(KTSG Online) - Giới chức Trung Quốc đang đánh giá phương án cho phép công ty mạng xã hội X của tỉ phú Elon Musk mua lại hoạt động của nền tảng tạo và chia sẻ video ngắn TikTok tại Mỹ trong trường hợp công ty này không thể chống lại lệnh cấm của Mỹ.
Bắc Kinh xem phương án này như là một phần mặc cả quan trọng trong các cuộc đàm phán về thuế quan, kiểm soát xuất khẩu công nghệ với chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
- Tổng thống Trump ‘bật đèn xanh’ cho thương vụ TikTok
- TikTok xoay xở thế nào trước nguy cơ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ?
Theo một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái, ByteDance (Trung Quốc), công ty mẹ của TikTok phải bán TikTok US trước thời hạn 19-1, nếu không sẽ bị cấm tại Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia.
Trên thực tế, đạo luật này không cấm sử dụng TikTok nhưng sẽ yêu cầu các tập đoàn công nghệ như Apple và Google ngừng cung cấp ứng dụng này thông qua kho ứng dụng trên hệ điều hành di động iOs và Android. Điều này chẳng khác nào lệnh cấm vì sẽ khiến ứng dụng TikTok tàn lùi theo thời gian.
Hiện TikTok đang chống đạo luật trên bằng cách kháng kiện lên tòa án tối cao Mỹ. Tuy nhiên, trong phiên tranh tụng hôm 10-1, các thẩm phán tòa tối cao bày tỏ quan điểm ưu tiên an ninh quốc gia hơn quyền tự do ngôn luận, báo hiệu khả năng sẽ ra phán quyết yêu cầu TikTok tuân thủ luật trong những ngày tới.
Theo các nguồn thạo tin, tại Bắc Kinh, các quan chức cấp cao bắt đầu tranh luận về các phương án dự phòng cho TikTok như một phần của cuộc thảo luận mở rộng về cách làm việc với chính quyền sắp tới của Donald Trump. Một trong những phương án là bán tài sản của TikTok tại Mỹ cho tỉ phú Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla có nhà máy sản xuất ở Thượng Hải.
Các nguồn tin cho biết, một thỏa thuận tiềm năng với Musk, một trong những đồng minh thân cận nhất của Trump có sức hấp dẫn đối với chính phủ Trung Quốc, dự kiến có tiếng nói quyết định liệu TikTok cuối cùng có được bán hay không.
Tỉ phú Elon Musk đã chi hơn 250 triệu đô la Mỹ để ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump. Vì vậy, sau khi giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố sẽ bổ nhiệm Musk làm đồng lãnh đạo của ban cải thiện hiệu suất chính phủ
Theo một phương án được các quan chức chính phủ Trung Quốc thảo luận, công ty mạng xã hội X (trước đây là Twitter) của Elon Musk sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động của TikTok tại Mỹ nếu tòa tối cao buộc ByteDance phải bán nền tảng này. Với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, TikTok có thể thúc đẩy nỗ lực thu hút các nhà quảng cáo của X. Công ty trí tuệ nhân tạo xAI do Musk sáng lập cũng có thể hưởng lợi từ lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra từ TikTok.
Giới chức Trung Quốc vẫn chưa đạt được bất kỳ sự đồng thuận chắc chắn nào về cách tiến hành thương vụ này và các cuộc thảo luận vẫn chỉ là sơ bộ. Cũng không rõ liệu Musk, TikTok và ByteDance đã có tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào về các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào hay không. Tuy nhiên, Musk từng bày tỏ quan điểm ủng hộ TikTok tiếp tục được sử dụng tại Mỹ.
Trong một bài viết đăng trên nền tảng X hồi tháng 4-2024, ông cho biết: “Theo tôi, TikTok không nên bị cấm ở Mỹ, dù lệnh cấm như vậy có thể có lợi cho nền tảng X. Làm như vậy sẽ đi ngược lại với quyền tự do ngôn luận”.
Các quan chức Trung Quốc sẽ đối mặt với các cuộc đàm phán khó khăn với chính quyền sắp tới của ôngTrump về thuế quan, kiểm soát xuất khẩu công nghệ và các vấn đề khác. Họ xem cuộc đàm phán về TikTok là một khía cạnh quan trọng để mặc cả.
Tổng thống đắc cử Trump đã kêu gọi tòa tối cao trì hoãn lệnh cấm TikTok để ông có thể giải quyết trực tiếp thông qua đàm phán sau khi nhậm chức.
Tỉ phú Musk đang ở vị trí có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Trung với tư cách là người giàu nhất thế giới đang điều hành hoạt động kinh doanh ở 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tesla đã xây dựng một nhà máy xe điện khổng lồ ở Thượng Hải vào năm 2019 và kể từ đó đã mở rộng nhà máy này thành cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty. Nỗ lực này đã giúp Tesla mở rộng thị phần tại Trung Quốc bất chấp sự cạnh tranh gay gắt tại địa phương và xây dựng thiện chí với các quan chức chính phủ Trung Quốc.
Musk đã lên tiếng phản đối một số chính sách thương mại của Mỹ gần đây với Trung Quốc, bao gồm cả thuế quan mà chính quyền ông Joe Biden áp đặt đối với xe điện Trung Quốc.
Cuộc thảo luận ở Bắc Kinh cho thấy số phận của TikTok US có thể không còn nằm trong tầm kiểm soát duy nhất của ByteDance nữa.
Chính phủ Trung Quốc nắm giữ cái gọi là “cổ phần vàng” trong một công ty liên kết của ByteDance nên có ảnh hưởng đến chiến lược và hoạt động của công ty. TikTok từng khẳng định, quyền kiểm soát của Bắc Kinh chỉ áp dụng cho Douyin Information Service Co., một công ty con khác của ByteDance đang điều hành ứng dụng Douyin (tương tự TikTok) tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của Bắc Kinh ngăn cấm doanh nghiệp Trung Quốc bán các thuật toán phần mềm quan trọng ra nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc cần phê duyệt một giao dịch bao gồm thuật toán đề xuất nội dụng có giá trị của TikTok. Do đó, Bắc Kinh có tiếng nói đáng kể trong bất kỳ thỏa thuận bán TikTok tại Mỹ.
Các hoạt động của TikTok tại Mỹ có thể được định giá khoảng 40-50 tỉ đô theo ước tính từ 2 nhà phân tích Mandeep Singh và Damian Reimertz của Bloomberg Intelligence. Đó là một khoản tiền đáng kể ngay cả đối với người giàu nhất thế giới như tỉ phú Elon Musk. Ông đã chi 44 tỉ đô la để thâu tóm Twitter vào năm 2022 và vẫn đang trả các khoản nợ lớn đã vay để thực hiện thương vụ này.
Theo một nguồn tin, Musk là nhân vật được các nhân viên ByteDance ở Trung Quốc ngưỡng mộ. Ông được coi là doanh nhân thành đạt, người có kinh nghiệm hợp tác với chính phủ Trung Quốc thông qua hãng xe Tesla.
Theo Bloomberg