(KTSG Online) – Tại lễ khai giảng năm học 2022-2023 vào sáng ngày 10-10, trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) công bố thành lập thêm bốn trường chuyên ngành để thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2030, chuyển trường ĐHCT trở thành Đại học Cần Thơ.
- Đại học Cần Thơ sẽ phát triển theo mô hình tự chủ
- Đại học Cần Thơ hợp tác cùng AIG đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL
Phát biểu tại lễ khai mạc năm học 2022-2023, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường ĐHCT, cho biết bốn đơn vị này được gọi là “Trường thuộc trường ĐHCT” do Hội đồng trường quyết định thành lập, khác với “Trường Đại học”, do Chính phủ thành lập.
Đó là bốn trường Bách Khoa, Công nghệ thông tin & Truyền thông, Kinh tế, Nông nghiệp. Theo GS Toàn, với mô hình trường chuyên ngành này, việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh hơn, tăng vai trò chủ động sáng tạo ở cấp dưới, tạo động lực phát triển đến từng giảng viên.
Các trường chuyên ngành này sẽ xây dựng chiến lược phát triển gắn với thế mạnh của mỗi trường để phục vụ cộng đồng. Mô hình trường trong trường sẽ giữ vững sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị. Nhu cầu của người học được đáp ứng nhiều hơn; sinh viên được đào tạo kiến thức liên ngành chứ không phải đơn ngành và đặc biệt là tối ưu hoá được các nguồn lực của trường như đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, tài chính…
Về bộ máy của bốn trường chuyên ngành này, dưới trường là các khoa theo các lĩnh vực khác nhau; không tổ chức các bộ môn dưới khoa như trước mà sẽ hình thành các nhóm chuyên môn (Lab) để tổ chức các hoạt động chuyên môn theo xu hướng phổ biến ở các trường đại học trên thế giới hiện nay.
Trao đổi với KTSG Online, GS.TS Hà Thanh Toàn nhấn mạnh: “Thành lập bốn trường chuyên ngành này nằm trong chiến lược phát triển ĐHCT đến năm 2030; trong dó, nhà trường đang trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để chuyển mô hình Trường ĐHCT thành Đại học Cần Thơ”.
Theo đề án này, đến năm 2030, ĐHCT là nơi hội tụ, giao thoa và sản sinh tri thức – văn hóa – khoa học – công nghệ, góp phần phát triển xã hội bền vững. ĐHCT là đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình với hệ thống quản lý, cơ cấu tổ chức hiệu quả cao và năng lực tài chính vững mạnh; đảm bảo tốt nhất cho việc nâng cao chất lượng đào tạo với chi phí hợp lý nhất; phát triển và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phát triển hợp tác trong và ngoài nước để đạt trường đại học đẳng cấp quốc tế; hỗ trợ cho sự phát triển và xây dựng mạng lưới các trường đại học vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trường ĐHCT được thành lập vào ngày 31-3-1966; đến nay, là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước ở vùng ĐBSCL. Hiện trường đang đào tạo 79 ngành đại học và 50 ngành sau đại học với trên 47.000 học viên, sinh viên theo học. Năm học vừa qua, có 8.956 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ đã tốt nghiệp.Trường ĐHCT sắp tổng kết Dự án "Nâng cấp Trường ĐHCT" thành trường đại học xuất sắc, được quốc tế công nhận trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng ĐBSCL. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 105,9 triệu đô la Mỹ, thực hiện trong 7 năm (2015-2022).