Truyền thông Mỹ có thiên vị?
Nguyễn Bảo Quốc
(TBKTSG) - Khi quan sát thông tin về bầu cử tổng thống Mỹ, nhiều người dễ nhận ra là báo, đài ở nước này cũng khá thiên vị. Ở Mỹ, đó là quyền tự do chính kiến.
Ở Mỹ, theo thống kê của Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC), có khoảng 1.279 tờ báo và 32.975 đài truyền hình và phát thanh hoạt động truyền thông ở nhiều lĩnh vực chính trị xã hội, kinh tế, thể thao, âm nhạc, công nghệ, giải trí,...
Báo chí phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật. Có những báo đài nghiêng ngả về “lề phải” (cánh hữu) hay “lề trái” (cánh tả). Tuy nhiên, cũng có những báo đài đưa tin khách quan không nghiêng “lề” nào và coi đây là giá trị cốt lõi.
Phần lớn báo đài Mỹ có sở hữu là tư nhân, kinh doanh vì lợi nhuận như Washington Post (tỉ phú Amazon Jeff Bezos), CNN (ông trùm truyền thông Ted Turner), Fox News (tỉ phú gốc Úc Rupert Murdoch). Một số ít báo đài thuộc tổ chức phi lợi nhuận như Hãng Thông tấn AP (Associated Press), Đài Truyền hình PBS (Public Broadcasting Service), Đài Phát thanh NPR (National Public Radio),...
Bầu cử Mỹ cho thấy xã hội Mỹ đang phân hóa sâu sắc về chính kiến mà phần lớn người dân nghiêng về một trong hai lập trường tả - hữu cùng với việc ủng hộ những chính sách đi theo.
Viết theo chính kiến nào là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí được quy định bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Người đọc nên tôn trọng chính kiến của mỗi báo đài và đọc, xem, nghe hay không là quyền của độc, khán, thính giả. |
Truyền thông Mỹ cũng không nằm ngoài bối cảnh này. Bầu cử kịch tính đã đẩy sự phân hóa, thiên vị (biased) của báo đài lên đến đỉnh điểm, đẩy người đọc vào mê hồn trận hư thực thực hư đầy mưu tính. Do đó người đọc càng phải tỉnh táo “gạn đục khơi trong” khi nghe nhìn báo đài để lọc ra thông tin chính xác cho mình.
Theo Business Insider, các cuộc khảo sát cho thấy người Mỹ tin rằng phần lớn báo đài đều thành kiến, thiên vị. Những đài AP, PBS news được họ cho là khách quan nhất trong khi đó những đài Fox News (thiên hữu), CNN (thiên tả) là thành kiến, thiên vị nhất. Tuy nhiên, nó còn tùy thuộc vào chính kiến mỗi nhà báo của đài đó, đặc biệt đối với trường hợp các đài Fox News, Breitbart News, CNN, MSNBC...
Độc giả khi đọc những bài xã luận, những nhận định, quan điểm; xem cách dàn dựng phỏng vấn, mời ai phỏng vấn, phát lại clip sau khi cắt cúp những phát biểu của các chính trị gia với mục đích định hướng, bóp méo thông tin theo hướng nào thì có thể cảm nhận họ “xanh” hay “đỏ”. Bản thân người viết thường xuyên xem đài CNN, thấy rằng đài này khá thiên vị.
Một điều thú vị là nếu bạn tìm kiếm trên Google với cụm từ “US election 2020”, sẽ thấy kết quả đầu tiên đến từ hãng thông tấn AP. Không hiểu Google cố ý hay vô tình hướng người sử dụng Internet đến thông tin theo họ là khách quan nhất. Cũng có thể AP khách quan và uy tín được ngầm định theo truyền thống cho việc cập nhật thông tin bầu cử và đếm phiếu của mỗi mùa bầu cử tổng thống.
Một người bạn Việt kiều của tôi lại thích theo dõi diễn biến và cập nhật kết quả bầu cử Mỹ qua Reuters, một hãng thông tấn của... Anh và khá trung lập. Hãng thông tấn BBC đồng hương cũng được xem là trung lập. Nhưng qua kỳ bầu cử này người viết cảm nhận họ khá... thiên tả.
Tuy nhiên, viết theo chính kiến nào là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí được quy định bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Người đọc nên tôn trọng chính kiến của mỗi báo đài và đọc, xem, nghe hay không là quyền của độc, khán, thính giả. Cũng như chúng ta có quyền ủng hộ quan điểm của ứng viên tổng thống này nhưng cũng nên tôn trọng chính kiến của ứng viên khác. Miễn là những gì họ nói và làm phải hướng đến mục tiêu cùng đích: Tổ quốc trên hết!