Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trường đại học là của ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trường đại học là của ai?

Phạm Thị Ly

Trường đại học là của ai?
Trường đại học là nơi mà tiếng nói thẩm quyền thuộc về tri thức và chân lý chứ không thuộc về đồng tiền. Ảnh: TUỆ DOANH

(TBKTSG) - Phía sau câu chuyện tranh giành quyền lãnh đạo ở một số trường đại học tư thục, là một vấn đề sâu xa hơn: liệu có thể xem trường đại học là một doanh nghiệp, vận hành theo những quy tắc của doanh nghiệp?

Mâu thuẫn trong chính sách

Hiện nay, về mặt pháp lý cũng như trong thực tế, tất cả các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam đang là các doanh nghiệp vì lợi nhuận trên mọi phương diện. Điều không bình thường là tất cả các trường đều tự cho mình là không vì lợi nhuận. Những bước diễn tiến chính sách về giáo dục đại học (GDĐH) ngoài công lập (NCL) từ năm 1998 đến nay đã bộc lộ rõ sự mâu thuẫn giữa tính chất thị trường của GDĐH tư và mong muốn của Nhà nước giữ khu vực này trong vòng kiểm soát không để nó tự do hóa và thương mại hóa.

Bước ngoặt đối với GDĐH NCL là Luật Giáo dục 2005 và Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2-8-2006 của Chính phủ, trong đó hai loại hình trường đại học bán công và dân lập bị xóa bỏ, chỉ còn một loại hình trường đại học NCL duy nhất là trường đại học tư thục (ĐHTT). Trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐHTT được ban hành theo Quyết định 14/2005/QĐ-TTg ngày 17-1-2005, các khái niệm “góp vốn”, “phần vốn góp”, “vốn điều lệ”, “vốn có quyền biểu quyết”, “thành viên sáng lập’’, “đại hội đồng cổ đông”, “hội đồng quản trị”… vốn là những khái niệm gắn liền với doanh nghiệp, lần đầu tiên được sử dụng cho lĩnh vực giáo dục đào tạo. Điều này thể hiện rất rõ quan điểm xem trường tư thục là một doanh nghiệp vì lợi nhuận. Theo đó, toàn bộ tài sản của trường thuộc sở hữu của các nhà đầu tư; thu nhập còn lại sau khi thực hiện nghĩa vụ và trích lập quỹ, được phân chia cho các thành viên góp vốn theo tỷ lệ vốn góp; cổ đông có quyền chuyển nhượng và rút vốn; trong trường hợp nhà trường bị giải thể, việc xử lý về tài chính, tài sản được áp dụng theo quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp.

Chính sách vừa đặt các trường vào khuôn khổ vì lợi nhuận lại vừa hạn chế tính chất vì lợi nhuận của họ. Áp lực tâm lý xã hội đang đòi hỏi các trường phải phi lợi nhuận trên một nền tảng số không về truyền thống hiến tặng cho đại học. Đó là đòi hỏi không thực tế.

Từ đó đến nay, vấn đề phân biệt trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận nhiều lần đã được đặt ra. Mãi đến khi Luật GDĐH ra đời (có hiệu lực từ 1-1-2013), lần đầu tiên, “không vì lợi nhuận” mới được định nghĩa là “phần lợi nhuận tích lũy hàng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ”. Tuy nhiên, định nghĩa này chưa đầy đủ, vì nó đã bỏ qua vấn đề gốc rễ là sở hữu và cơ cấu quyền lực.

Đồng thời, Luật GDĐH 2013 cũng quy định thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) trường ĐHTT bao gồm hai nhóm thành phần (a) đại diện của các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định; và (b) hiệu trưởng; đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở GDĐH có trụ sở; đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể; đại diện giảng viên. Điều này có lẽ là nhằm làm giảm tính chất “vì lợi nhuận” của trường ĐHTT, và tăng quyền lực của giới học thuật. Tuy nhiên, nó tiềm tàng khả năng nảy sinh xung đột rất cao giữa những người góp vốn và không góp vốn nhưng lại có quyền quyết định như nhau.

Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ĐHTT thay thế Quy chế cũ đã quy định “tài sản là vốn góp được công nhận sở hữu tư nhân” còn tài sản tăng thêm thuộc sở hữu chung của trường. Phần tài sản tăng thêm này thuộc quyền quản lý của HĐQT, trong khi HĐQT lại bao gồm cả những người không góp vốn (theo khoản 3, điều 17, Luật GDĐH) thì không xảy ra tranh chấp mới là chuyện lạ!

Nguồn gốc nảy sinh xung đột

Chính vì luật pháp và chính sách có những mâu thuẫn trong quan điểm và thể hiện sự lúng túng trong cách xử lý mối quan hệ giữa tính chất dịch vụ, vì lợi nhuận với tính chất phục vụ lợi ích công của khu vực tư trong GDĐH, cho nên đã nảy sinh tình trạng tất cả các trường NCL tuy hoạt động trong một khuôn khổ luật pháp về cơ bản giống với luật doanh nghiệp, và trong thực tế hành xử giống như mọi doanh nghiệp, nhưng vẫn tự cho mình là phi lợi nhuận.

Trong trường hợp Việt Nam, cần nhấn mạnh một điều là tính chất vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận không thể xác định chỉ bằng mức chia lợi nhuận như Luật GDĐH đã quy định, mà còn phải xem xét tính chất sở hữu và cơ cấu quyền lực của nhà trường, bởi lẽ việc phân chia lợi nhuận chỉ là kết quả của tính chất sở hữu và cơ cấu quyền lực ấy. Dựa trên ba yếu tố: mức chia lợi nhuận (gấp bốn lần so với lãi suất trái phiếu, chưa kể lợi nhuận do cổ phiếu tăng giá và cổ phiếu thưởng); tính chất sở hữu (là sở hữu tư nhân của các cổ đông, cổ phiếu có thể chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, hoàn toàn giống các công ty cổ phần); và cơ cấu quyền lực (HĐQT do đại hội đồng cổ đông bầu ra theo nguyên tắc người nào nắm nhiều cổ phần hơn thì có khả năng chi phối quyết định nhiều hơn), thì Hoa Sen là trường 100% vì lợi nhuận từ xưa đến nay, dù điều lệ nhà trường có tuyên bố rõ tính chất phi lợi nhuận.

Đã là trường vì lợi nhuận, mà người đầu tư lại không được toàn quyền quyết định, thì đầu tư vào giáo dục sẽ không công bằng so với đầu tư vào các lĩnh vực khác. Một hệ quả nguy hiểm hơn, là trong cơ cấu đó, quyền lực phần lớn sẽ nằm trong tay những người điều hành. Nhà đầu tư, do e sợ rủi ro, sẽ trực tiếp nắm quyền điều hành, và trong nhiều trường hợp sẽ tạo ra lỗ hổng về năng lực lãnh đạo. Thêm vào đó, một cơ cấu quyền lực như thế tiềm tàng một rủi ro rất lớn. Bởi vì, vừa là nhà đầu tư, vừa nắm quyền điều hành, họ tạo ra một quyền lực tuyệt đối và không bị kiểm soát, là điều sẽ hủy hoại bản chất cốt lõi của trường đại học: trường đại học là nơi mà tiếng nói thẩm quyền thuộc về tri thức và chân lý chứ không thuộc về đồng tiền. Vì vậy, nó tiềm tàng khả năng đưa nhà trường đến chỗ xung đột và bất ổn.

Theo tính chất sở hữu và cơ cấu quyền lực

Nghị định 141/NĐ-CP ban hành ngày 24-10-2013 đã nêu rõ các điều kiện để được công nhận là trường phi lợi nhuận, tuy nhiên vẫn không đề cập đến điều cốt lõi nhất là quyền sở hữu và cơ cấu quyền lực, vì vậy vẫn không giải quyết được rốt ráo vấn đề. Hơn thế nữa, nghị định này còn quy định về tài sản không phân chia với mọi trường NCL bất kể vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, tức là vẫn tiếp tục lẫn lộn hai loại hình này. Với những gì quy định về trường không vì lợi nhuận trong văn bản trên, quyền lực nằm trong tay những người điều hành lại càng lớn, và đằng sau quyền lực là tiền.

Cách duy nhất để phân định dứt khoát giữa vì lợi nhuận và phi lợi nhuận là dựa vào tính chất sở hữu và cơ cấu quyền lực. Trường vì lợi nhuận sẽ thuộc sở hữu tư nhân, cổ phần có thể chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp giống như các doanh nghiệp, HĐQT do cổ đông bầu ra theo nguyên tắc đối vốn. Còn trường không vì lợi nhuận thì thuộc sở hữu cộng đồng, không có cổ phần, không có cổ tức, HĐQT được người sáng lập chỉ định dựa trên nguyên tắc bao gồm các bên liên quan và nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công, và chính hội đồng này sẽ lựa chọn thành viên bổ sung về sau trên nguyên tắc công khai. Người sáng lập không giữ quyền sở hữu, vì vậy không thể chuyển nhượng hay để thừa kế. Chỉ có trường phi lợi nhuận mới được hưởng ưu đãi của ngân sách về mặt đất đai hay nguồn lực.

Phân định rõ ràng vì lợi nhuận và phi lợi nhuận sẽ tránh cho các trường gánh nặng đạo đức giả. Quan trọng hơn, sự phân định này sẽ xác lập sở hữu tư nhân rõ ràng, dứt khoát, và đầy đủ cho các nhà đầu tư, để họ an tâm đầu tư lâu dài. Nếu nhược điểm chính của các trường đại học công lập hiện nay là thiếu động lực để đổi mới, thì nhược điểm chính của các trường NCL là tầm nhìn ngắn hạn - hệ quả của một chính sách thiếu nhất quán và một quan điểm lẫn lộn giữa lợi ích công và mục đích tư - từ đó đẻ ra lối làm việc chụp giựt. Một khi có động lực để đầu tư dài hạn, khu vực trường NCL vì lợi nhuận hoàn toàn có khả năng hoạt động có hiệu quả và cung ứng dịch vụ có chất lượng. Nhà đầu tư, để bảo vệ lợi ích dài hạn của mình, sẽ tìm được điểm cân bằng giữa thẩm quyền của giới học thuật và thẩm quyền của người quản lý, bởi điều này quyết định chất lượng của nhà trường, tức cũng có nghĩa là quyết định lợi ích của chính họ.

Đọc thêm

Từ Hoa Sen nhìn về tương lai đại học tư thục

Khi đại học tư thục cạnh tranh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới