Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Truyền hình Internet trong xu thế cá nhân hóa

Phạm Hải Chung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhớ hôm trước giãn cách khi tôi ra khỏi nhà đi sắm một chiếc ti vi mới, cậu con trai 14 tuổi của tôi dặn mẹ: “Mẹ nhớ mua ti vi thông minh và điều khiển ti vi phải có nút Netflix và YouTube nhé”.

Tôi chợt nhớ tới cái thời phải vác ghế ngồi chờ trước chiếc ti vi JVC 14 inch vào lúc 7 giờ mỗi tối để xem “Chương trình những bông hoa nhỏ” của gần 30 năm trước đây.

Khái niệm xem ti vi nay đã thay đổi rất nhiều dựa theo sự thay đổi về thói quen và hành vi tiếp nhận thông tin và giải trí của công chúng. Đặc biệt thế hệ công chúng Z hay thế hệ tiếp sau đó như con tôi chỉ lựa chọn những nền tảng theo sở thích cá nhân trên thiết bị là chiếc ti vi thông minh hoặc điện thoại thông minh.

Dịch bệnh hai năm nay trói chân bao người và người ta nhích lại gần hơn với những nền tảng truyền hình và giải trí mới. Truyền hình Internet nhờ vậy mà chiếm ưu thế và trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các chương trình truyền hình phát trực tuyến trên điện thoại thông minh và máy tính bảng giúp người xem có thể xem chương trình yêu thích của họ mọi lúc mọi nơi.

Những tiến bộ theo cấp số nhân trong công nghệ đã làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp truyền hình, đặc biệt là trong khoảng 10-15 năm qua, và chắc sẽ có còn nhiều thay đổi trong thập kỷ tới. Truyền hình đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các đế chế truyền thông như Google, Netflix, Hulu, Amazon Prime.

Với sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các thuật toán có thể biết chính xác chương trình công chúng muốn xem. Họ không còn cần dành thời gian để chọn lọc qua các danh sách vô tận các chương trình theo sở thích trên màn hình của mình.

Reed Hastings, nhà đồng sáng lập và là CEO của Netflix, trong một hội thảo ở Berlin vào năm 2015 đã dự đoán rằng truyền hình tuyến tính - nơi nhà đài chọn thời gian và thời điểm phát sóng các chương trình sẽ giảm, trong khi truyền hình theo yêu cầu sẽ ngày càng phổ biến. Ông đưa ra những lợi thế của truyền hình Internet: “Bạn có thể xem nó bất cứ khi nào bạn muốn; bạn có thể xem nó trên bất kỳ màn hình nào; nó được tùy chỉnh; nó có thể được cá nhân hóa”.

Thực tế, thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng trẻ sau này đã cho thấy điều đó đang xảy ra. Netflix hiện có 209 triệu người trả tiền. Netflix đang trở nên phổ biến vì đang tạo ra bối cảnh công chúng có thể kết hợp các kênh truyền hình và đăng ký trả phí. Công chúng có xu hướng chỉ chọn, trả tiền cho các kênh mà họ muốn.

Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Internet đang chứng minh rằng họ có thể tạo ra và phát triển các doanh nghiệp thành công xung quanh một mô hình kinh doanh bao gồm ít hoặc không có doanh thu từ quảng cáo. Nhiều nhà nghiên cứu dự đoán rằng trong mười năm nữa, ngay cả các nhà cung cấp cáp truyền thống cũng có khả năng trở thành dịch vụ đăng ký, cho phép tách nhóm và cấu trúc phí theo tầng dựa trên loại và số lượng kênh mà người công chúng lựa chọn và đăng ký.

Thuật toán và trí tuệ nhân tạo biết chính xác từng công chúng muốn xem gì và mang tới những trải nghiệm trực tuyến theo yêu cầu. Netflix đã thử nghiệm nội dung tương tác. Phim Love, Death & Robots được phát các tập theo thứ tự khác nhau cho những người dùng khác nhau. Tập phim Bandersnatch trong series phim Black Mirror là phim tương tác thực tế, cho phép người xem được tự lựa chọn câu chuyện cho riêng mình (choose your own adventure). Người xem sẽ chọn thay cho nhân vật chính, mỗi lựa chọn sẽ dẫn đến một cái kết khác nhau.

Truyền hình Internet đã và đang dần được cá nhân hóa. Trong tương lai, khách hàng sẽ có thể tạo các gói của riêng họ thay vì chỉ có một vài tùy chọn. Trong một đợt khảo sát của Deloitte về ngành truyền hình vào năm 2030, họ đưa ra nhận định rằng các đài truyền hình và nhà sản xuất nội dung không còn có thể dựa vào vị trí thị trường hiện tại của họ. Để đảm bảo mô hình kinh doanh và dòng doanh thu trong tương lai, họ phải hợp tác và liên minh, kể cả với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với những gã khổng lồ như Google, Amazon Prime, Hulu hay Netflix.

3 BÌNH LUẬN

  1. Truyền hình ở ta đã và sẽ lạc hậu nhanh. VTV thì cứ phát mãi những gameshow, các bộ phim nhàm chán, dàn diễn viên cũ quay đi quay lại, tính nghệ thuật và giải trí rất kém. Cần tiến hành một cuộc đại tu lớn về phát thanh truyền hình, không nên duy trì quá nhiều tổ chức tương tự nhau, cồng kềnh như VTV, VTC, Thông tấn xã, Đài tiếng nói VN… Nếu phục vụ công ích chỉ cần một đài quốc gia là đủ, giống như BBC, còn lại nên phát triển theo hướng dịch vụ, xã hội hóa thì mới theo kịp thời đại 4.0.

  2. VTV và truyền hình ở ta nói chung thường chạy theo xu hướng “MC đẹp và thời trang”, thay vì tập trung nâng cao chất lượng, bản sắc thông tin và khả năng chinh phục khán giả trong và ngoài nước, biến thông tin thành sức mạnh mềm của quốc gia. Kiểu tư duy “sắc và chảnh” này lạc hậu lắm rồi.

  3. Xem các chương trình CNA (Singapore)/ Aljazzera (Qatar)… mà thấy buồn cho truyền hình nước nhà. Bao giờ mới vượt vũ môn hóa rồng thay vì quanh quẩn ao làng mãi đây ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới