(KTSG) - Phố đã bày biện cho rằm tháng Tám. Nghe thoảng đâu đây giọng con trẻ rất mềm. Ngỡ lồng đèn sáng ngời lung linh mắt. Náo nức nhịp chân ngõ hẻm vọng qua thềm!
- Thị trường bánh trung thu khởi động, giá bánh tăng nhẹ
- Chen chúc người đi chơi Trung thu ở phố lồng đèn
Tôi đi qua phố, thấy nơi nơi đã rực màu đỏ vàng bắt mắt. Chuẩn bị mùa của trẻ thơ, trăng rằm và những ước mơ theo chân bước tung tăng. Bỗng tự hỏi, trong ánh sáng tỏa ra ấy, mỗi em nghĩ gì giữa tiếng cười nô nức cùng chúng bạn?
Đó là sắc màu của mỗi mùa Trung thu từ trước đó khá lâu các em chờ đón. Đó cũng là nghĩ suy của tôi qua rất nhiều năm, mỗi khi trời đất dần đi qua tháng Bảy Âm lịch, cho đến lúc trong mọi xóm ngõ bừng lên đón ánh rằm đêm giữa mùa thu.
Là bởi, đến bây giờ tôi cũng không tài nào nhớ được ngày thơ ấu mình nghĩ gì mỗi dịp Trung thu. Duy, hình ảnh chiếc bánh nướng mà ba tôi mua về một hôm tháng Tám Âm lịch ở miền đất của thị trấn nhỏ La Gi, ngày trước thuộc tỉnh Bình Tuy (bây giờ là Bình Thuận), thì còn nhớ mãi, dù đã qua đúng nửa thế kỷ, lúc ấy vẫn còn chiến tranh. Đó là một chiếc bánh tròn khá lớn có in nổi mấy chữ Hán loằng ngoằng, hoa văn viền quanh mặt bánh, chính giữa có hình chú mèo như đắp nổi. Với tôi ngày ấy, nó là một tác phẩm thực sự, nên cứ ngồi ngắm nghía mãi không cho ai động chiếc dao nhựa vào cắt chia phần cho mấy anh em. Cho đến lúc quá thèm!
Thuở ấy, ở vùng xa xôi nên kẹo bánh hiếm hoi. Có khi xin chị được 10 đồng ra quán tạp hóa đầu ngõ mua được năm cái kẹo Nougat nho nhỏ làm bằng bột nhồi sữa có nhân đậu phộng, vỏ giấy kẹo đơn sơ có in hình chiếc máy bay, rồi cầm trên tay ngắm mãi. Vì vậy, chiếc bánh trung thu vàng sẫm to tròn vành vạnh như chiếc đĩa lớn là vầng trăng ao ước. Ký ức như một giấc mơ tuổi thơ cháy mãi, nhất là trong đêm rằm nhịp bước trên đường làng cầm tay chiếc lồng đèn tự chế. Thắp lên rồi gió thổi vụt tắt, chìa tay nài xin bạn mẩu nến, hẹn ngày mai đổi mấy viên bi. Vậy mà bước rã chân không mỏi!
Và chính vì thế, nhiều khi tôi lặng ngắm nhìn tuổi thơ của các em đêm rằm Trung thu xa lắc xa lơ ở vùng cao nguyên, có nhiều xóm nhà đi xây dựng vùng kinh tế mới, nơi mình đến dạy học vào dạo cuối thập niên 1980. Ở nơi đó, vào những năm tháng ấy, dễ gì có được chiếc bánh trung thu để vui với đêm rằm trăng lồng lộng sáng. Có chăng, đôi lúc tôi thấy cảnh đồ chơi của các em là chiếc xe được làm bằng một chiếc gậy tre gắn hai lon sữa bò rỗng xoay tròn trong sân. Một lon sữa chạy theo chiếc trục nhỏ, một lon được gác lên đó xoay ngang lọc xọc tít mù, trong đó có gắn một mẩu nến thắp sáng. Mỗi đứa tay cầm một chiếc chạy quanh trong tiếng cười giòn giã. Có đôi lúc chợt lặng yên vì chúng mải túm tụm nhau, để giúp thắp lại ngọn đèn cho một đứa trong bọn. Các bậc phụ huynh ngồi, rồi nhìn con trẻ lớn lên…
Tôi đi qua những ngôi nhà tạm bợ ấy, như mải miết đi qua mùa Trung thu thơ dại của mình lẫn trong dấu ấn mùa Trung thu của bao đứa trẻ!
Rồi thì những mùa Trung thu của bao thế hệ khác cũng đến, nhưng không giống như ngày xưa nữa. Càng về sau, mỗi năm càng “giàu có” hơn, nhất là ở chốn thị thành. Bánh ngập tràn đủ kiểu đủ loại, lồng đèn bao thứ sắc màu giăng mắc đầy trên phố. Mỗi ngõ hẻm đều tổ chức cho các em vui chơi rước đèn Trung thu trong tiếng nhạc phát ra từ những chiếc loa kéo sẵn từ chiều. Người lớn cũng ngồi đếm tuổi từng đứa trẻ tung tăng, ấm áp trong cái náo nức con trẻ lớn lên từng ngày.
Bỗng dưng tôi chợt nhớ, có hôm chị tổ trưởng dân phố đưa cho tôi một xấp danh sách các cháu nhỏ qua mỗi mùa tổ chức Trung thu. Đọc và đếm, thấy qua gần 20 năm cái xóm nhỏ hình thành với 65 gia đình, đã có 80 đứa trẻ ra đời và lớn lên, vui mùa Trung thu lần hồi tiếp nối cho đến hết tuổi học cấp 1, để rồi từng lứa bước chân vào cấp 2, cấp 3 và đại học!
Những hoài niệm quá khứ trộn lẫn hiện tại, khiến mình đôi khi cũng náo nức thèm vui một chút với tuổi thơ ngây, khi mùa trăng thu lại về…