(KTSG) - “Việc hàng hóa nước ngoài, từ Trung Quốc hay các nền sản xuất lớn hơn, cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt tại thị trường nội địa là xu hướng buộc phải chấp nhận. Tìm cách đưa hàng Việt tham gia sân chơi toàn cầu là lựa chọn phù hợp nhất”, TS. Huỳnh Thanh Điền, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
- Bộ Công Thương: Thận trọng khi mua sắm trên các nền tảng Temu, Shein, 1688
- Động thái mới của Temu sau phản ánh chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam
Phải coi chuyện Temu vào Việt Nam là bình thường
KTSG: Việc Temu, một sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới của Trung Quốc mở rộng sang thị trường Việt Nam đang gây nên nhiều lo ngại, từ phía chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Quan sát câu chuyện này, ông có bình luận như thế nào?
- TS. Huỳnh Thanh Điền: Temu thuộc sở hữu của PDD Holdings (Trung Quốc), phiên bản quốc tế ra mắt năm 2022, đã hiện diện tại 82 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ và các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Brunei, trước khi hiện diện tại Việt Nam (dù đến nay chưa được cấp phép).
Chiến lược marketing mà Temu đang thực hiện tại Việt Nam giống như cách họ đã làm để thâm nhập các thị trường khác. Họ áp dụng các chính sách tặng tiền cho người giới thiệu, khuyến mại ở mức cao, miễn phí cước vận chuyển, cho phép hoàn trả hàng trong 90 ngày... để một mặt đẩy mạnh nhận diện thương hiệu, mặt khác thu hút tài khoản đăng ký. Đối với một sàn TMĐT sinh sau đẻ muộn, đã sẵn có các đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường, việc thu hút tài khoản là rất quan trọng.
Ngoài ra, ưu thế trong cạnh tranh của Temu là giá bán rẻ, giao hàng nhanh và để làm được như vậy, Temu đặt hàng số lượng lớn từ các nhà sản xuất Trung Quốc, ký gửi hàng ở các kho, khi người mua đặt hàng thì hàng đã có sẵn ở các kho logistics gần khu vực sinh sống của họ. Muốn làm được như vậy, Temu phải có các phân tích, dự đoán về nhu cầu hàng hóa để đặt hàng từ các nhà máy tại Trung Quốc và gửi tới kho trước, điều chỉ có thể làm tốt nếu có được lượng khách hàng đăng ký ban đầu rất lớn.
Bên cạnh đó, nếu xét thuần túy từ góc độ kinh doanh, là một doanh nghiệp, Temu chắc chắn sẽ không muốn dừng lại ở việc bán hàng từ Trung Quốc đi các nước mà còn muốn là sàn TMĐT có tính chất toàn cầu, bán hàng của tất cả các thị trường mà Temu đang hiện diện cho nhau. Vậy nên, việc họ chi một số vốn đầu tư lớn, chạy các chiến dịch quảng bá rầm rộ và duy trì các chính sách để thu hút người dùng tại thị trường mới, chủ động chịu lỗ trong 1-2 năm đầu là việc bình thường.
Tất nhiên, các chính sách bán hàng và hậu mãi “vô tiền khoáng hậu” của Temu đang gây nên những lo lắng cho các doanh nghiệp, đầu tiên là các doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT hiện hữu. Tại thị trường Âu - Mỹ, Temu phát triển người dùng rất ấn tượng, giành thị phần của Amazon và Walmart. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, việc Temu đưa hàng hóa giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc tới từng “hang cùng ngõ hẻm” khiến họ vốn đã khó khăn để duy trì và mở rộng thị trường lại càng khó khăn hơn.
Trong thời đại công nghệ 4.0, hàng hóa của một quốc gia phải chịu cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, phân phối thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới là điều dù không mong muốn nhưng buộc phải chấp nhận. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật chung này.
KTSG: Hiện tại, Indonesia đã yêu cầu chặn ứng dụng Temu để bảo vệ hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa của quốc gia này. Các quốc gia khác hoặc là đã, đang tính toán việc xóa bỏ quy định về giới hạn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, hoặc là siết chặt các quy định hải quan, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Theo ông, chúng ta có nên cân nhắc các biện pháp ứng phó này?
- Việt Nam theo đuổi chính sách thương mại mở cửa, đối xử công bằng với các doanh nghiệp từ tất cả các quốc gia đã ký kết thỏa thuận. Do đó, chúng ta sẽ không bàn tới việc cấm đoán hay hạn chế Temu nếu doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh và tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam.
Nhìn chung, khi có một doanh nghiệp mạnh xuất hiện, cộng đồng doanh nghiệp có thể có hai cách phản ứng, hoặc là hợp tác, hoặc là cạnh tranh với họ. Để cạnh tranh, các sàn TMĐT đang hoạt động tại Việt Nam, có chủ sở hữu là người Việt khó có thể có đủ tiềm lực. Không thể cạnh tranh trực tiếp, các doanh nghiệp này nên phân tích lợi thế so sánh, lựa chọn những nhóm hàng, mặt hàng mà Temu chưa có ưu thế, tối ưu hóa chuỗi cung ứng để duy trì và mở rộng tệp khách hàng. Với nhóm doanh nghiệp còn lại, câu chuyện cạnh tranh với Temu không nên đặt ra, thay vào đó, nên tìm cách để hợp tác với sàn TMĐT này.
Hệ sinh thái trong TMĐT gồm các khâu đóng gói, lưu kho, vận chuyển, hệ thống thanh toán, bảo hiểm. Đóng gói sẽ cần bao bì, nhân công, lưu kho cần hệ thống kho bãi ở các tỉnh thành, địa phương, vận chuyển buộc phải sử dụng phương tiện và nhân lực được thị trường nội địa cung ứng. Nếu nhận diện đây là cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối, tham gia vào các công đoạn này của chuỗi cung ứng. Làm được như vậy, sự lớn mạnh của Temu tại thị trường Việt Nam sẽ đồng hành cùng sự lớn mạnh của bản thân doanh nghiệp nội địa thuộc các lĩnh vực này.
Như trên đã đề cập, ngoài chuyện giải bài toán hàng hóa Trung Quốc, là một doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận, Temu có thể sẽ phân phối hàng hóa, chẳng hạn của Mỹ, tại thị trường Việt Nam và các nước. Như vậy, các doanh nghiệp Việt cũng nên tư duy tới việc tận dụng chuỗi cung ứng của Temu để phân phối hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Trên thế giới, không có nhiều sàn TMĐT xuyên biên giới thành công bởi lẽ cách tổ chức chuỗi cung ứng cực kỳ phức tạp, việc phân tích, dự đoán hành vi mua sắm của thị trường cần phải chuẩn xác; hệ thống kho bãi lớn, phân loại từng nhóm hàng, ngành hàng một cách khoa học; chi phí đầu tư ban đầu rất cao... Trước Temu, chỉ có một vài doanh nghiệp, chẳng hạn Amazon và Walmart là tương đối thành công trong TMĐT xuyên biên giới. Nếu doanh nghiệp Việt hợp tác được với Temu, họ cũng sẽ hợp tác được với Amazon hay Walmart nếu hai sàn TMĐT này lựa chọn mở rộng thị trường tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tạo cơ hội để hàng hóa Việt cạnh tranh bình đẳng
KTSG: Thưa ông, khi năng lực và quy mô sản xuất của doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế, không thể so sánh với các nhà máy của Trung Quốc, đặt ra mục tiêu hợp tác với Temu liệu có hơi lạc quan?
- Như đã nói, việc hàng hóa nước ngoài, từ Trung Quốc hay các nền sản xuất lớn hơn, cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt tại thị trường nội địa là xu hướng buộc phải chấp nhận. Nhìn nhận thực trạng này theo hướng tích cực, tìm cách đưa hàng Việt tham gia sân chơi toàn cầu là lựa chọn phù hợp nhất.
Ngoài ra, sàn TMĐT bản chất là một nền tảng để trưng bày hàng hóa, luôn đòi hỏi sự đa dạng và mới mẻ trong sản phẩm để cạnh tranh thu hút và duy trì người dùng. Chính vì vậy, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào luôn có cơ hội để tham gia bán hàng trên sàn TMĐT.
Thứ nhất, các ngành hàng thường chiếm ưu thế trong TMĐT gồm: lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, nội thất, phụ kiện trang trí gia đình, thời trang... Doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế so sánh nhất định trong sản xuất lương thực, thực phẩm, dệt may, da giày, đồ gỗ. Chúng ta nên suy nghĩ, khai thác thế mạnh bản địa, tập trung xây dựng một số thương hiệu sản phẩm tốt thuộc các lĩnh vực này để chào bán ra thế giới. Giá rẻ luôn mang đến lợi thế cạnh tranh nhưng đó không phải yếu tố duy nhất quyết định hành vi mua hàng. Các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất theo xu thế xanh, bền vững, có tính bản địa, có đặc điểm nổi trội so với các dòng hàng cùng loại cũng có thể hấp dẫn khách hàng, dù được phân phối ở mức giá cao hơn.
Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm sản xuất hàng hóa cho các thị trường khó tính ở châu Âu. Chúng ta cần phải tận dụng lợi thế này để đề xuất hợp tác với Temu hay các sàn TMĐT xuyên biên giới muốn chinh phục các thị trường này. Đặc biệt, trong bối cảnh phân cực chính trị song hành cùng phân cực kinh tế, hàng hóa xuất xứ từ quốc gia thân thiện như Việt Nam sẽ có những ưu thế nhất định so với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
KTSG: Từ phía quản lý, Việt Nam cần làm gì để bảo vệ hợp pháp hàng hóa sản xuất trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp nội tham gia tích cực, cạnh tranh với hàng hóa các nước được phân phối thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới?
- Chính sách của Việt Nam nên hướng tới việc tạo sự bình đẳng cho hàng hóa Việt Nam và hàng hóa ngoại nhập trên các sàn TMĐT xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam.
Theo đó, thứ nhất, hàng hóa ngoại nhập giá trị nhỏ cũng phải chịu thuế như hàng hóa nội địa. Đây cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới trong quản lý TMĐT xuyên biên giới.
Thứ hai, thiết kế các chính sách kiểm soát chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.
Thứ ba, thương lượng với các sàn TMĐT xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam như Temu về việc đối xử bình đẳng với hàng hóa nội địa, theo nghĩa, tạo điều kiện, cơ hội để doanh nghiệp Việt có thể trưng bày, phân phối sản phẩm trên các sàn này.
Thứ tư, trong các thỏa thuận thương mại tự do, thường có điều khoản các quốc gia tham gia có thể siết hạn ngạch hoặc cấm nhập khẩu trong một khoảng thời gian nhất định nếu hàng hóa nhập khẩu gây tổn hại cho ngành sản xuất nội địa. Muốn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam phải thu thập được dữ liệu, chứng minh được thiệt hại của mình một cách khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Còn để hỗ trợ doanh nghiệp Việt, thay vì các biện pháp hỗ trợ trực tiếp vi phạm quy định trong các thỏa thuận thương mại tự do, chúng ta có thể đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng... Điều quan trọng là tạo môi trường tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển chứ không o bế, hay triệt tiêu động lực vươn lên của doanh nghiệp.