(KTSG Online) - Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát dòng chảy công nghệ pin, khoáng sản quan trọng và nhân tài kỹ thuật ra nước ngoài. Theo giới phân tích, nỗ lực này nhằm duy trì vai trò trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh với châu Âu và Mỹ dâng cao.
- Thời thế thay đổi: Ford mua giấy phép từ Trung Quốc
- Perovskite -pin mặt trời siêu mỏng đang gây sốt ở Trung Quốc

Trong những tháng gần đây, giới chức trách Trung Quốc gây khó khăn về thủ tục hải quan đối với việc xuất cảnh của một số kỹ sư cũng như xuất khẩu thiết bị nhà máy. Bắc Kinh cũng đề xuất các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới để giữ lại các công nghệ pin và công nghệ chế biến khoáng sản quan trọng.
Nỗ lực bảo vệ các công nghệ hàng đầu của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ và châu Âu leo thang. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thêm thuế quan vào hàng hóa Trung Quốc và bất đồng giữa Trung Quốc và châu Âu về xuất khẩu ô tô có thể thúc đẩy nhiều tập đoàn trong và ngoài nước chuyển sản xuất sang các nước khác.
Trong số các công ty bị ảnh hưởng có đối tác sản xuất chính của Apple là Foxconn (Đài Loan), công ty dẫn đầu nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple sang Ấn Độ. Các nguồn thạo tin cho biết, các quan chức Trung Quốc đã cản trở nhà sản xuất gia công hàng điện tử Đài Loan gửi máy móc và nhân sự quản lý kỹ thuật người Trung Quốc đến Ấn Độ.
Một quản lý ở một công ty điện tử khác của Đài Loan cho biết, công ty ông cũng đang gặp khó khăn trong việc gửi một số thiết bị từ Trung Quốc đến các nhà máy ở Ấn Độ, dù lưu ý rằng, các lô hàng đến Đông Nam Á vẫn diễn ra bình thường.
Một quan chức Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng động thái trì hoãn của hải quan để cản trở dòng linh kiện và thiết bị hướng về Ấn Độ. “Các công ty cung ứng trong ngành điện tử bị giới chức trách Trung Quốc yêu cầu không thiết lập hoạt động sản xuất và lắp ráp tại Ấn Độ”, vị quan chức này cho biết.
Theo nhiều nhà phân tích, chiến lược này của Trung Quốc tương tự chính sách hạn chế chuyển giao công nghệ của phương Tây mà Bắc Kinh đã chỉ trích gay gắt là không công bằng.
Các biện pháp kiểm soát không chính thức này dường như đặc biệt nhắm vào đối thủ địa chính trị của Trung Quốc là Ấn Độ. Nhưng gần đây, Bắc Kinh cũng đưa ra các hạn chế xuất khẩu chính thức đối với các công nghệ quan trọng áp dụng trên toàn thế giới.
“Chuỗi cung ứng mạnh mẽ và lực lượng lao động kỹ thuật lành nghề là một số trong số ít lợi thế của Trung Quốc hiện nay. Trung Quốc không muốn mất những lợi thế đó vào tay các nước khác”, một nhà đầu tư ở một công ty đang gặp khó khăn trong việc đưa một số kỹ sư Trung Quốc ra nước ngoài cho biết.
Tháng trước, Bộ Thương mại Trung Quốc đề xuất các hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu các công nghệ liên quan đến khai thác khoáng sản lithium và sản xuất vật liệu pin tiên tiến. Đây là hai lĩnh vực Trung Quốc đang có vị thế dẫn đầu thế giới.
“Trung Quốc có thể chủ động chọn kiểm soát những gì muốn hạn chế xuất khẩu. Về cơ bản, điều này nhằm mục đích duy trì vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Antonia Hmaidi, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator bình luận.
Hmaidi cho biết, Bắc Kinh thường nhắm mục tiêu vào các khu vực nằm gần khu vực đầu nguồn của chuỗi cung ứng, nơi các công ty Trung Quốc kiểm soát vật liệu và quy trình công nghệ.
Theo Cory Combs, phó giám đốc công ty tư vấn Trivium China, các biện pháp can thiệp mà Bắc Kinh đưa ra trong chuỗi cung ứng pin đại diện cho một dạng kiểm soát xuất khẩu mới.
Nếu được áp dụng đầy đủ, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu này có thể ngăn chặn những công ty sản xuất pin khổng lồ của Trung Quốc sở hữu nhà máy tại châu Âu chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng ra nước ngoài.
Các nhà máy ở châu Âu của CATL (Trung Quốc), nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới có thể cần tiếp tục nhập khẩu vật liệu pin lithium iron phosphate (LFP) tiên tiến từ Trung Quốc vì không thể sản xuất hoặc mua tại địa phương.
Những đột phá của Trung Quốc trong công nghệ LFP đã hỗ trợ sự trỗi dậy của các công ty pin của nước này để lấn át thị phần của công ty Hàn Quốc Quốc và Nhật Bản, từng thống trị ngành công nghiệp pin.
Theo Benchmark Mineral Intelligence, để duy trì cạnh tranh, các công ty pin của Hàn Quốc bắt đầu hợp tác và mua vật liệu pin LFP từ Trung Quốc, nơi sản xuất 99% vật liệu LFP vào năm ngoái.
Những biện pháp kiểm soát mới có nguy cơ đe dọa thỏa thuận hợp tác đó. Người phát ngôn của một nhà sản xuất pin hàng đầu của Hàn Quốc cho biết, công ty đã truyền đạt mối quan ngại này tới Bộ thương mại Trung Quốc.
“Chúng tôi không thể loại trừ một số tác động tiêu cực đến quan hệ đối tác của chúng tôi với một công ty Trung Quốc nếu các hướng dẫn kiểm soát xuất khẩu không phản ánh mối quan ngại của chúng tôi", người này nói.
Sam Adham, giám đốc nghiên cứu pin của công ty phân tích CRU Group cho biết, các công ty Hàn Quốc cần công nghệ pin cao cấp của Trung Quốc. Nhưng với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, họ chỉ có thể tiếp cận được các công nghệ cũ.
Những hạn chế xuất khẩu công nghệ khai thác lithium có thể gây khó khăn cho việc phát triển mỏ lithium ở nước ngoài bao gồm Mỹ và một số nước Nam Mỹ. Một nguồn tin thân cận với CATL cho biết, tập đoàn này sẽ cần phải nộp đơn xin giấy phép xuất khẩu để có thể sử dụng công nghệ khai thác của Trung Quốc ở một dự án khai thác lithium trị giá 1,4 tỉ đô la Mỹ ở Bolivia.
Anna Ashton, người sáng lập công ty tư vấn Ashton Analytics nhận xét, các công ty Quốc tiên phong trong công nghệ khai thác và xử lý nước muối giàu lithium từ sâu dưới lòng đất, giúp nhiều dự án khai thác mới trở nên khả thi.
“Thật trớ trêu, việc ký hợp đồng với các công ty Trung Quốc hiện là biện pháp hiệu quả nhất để giúp các dự ạn khai thác và chế biến lithium bên ngoài Trung Quốc đi vào hoạt động”, bà nói.
Trong lĩnh vực vật liệu và khoáng sản chiến lược, Trung Quốc dần mở rộng các biện pháp hạn chế để bao gồm cả việc kiểm soát xuất khẩu các nguyên tố quan trọng, chẳng hạn như các kim loại đất hiếm, vonfram và tellurium. Trung Quốc cũng kiểm soát xuất khẩu các công nghệ được sử dụng để khai thác và tinh chế các nguyên tố này.
Cuối năm 2023, Trung Quốc mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ và quy trình tinh chế đất hiếm thành kim loại và nam châm vĩnh cửu được sử dụng trong xe điện, tuốc-bin gió và thiết bị điện tử. Hiện nay, Trung Quốc sản xuất khoảng 95 % nam châm vĩnh cửu trên toàn cầu.
Theo Financial Times