Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trước xu hướng giá hàng hóa toàn cầu leo thang trở lại…

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Không ít nền kinh tế, vốn phụ thuộc vào các sản phẩm năng lượng và lương thực nhập khẩu, có thể đối mặt với áp lực giá cả đi lên trở lại hoặc phải chứng kiến lạm phát tiếp tục neo cao hơn mục tiêu đặt ra trong khoảng thời gian dài hơn.

Không chỉ giá năng lượng, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng vọt trong thời gian gần đây - Ảnh minh họa: TL

Giá năng lượng tăng cao

Cuối tuần trước (15-9-2023), giá dầu WTI đã vượt mốc 90 đô la Mỹ/ thùng, lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay và cũng đánh dấu tuần thứ 3 tăng giá liên tiếp. Thị trường này cũng đang hướng đến quí tăng mạnh nhất kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine vào quí 1-2022. Cụ thể, nếu so với thời điểm cuối tháng 6-2023, giá dầu WTI đang ghi nhận mức tăng gần 29%, còn giá dầu Brent cũng chứng kiến mức tăng hơn 26%, trở thành một trong những nhóm tài sản có hiệu suất sinh lời vượt trội nhất trong những tháng gần đây.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trên thị trường đang là yếu tố dẫn dắt giá vàng đen, sau khi Ảrập Saudi và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng dầu đến cuối năm 2023. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới đây đã đưa ra dự báo cập nhật về nhu cầu ổn định và chỉ ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào năm 2023 nếu việc cắt giảm sản lượng duy trì. Còn Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong báo cáo định kỳ cũng nhận định từ tháng 9 trở đi, việc sụt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ khiến nguồn cung thiếu hụt đáng kể trong quí 4-2023.

Ở phía cầu, các điều kiện kinh tế của Trung Quốc đang được cải thiện sau các động thái nới lỏng chính sách của nước này, thể hiện qua các chỉ báo kinh tế như dữ liệu doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp công bố gần đây tốt hơn kỳ vọng, đưa đến dự báo nhu cầu dầu của nền kinh tế số 2 thế giới sẽ gia tăng trong thời gian tới, từ đó cũng giúp thúc đẩy giá dầu. Dữ liệu hôm 15-9-2023 cho thấy hoạt động lọc dầu tại Trung Quốc tăng vọt gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, khi các nhà sản xuất duy trì công suất hoạt động ở mức cao để tận dụng nhu cầu cao trên toàn cầu đối với các sản phẩm dầu.

Trung Quốc gần đây còn tăng cường mua khí đốt nhằm chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, khi đã ký nhiều thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn. Việc Trung Quốc quay trở lại thị trường này có thể làm hạn chế nguồn cung khí LNG cho châu Âu và càng đẩy giá khí đốt tăng cao, đặc biệt nếu mùa đông ở châu Âu và châu Á năm nay lạnh hơn bình thường, cộng thêm các cuộc đình công của công nhân tập đoàn Chevron đang diễn ra tại các dự án khí đốt tự nhiên Gorgon và Wheatstone (Tây Úc), vốn chiếm tổng cộng 5% nguồn cung LNG toàn cầu.

Giá than quốc tế cũng đã tăng lên mức cao nhất trong bốn tháng qua do các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc tăng công suất, nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ các nhà máy thủy điện do hạn hán gây ra. Các chuyên gia phân tích cho rằng giá than vẫn ở mức cao và có thể tiếp tục tăng vào mùa đông, do lo ngại về nguồn cung khí đốt tự nhiên kéo dài.

Áp lực lên nền kinh tế

Không chỉ giá năng lượng, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng vọt trong thời gian gần đây, do hệ quả kéo dài của chuỗi cung ứng đứt gãy vì xung đột quân sự Nga - Ukraine và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Hiện tượng El Nino có nguy cơ kéo dài đã thúc đẩy một số quốc gia tăng cường tích trữ lương thực, thể hiện qua việc Ấn Độ và sau đó là một loạt nước khác hạn chế xuất khẩu gạo.

Xu hướng tăng giá hàng hóa nếu tiếp tục kéo dài sẽ không chỉ đưa áp lực lạm phát quay trở lại và tác động tiêu cực lên chính sách tiền tệ của các nước, mà còn ảnh hưởng lên các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế vốn đang ở thời kỳ suy yếu.

Việc Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen từ tháng 7-2023 và chưa biết khi nào trở lại, cũng góp phần đẩy giá các mặt hàng lương thực liên quan neo giữ ở mức cao. Sau giá gạo và lúa mì, giá mía đường lên đỉnh 11 năm qua sau khi nước xuất khẩu số 2 thế giới là Thái Lan giảm gần 20% sản lượng do hạn hán, còn Ấn Độ dự kiến hạn chế xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024.

Trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, giá các mặt hàng này có thể còn tiếp tục leo thang trong thời gian tới, nhất là khi đầu tháng 9 này Trung Quốc lại bất ngờ hạn chế xuất khẩu phân bón sau khi giá trong nước tăng vọt. Là nhà sản xuất u rê lớn nhất thế giới, Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba nguồn cung phân bón gốc nitơ trên toàn cầu, vốn là loại phân bón rất quan trọng cho việc trồng trọt. Giá phân bón tăng cao tất yếu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Hệ quả là không ít nền kinh tế, vốn phụ thuộc vào các sản phẩm năng lượng và lương thực nhập khẩu, có thể đối mặt với áp lực giá cả đi lên trở lại hoặc phải chứng kiến lạm phát tiếp tục neo cao hơn mục tiêu đặt ra trong khoảng thời gian dài hơn.

Số liệu công bố mới đây cho thấy chỉ số giá năng lượng tại Mỹ trong tháng 8 vừa qua đánh dấu tháng tăng mạnh nhất trong năm với mức tăng 5,6%, do mức tăng vọt 10,6% của giá xăng. Theo đó lạm phát của nước này tăng 3,7%, cao hơn so với dự báo là 3,6%.

Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 cũng chứng kiến mức tăng cao trở lại, khi tăng 0,88% so với tháng trước, đánh dấu mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 2 năm ngoái. Lũy kế tám tháng CPI đang ghi nhận mức tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng mặt hàng lương thực tăng gần 7%. Với giá xăng dầu dự kiến sẽ có đợt điều chỉnh tăng mạnh sắp tới, cũng như giá điện sẽ được điều chỉnh tăng cao hơn, áp lực lên lạm phát cần phải được theo dõi.

Chỉ số giá hàng hóa CRB, bao gồm 19 loại hàng hóa thuộc bốn nhóm là năng lượng, sản phẩm nông nghiệp, kim loại quý và kim loại cơ bản, cũng đã tăng hơn 16% tính từ cuối tháng 5 đến nay, lên mức gần 326 điểm. Trong đó, riêng một tháng trở lại đây đã tăng xấp xỉ 6,5%, chủ yếu cũng do mức tăng của giá năng lượng và lương thực.

Có thể thấy xu hướng tăng giá hàng hóa nếu tiếp tục kéo dài sẽ không chỉ đưa áp lực lạm phát quay trở lại và tác động tiêu cực lên chính sách tiền tệ của các nước, mà còn ảnh hưởng lên các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế vốn đang ở thời kỳ suy yếu. Rõ ràng khi giá các loại năng lượng, nguyên - nhiên - vật liệu tăng cao sẽ khiến các doanh nghiệp càng thêm đối mặt với khó khăn, thách thức và hạn chế mở rộng đầu tư.

Bên cạnh đó, những quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn hàng hóa nhập khẩu cũng có thể chứng kiến dự trữ ngoại tệ chịu áp lực suy giảm nếu tình hình này kéo dài, nhất là trong bối cảnh đô la Mỹ trên thị trường quốc tế tăng mạnh đã gây áp lực lên tỷ giá của nhiều nước và làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế trong thời gian gần đây.

Ngân hàng Bank of America (Mỹ) mới đây dự báo giá dầu có thể sớm tăng lên mức ba con số, vượt mức 100 đô la/thùng trước khi bước sang năm 2024. Trước đó, Goldman Sachs nhận định nếu cả Nga và Ảrập Saudi tiếp tục siết nguồn cung, giá dầu có thể lên 107 đô la/thùng. Còn theo dự báo từ trang longforecast, giá dầu có thể chạm mốc 114 đô la/ thùng vào cuối năm nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới