tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) cũng có thể là một trong những mục tiêu chính cần điều chỉnh để giảm nợ. Trong một thông tư cải cách quản lý ngân sách được công bố hồi đầu tháng 4, Quốc vụ viện Trung Quốc đã cấm các địa phương vay nợ trái phép thông qua các tập đoàn và tổ chức tài chính. Trong khi đó, các LGFV sẽ bị cấm cung cấp vốn cho chính quyền địa phương. Những LGFV hoạt động kém có thể được tái cơ cấu và thậm chí thanh lý.

“Chúng ta cần kết hợp giữa phát triển và an toàn, các mục tiêu trước mắt và dài hạn, đồng thời, kiên quyết nói không với những lời hứa không thực tế”, thông tư nhấn mạnh. Các chính sách quan trọng hoặc dự án đầu tư được tài trợ bằng tiền công cũng phải trải qua đánh giá “độ bền tài khóa”, trong khi chính quyền địa phương được yêu cầu lập kế hoạch ngân sách tài khóa trung và dài hạn nhằm minh bạch khả năng tài khóa và rủi ro.

Nguồn: SCMP, Bloomberg, Caixin Global

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới