Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trường đua Phú Thọ sẽ ra sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trường đua Phú Thọ sẽ ra sao?

Kinh Luân

(TBKTSG Online) – Tương lai của “khu đất vàng” rộng 25,6 hecta ở trung tâm quận 11 TPHCM mà lâu nay người ta vẫn quen gọi là “Trường đua Phú Thọ” sẽ được quyết định trong cuộc họp chiều nay (21-9) tại UBND TPHCM.

Đây là vấn đề nóng trong bối cảnh dư luận vẫn đang xôn xao với đề xuất của một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) bán một số cơ sở thể thao để có kinh phí đền bù, giải tỏa cho dự án khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc.

Trường đua Phú Thọ sẽ ra sao?
Toàn cảnh trường đua Phú Thọ nhìn từ dãy khán đài do người Pháp xây dựng năm 1932. Phía xa là Nhà thi đấu Phú Thọ (đường Lý Thường Kiệt, quận 11) – Ảnh: Kinh Luân

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Anh Dũng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thể thao Phú Thọ, từ chối bình luận về chủ trương của UBND TPHCM muốn phát triển khu vực này thành trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.

“Chúng tôi chỉ là cấp thừa hành, chẳng biết bên trên định hướng thế nào đâu. Gần đây thì có nghe phong thanh công trình này là bước chuẩn bị để thành phố đăng cai SEAGames 29 và Đại hội thể thao trẻ châu Á 2017, nhưng đó chỉ là lời đồn thôi. Cũng như trước đây có thông tin rằng thành phố có ý định bàn giao khu đất này lại cho quận 11 để làm công viên, nhưng rồi lại cho đầu tư làm trường đua ngựa”, ông Dũng nói.

Toàn bộ khu trường đua Phú Thọ rộng chừng 48 héc ta nhưng theo ông Dũng, diện tích thực tế mà Câu lạc bộ Thể thao Phú Thọ quản lý chỉ còn 25,6 hecta, vì Sở VH-TT-DL đã cấp đất cho nhiều đơn vị khác. “Ngoài chúng tôi ra thì còn có Câu lạc bộ Võ thuật, Câu lạc bộ Quần vợt, hồ bơi, nhà thi đấu và Trung tâm Tập luyện Thể thao Phú Thọ… Đó là chưa kể những cơ sở kinh doanh như Nhà hàng Phong Lan”, ông Dũng giải thích.

Sau khi ngưng tổ chức đua ngựa, phần lớn diện tích phía trong trường đua được chia nhỏ ra để làm sân bóng đá cho thuê theo giờ -Ảnh: Kinh Luân

Trường đua Phú Thọ hình thành cùng với việc du nhập môn đua ngựa vào Sài Gòn năm 1893, với sự ra đời của “Hội đua ngựa Sài Gòn”, trụ sở đặt trong trại lính đường Deverdun (nay là Câu lạc bộ Lan Anh, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10). Ban đầu trường đua được xây dựng ở đường Général Lize (tục gọi Vườn Bà Lớn) với hàng rào là những bụi tre có sẵn, ngựa đua ít nên chỉ có 3 – 4 đợt đua vào ngày Chủ nhật với khoảng 5 – 7 con/lượt.

Năm 1932, Hội đua ngựa Sài Gòn vay tiền của Ngân hàng Đông Dương mua một khu nghĩa địa 48 hecta ở khu Phú Thọ (nay là quận 11) để xây dựng trường đua, và hoạt động cho đến 1975. Sau này, trường đua được giao cho Sở Thể dục Thể thao TPHCM quản lý, khu vực phòng ốc và khán đài ở đây được trưng dụng làm cơ sở đào tạo cán bộ, huấn luyện viên thể thao và một số hoạt động khác, còn phần lớn diện tích thì bỏ hoang do có nhiều mìn và đầu đạn pháo chưa nổ…

Mặt lưng của khán đài phía đường Lê Đại Hành – nơi "mặt tiền" được tận dụng để cho thuê làm quán nhậu, tiệm rửa xe… trong khi chờ quyết định của UBND TPHCM – Ảnh: Kinh Luân

Ngày 11-3-1989 trường đua Phú Thọ được khôi phục với tên gọi là Câu lạc bộ Thể thao Phú Thọ, có hơn 600 ngựa đua và 70 tay nài. Do mới được hồi phục nên các phương tiện kỹ thuật và tiện nghi phục vụ còn thiếu, hệ thống cá cược vẫn còn đơn giản. Tháng 6-2004 Câu lạc bộ liên doanh với Công ty TNHH Thiên Mã để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của trường đua và hoạt động đua ngựa. Đây là nơi đầu tiên tại Việt Nam nhập khẩu từ Australia 40 con ngựa đua thuần chủng, và tổ chức các vòng đua sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Sau 7 năm liên doanh, hoạt động đua ngựa đã tạm dừng từ đầu tháng 6-2011.

Chiếc cổng xuất phát dành cho ngựa đua ngày nào nay nằm trong góc phế liệu. Hàng trăm hộ dân sống nhờ hoạt động này cũng nay đang bươn chải tìm kế sinh nhai khác – Ảnh: Kinh Luân

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới