Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc thúc đẩy châu Á tăng tốc cuộc đua phát hành đồng tiền số

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc thúc đẩy châu Á tăng tốc cuộc đua phát hành đồng tiền số

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Trung Quốc đang khẩn trương để có thể sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ điện tử (e-yuan) nhân Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh cuối năm 2022. Nhiều nước châu Á đang chạy đua nghiên cứu, thử nghiệm và phát hành tiền số. Nhưng tình hình sử dụng tiền số ở Trung Quốc và Campuchia – hai nơi thử nghiệm hoặc phát hành sớm nhất – lại cho thấy người dân vẫn chưa thích ứng với đồng tiền mới và chuộng ví điện tử hơn.

Trung Quốc thúc đẩy châu Á tăng tốc cuộc đua phát hành đồng tiền số
Nhiều nước châu Á đã bắt đầu các dự án phát triển và lưu hành tiền số do ngân hàng trung ương phát hành. Đồ họa: Nikkei Asia

Bên cạnh đó, các nhà phân tích đang băn khoăn trước sự can thiệp quá lớn của ngân hàng trung ương đối với đồng tiền số trong dòng chảy tài chính nội địa và thanh toán quốc tế.

Cuộc đua giữa các ngân hàng trung ương toàn cầu

Kết quả một khảo sát do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) công bố vào tháng 1-2021 cho thấy: 86% trong số 65 ngân hàng trung ương tham gia khảo sát đã nói rằng họ tích cực tham gia vào quá trình phát triển và lưu hành đồng tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC). Gần 60% nói rằng “có thể” họ sẽ phát hành đồng CBDC sử dụng trong thanh toán cá nhân trong vòng 6 năm tới.

Việc Facebook phát hành đồng tiền điện tử Diem và dịch bệnh Covid-19 đã khiến tiến trình chạy đua ráo riết hơn. Khảo sát của BIS nói khoảng 30% cho rằng dịch bệnh đã khiến các ngân hàng trung ương “mong muốn có hoặc thay đổi thứ tự ưu tiên” đối với đồng CBDC.

Các nguyên do hàng đầu của tiến trình này là củng cố quá trình tiếp cận tài chính trong các trường hợp khẩn cấp, hạn chế tiền mặt trong thời gian giãn cách và hình thành các kênh tài chính nhanh cho các dự án công.
Các nền kinh tế mới nổi với hệ thống tài chính tiền tệ tương đối yếu hơn có động lực riêng để theo đuổi đồng CBDC. Họ xem đây là công cụ để đẩy mạnh chiến lược tài chính toàn diện, tạo ra hệ thanh toán hữu hiệu và tăng cường chính sách tiền tệ.

Theo Caixin, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu đồng tiền số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) kể từ năm 2014. Hai năm sau, Quốc vụ viện Trung Quốc đưa tiền số công nghệ blockchain vào kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020. Cùng thời điểm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng mở viện nghiên cứu riêng về tiền số.

Tháng 10-2019, Trung Quốc ra luật về tiền tệ công nghệ số. Bắt đầu từ tháng 4-2020, nhiều đợt thử nghiệm đã tiến hành ở Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu và Bảo Định thuộc An Tân Khu của tỉnh Hồ Bắc trên quy mô dân số 41 triệu người. Đợt thử nghiệm mới nhất e-yuan ở Bắc Kinh sẽ kết thúc ngày mai 17-2 khi cư dân thủ đô dùng hết 50.000 bao lì xì có 200 e-yuan mỗi bao.

Campuchia là một ví dụ rõ nhất và về đích sớm nhất. Hồi tháng 10-2020, Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) đã phát hành đồng tiền số Bakong dựa trên công nghệ blockchain của startup Soramitsu từ Nhật Bản.
Chủ tịch Soramitsu Kazumasa Miyazawa nói với Nikkei Asia rằng: “NBC muốn tăng cường sự hiện diện của đơn vị tiền tệ quốc gia riel trong sinh hoạt kinh tế và xã hội Campuchia bởi hầu hết các giao dịch hiện đều bằng đô la Mỹ”.

Trung Quốc nỗ lực đưa e-yuan vào thanh toán quốc tế

Nhiều người vẫn tự hỏi làm thế nào Bắc Kinh có thể đưa đồng tiền điện tử của họ vào các chiến lược toàn cầu, bao gồm các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng với các nền kinh tế đang nổi thông qua kế hoạch “nhất đới nhất lộ”.
Tầm vóc nền kinh tế Trung Quốc hiện lớn thứ hai trên thế giới. Nhưng đồng nhân dân tệ vẫn lép vế so với các đồng tiền quốc tế khác. Nhân dân tệ chỉ chiếm 2,13% trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu vào cuối quí 3-2020 – theo Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF). Thị phần trong thanh toán quốc tế của đồng tiền Trung Quốc lại càng thấp hơn, chỉ 1,88% vào tháng 12 năm ngoái – theo dữ liệu của SWIFT.

Nhưng ông Miyazawa cho rằng “đồng e-yuan có thể chảy về các nước đang phát triển ở châu Á, Trung Đông và châu Phi”. Ông cũng ghi nhận rằng Trung Quốc đang khuyến khích các ngân hàng địa phương và quốc tế sử dụng hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của ngân hàng trung ương nước này. “Trung Quốc hy vọng sẽ nâng tỷ lệ đồng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế bằng hệ thống mới”, ông nói.
Các nhà phân tích của ngân hàng DBS ở Singapore cũng chỉ ra tiềm năng của đồng e-yuan ở châu Phi trong một báo cáo mới đây. DBS nói rằng các smartphone đời mới của Huawei đã cài sẵn ví điện tử cho đồng e-yuan.

Một quán cà phê ở Bắc Kinh chấp nhận thanh toán tiền số trong tháng 12-2020. Phần lớn người dùng chỉ xài bao lì xì điện tử 200 nhân dân tệ của chính phủ. Ảnh: Getty Images

“Với ví điện tử đã cài sẵn, e-yuan có thể được ‘xuất khẩu’ một cách hiệu quả ra thị trường nước ngoài. Chẳng hạn, châu Phi là nơi sẵn sàng đón nhận sớm đồng tiền điện tử của Trung Quốc bởi sức lấn lướt của hàng tiêu dùng Trung Quốc trên thị trường lục địa đen. Nhờ sự ổn định của đồng nhân dân tệ, đồng tiển Trung Quốc có thể hòa nhanh vào hệ sinh thái thanh toán của châu Phi mà hiện các công ty Trung Quốc đang chiếm ưu thế”, báo cáo của DBS viết.

Tuy nhiên, Chủ tịch Viện nghiên cứu tài chính quốc gia Zhu Min đã trấn an mọi người về viễn cảnh đồng e-yuan mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường thanh toán quốc tế hoặc được lồng ghép vào các dự án hạ tầng ở nước ngoài với vốn vay Trung Quốc trong khuôn khổ chương trình “nhất đới nhất lộ”. Trong cuộc họp trực tuyến của diễn đàn Davos hồi tháng 1-2021, ông Zhu đã nhấn mạnh rằng các đồng tiền số “có thể và sẽ dịch chuyển” khắp thế giới tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và các thỏa thuận song phương giữa các nước.

Ảnh hưởng nội địa của đồng e-yuan

Dù ảnh hưởng ở mức độ toàn cầu rất hạn chế, ảnh hưởng nội địa có lẽ cần được cân nhắc. Đồng e-yuan có thể mối nguy hiểm tiềm năng đối với các hình thức thanh thoán điện tử ở Trung Quốc, như AliPay hay WeChat Pay. Đặc biệt là khi Bắc Kinh đang siết chặt các quy định đối với các công ty công nghệ tài chính tài chính đang phát triển vượt khung.

“Có thể là trong tương lai tất cả các thanh toán điện tử cần phải được xác định và thanh toán bằng đồng tiền điện tử mới do ngân hàng trung ương phát hành. Điều này có thế ảnh hưởng đến vai trò của AliPay và WeChat Pay trong thanh toán trung gian”, theo lời ông Zennon Kapron, giám đốc của hãng nghiên cứu tài chính Kapronasia đặt tại Singapore.

“Phí phần trăm thu đối với các giao dịch tại cửa hàng (merchant) chắc chắn sẽ thấp hơn so với các ví điện tử trước đây. Đây là vấn đề lớn, đặc biệt ảnh hưởng đến Ant, hiện đang tái cấu trúc theo yêu cầu của chính phủ. Điều này có nghĩa là mảng thanh toán của Ant sẽ bị tách ra khỏi hệ sinh thái của tập đoàn và cả tập đoàn mẹ Alibaba”, Kapron bình luận.

Quyền lực can thiệp của chính phủ

Liệu tiền số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ chắp cánh cho sức mạnh của chính quyền như thế nào?
Tiền điện tử được xem là phương pháp hữu hiệu để chống rửa tiền và các hoạt động tội phạm khác. Nhưng điều này cũng có nghĩa là chính phủ sẽ có quyền lực kiểm soát lớn hơn, trong tương lai.

“Rõ ràng là một trong những lợi ích của CBDC là chính phủ có thể nhìn rõ dòng tiền của các cá nhân và doanh nghiệp trong sạch như thế nào. Nhưng nay, các đồng CBDC có thể được lập trình để ngân hàng có thể kiểm soát dòng chuyển động hay mục đích tiêu xài. Điều này có cái lợi và bất lợi”, Kapron giải thích.

“Như thế này, chẳng hạn, một lượng nhất định CBDC được dùng làm khoản vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), không cho phép các ngân hàng đá sang sân các doanh nghiệp khác không phải SME. Điều này có thể hữu ích ở một vài thị trường nhất định nơi các SME ít có điều kiện tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng truyền thống. Như vậy, xét chung nền kinh tế sẽ có lợi”, nhà phân tích nói.

Thế còn mặt trái? “Sự phân định kiểu này có thể là bất hợp lý trong trường hợp chính phủ không có chính sách lãi suất ưu đãi thích hợp hoặc khi kinh tế đối diện với khủng hoảng”, ông Kapron kết luận.

Dù thế nào đi nữa, các dự án tiền số của các ngân hàng trung ương vẫn tiến triển.

Ngân hàng Thái Lan đã thử nghiệm nguyên mẫu đồng CBDC cho thanh toán giữa các doanh nghiệp trên nền tảng quản lý tài chính của tập đoàn Siam Cement Group và các nhà cung ứng của tập đoàn. Một bản báo cáo về thử nghiệm này sẽ hoàn tất vào cuối tháng 2 này.

Còn Ngân hàng Hàn Quốc sẽ thử nghiệm hệ thống CBDC trong thế giới ảo trong năm nay. Nhật Bản hồi tháng 10 năm ngoái cũng thông báo kế hoạch thử nghiệm đồng tiền số. Kế hoạch có thể bắt đầu từ tháng 4-2021. Riêng Mỹ và châu Âu hiện giờ chỉ trong quá trình nghiên cứu và chờ xem các kết quả từ những nước tiên phong.

Người dân Campuchia chỉ chuộng thanh toán bằng tiền mặt, đặc biệt là đô la Mỹ. Chính phủ hy vọng đồng tiền số Bakong sẽ giúp đồng nội tệ riel thông dụng hơn. Ảnh: Reuters

Chưa thể thông dụng như ví điện tử

Hiện thế giới đang nhìn vào Trung Quốc hay Campuchia để học hỏi cách xây dựng nhận thức của người dân với đồng tiền số.

Tình hình dùng tiền số ở Trung Quốc không khả quan lắm. Nikkei Asia dẫn lời chủ cửa hàng thời trang trong một trung tâm thương mại lớn ở Tô Châu rằng mỗi ngày chỉ có một hay hai người trả bằng tiền số. Có vẻ như khách hàng vẫn chưa vội vã từ bỏ AliPay và WeChat Pay bởi những tiện lợi của hệ sinh thái mà các ví điện tử này mang lại.

Tại chợ Orussey sầm uất ở thủ đô Phnom Penh, nhiều tiểu thương chưa bao giờ nghe đến đồng tiền số Bakong. Một tiểu thương đã tham gia lễ giới thiệu đồng tiền số vào năm 2019 nói rằng: “Có lẽ chỉ 10-15 đã trả tiền bằng đồng Bakong. Đồng tiền số chưa thông dụng, chưa được mọi người dùng nhiều”, bà nói.

Trong khi đó, Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) nói rằng từ khi giới thiệu vào tháng 7-2019 cho đến hết năm 2020, lượng giao dịch trung bình mỗi tháng bằng đồng riel đã đạt khoảng 16.000 giao dịch, đạt 55 tỉ riel, tức khoảng 13,5 triệu đô la. Giao dịch bằng đô la Mỹ tăng gấp ba lần, đạt khoảng 80.000 giao dịch với giá trị 48 triệu đô la.

“Bakong được xây dựng trên nền tảng công nghệ mới và hiện đại. Các chương trình xây dựng nhận thức khách hàng cần được tiến hành thường xuyên để tăng hiểu biết về đồng tiền số và tiện dụng của nó”, Thống đốc NBC Chea Serey nói. Bà cũng chỉ ra các thách thức khác bao gồm kết nối hệ thống và nỗ lực cung cấp dịch vụ của các ngân hàng.

“Chúng tôi có lẽ cần nhiều thời gian để xem xét tình hình tiến triển thế nào và chúng tôi cần làm gì để đồng Bakong được tiếp nhận và sử dụng rộng rãi hơn”, bà thống đốc Chea Serey phát biểu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới