Thứ Tư, 16/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TS. Lê Đạt Chí: Dựng phòng tuyến an toàn khi bỏ room tín dụng

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Cơ chế điều hành bằng room tín dụng dẫn đến việc phân bổ vốn cho nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng thương mại không tối ưu hóa được hiệu quả, không ưu tiên, thúc đẩy các ngân hàng kinh doanh tốt và hạn chế các ngân hàng kinh doanh chưa tốt. Việc bỏ room tín dụng là cần thiết”, TS. Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Vì sao cần bỏ room tín dụng?

KTSG: Thưa ông, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sớm bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng hay còn gọi là room tín dụng, điều hành theo cơ chế thị trường và xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng. Ông suy nghĩ như thế nào về yêu cầu này?

TS. Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: NVCC

- TS. Lê Đạt Chí: Room tín dụng là một công cụ quản lý hành chính được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng kể từ năm 2011 đến nay. Sự tồn tại của phương thức điều hành bằng room tín dụng dẫn đến cơ chế xin - cho, các ngân hàng thương mại (NHTM) bị quy định hạn mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm và nếu NHTM cho vay hết hạn mức này, họ sẽ phải đề nghị NHNN cấp thêm room tín dụng mới được cho vay tiếp. Hệ lụy của cơ chế xin - cho là tăng trưởng tín dụng không dựa trên nỗ lực quản trị của mỗi ngân hàng.

Trên lý thuyết, mỗi một NHTM sẽ có một chiến lược kinh doanh và cách phân bổ vốn cho nền kinh tế khác nhau, từ đó, đem lại những kết quả tăng trưởng tín dụng khác nhau. Nếu một ngân hàng kinh doanh bài bản, hiệu quả, tăng tưởng tín dụng của họ bền vững, mức độ an toàn vốn cao, tập khách hàng gia tăng một cách ổn định theo thời gian. Thế nhưng, họ lại bị giới hạn bởi room tín dụng và dù có làm tốt, muốn cho vay thêm, họ phải xin được nới room tín dụng. Ngược lại, một ngân hàng khác chọn phương án kinh doanh rủi ro hơn, miễn là sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp thì năm sau họ vẫn tiếp tục được cấp room tín dụng, tương tự ngân hàng đã nỗ lực làm tốt kia.

Từ phía doanh nghiệp, khi NHNN khóa van tín dụng để đảm bảo các mục tiêu vĩ mô, việc cung ứng vốn bị đình trệ, những doanh nghiệp trong lĩnh vực quan trọng với hàng ngàn công nhân đang làm ăn tốt lại không thể tiếp cận vốn, gây hệ lụy xấu tới nền kinh tế.

Nhìn một cách tổng thể, cơ chế điều hành bằng room tín dụng dẫn đến việc phân bổ vốn cho nền kinh tế thông qua hệ thống NHTM không tối ưu hóa được hiệu quả, không ưu tiên, thúc đẩy các ngân hàng kinh doanh tốt và hạn chế các ngân hàng kinh doanh chưa tốt. Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải tiến tới bỏ room tín dụng, điều hành theo cơ chế thị trường.

KTSG: Ở thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, việc duy trì room tín dụng là một công cụ giúp đảm bảo an toàn cho hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống NHTM của Việt Nam tồn tại nhiều vấn đề, như hiện tượng sở hữu chéo… Ông có chia sẻ với ý kiến này không? Quan điểm của ông như thế nào?

- Chúng ta không nên viện dẫn lý do này hay lý do khác để bảo vệ cho một công cụ hành chính trong điều hành tín dụng. Giả sử cho rằng, hệ thống NHTM chưa đủ mạnh mẽ, ổn định để xóa bỏ room tín dụng, vậy bao giờ sẽ đủ điều kiện? Nếu không chuẩn bị, không quyết liệt, không biết tới khi nào chúng ta có thể tự tin nói rằng, hệ thống NHTM đã sẵn sàng hoạt động đúng với cơ chế thị trường.

Bản thân ngân hàng thương mại cũng có quyền tự do xây dựng và áp dụng các chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả nhất mà không bị giới hạn bởi room tín dụng. Ảnh: LÊ VŨ

Chúng ta đã tiến hành sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng, ban hành Luật các tổ chức tín dụng mới vào năm 2024. Chúng ta đã có các quy định về quản lý, kiểm soát hoạt động của các NHTM tương đối chặt chẽ so với thông lệ thế giới. Đặc biệt, nguồn vốn trong nền kinh tế phải được tối ưu hóa để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Bản thân NHTM cũng có quyền tự do xây dựng và áp dụng các chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả nhất mà không bị giới hạn bởi room tín dụng. Do đó, việc bỏ room tín dụng là cần thiết và nên tiến hành càng sớm càng tốt.

Phòng tuyến quan trọng nhất

KTSG: Thưa ông, để bỏ room tín dụng, cần có một công cụ quản lý mang tính chất thị trường để thay thế. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng một bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng. Chúng ta có thể hình dung như thế nào về bộ tiêu chí này?

- Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (Capital Adequacy Ratio - CAR), được xác định dựa trên vốn tự có, tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường. Các NHTM Việt Nam đang buộc phải duy trì CAR tối thiểu là 8%, tương đương chuẩn mực Basel II được áp dụng phổ biến trên thế giới, theo Thông tư 41/2016/TT - NHNN và duy trì trong Thông tư 22/2023/TT-NHNN. Tuy nhiên, do tỷ lệ CAR phụ thuộc vào tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng, hệ số rủi ro cho mỗi loại tài sản sẽ tác động tới CAR của mỗi ngân hàng.

Hiện tại, Thông tư 22/2023/TT-NHNN đã đưa ra hướng dẫn phân loại tài sản theo Phụ lục 6 ban hành kèm thông tư, tuy nhiên, danh mục này chưa được chi tiết, cụ thể, minh bạch. Chẳng hạn, trọng số rủi ro (risk-weighted) đối với tài sản bảo đảm bằng bất động sản kinh doanh là 75-120%, trọng số rủi ro với tài trợ dự án kinh doanh bất động sản là 160-200% nhưng không nêu rõ đó là bất động sản cao cấp hay nhà ở vừa túi tiền mua đầu tư, cho thuê, bất động sản nghỉ dưỡng hay bất động sản nhà ở…

Lâu nay, do NHNN quản lý theo room tín dụng nên chưa tích cực trong phân loại tài sản để xác định rủi ro cho từng khoản vay cụ thể. Nếu muốn bỏ room tín dụng, cần phải sớm thay đổi thực trạng này. NHNN cần ban hành quy định liên quan tới phân loại các nhóm tài sản có rủi ro và hệ số rủi ro cho từng loại tài sản một cách rõ ràng, chi tiết, minh bạch.

Vấn đề thứ hai liên quan đến vốn chủ sở hữu của NHTM. Thông tư 22/2023/TT-NHNN quy định vốn tự có của NHTM phải cấn trừ đi các khoản cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần tại tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán… Dù vậy, quy định này chưa ngăn chặn được việc một ông chủ NHTM dùng cổ phần đi thế chấp tại các ngân hàng khác, khiến cho vốn góp thực tế vào ngân hàng bị giảm bớt, hoặc không còn nữa. NHNN cần có các quy định xác định lại vốn chủ sở hữu này, tránh tình trạng khi rơi vào sự cố bị kiểm soát đặc biệt, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đã không còn. Hoặc như trường hợp của Ngân hàng SCB, thậm chí những người chủ của ngân hàng không góp vốn trên thực tế.

KTSG: Từ trường hợp của SCB, nhiều quan điểm cho rằng, vấn đề của Việt Nam chính là vấn đề kiểm soát, giám sát việc thực hiện các tiêu chí đảm bảo an toàn tín dụng. Ông có đồng tình với quan điểm này không và việc này nên khắc phục thế nào?

- Ở đây có hai vấn đề, giám sát tình hình hoạt động của NHTM để phát hiện ra các rủi ro cho hệ thống và giám sát việc thực hiện các tiêu chí an toàn vốn.

Trước khi xảy ra sự cố, SCB có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản rất nhanh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất từ năm 2012 đến hết sáu tháng đầu năm 2022, tổng tài sản SCB gấp 5 lần, còn tính riêng ba năm sau khi được phê duyệt đề án tái cơ cấu, tổng tài sản của SCB tăng 34%. Bên cạnh tài sản nội bảng, rủi ro của các NHTM có thể nằm ở tăng trưởng tài sản ngoại bảng. Chẳng hạn, một ngân hàng nhỏ nhưng tài sản ngoại bảng lại cao, có nhiều cam kết liên quan tới ngoại hối thì những biến động trên thị trường ngoại hối sẽ là mối đe doạ lớn tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng này.

Vấn đề thứ hai là việc thanh tra, giám sát của NHNN. Dù đưa ra các tiêu chí an toàn vốn rất cao, nếu NHTM thực thi không nghiêm mà thanh tra, giám sát không phát hiện hoặc cố tình phớt lờ thì nguy cơ xảy ra sự cố với NHTM sẽ gia tăng, tiềm ẩn rủi ro với hệ thống NHTM. Ngoài việc tăng cường năng lực thanh tra, giám sát của NHNN và tăng cường hiệu quả giám sát quá trình này, NHNN nên tính tới việc tích hợp cơ sở dữ liệu của các NHTM về NHNN. Khi đó, việc thanh tra, giám sát không chỉ thực hiện định kỳ tại cơ sở mà NHNN có thể theo dõi hoạt động hàng ngày của các NHTM, phát hiện sớm các sai sót và điều chỉnh kịp thời.

Tuy nhiên, phòng tuyến đầu tiên và quan trọng nhất để giám sát hoạt động của NHTM chính là hội đồng quản trị (HĐQT) của từng ngân hàng. Nếu các thành viên HĐQT bị thao túng, mua chuộc, làm ngơ cái sai theo nguyện vọng của các cổ đông lớn, sai phạm sẽ nghiêm trọng và khó bị phanh phui hơn rất nhiều.

Muốn HĐQT phát huy vai trò giám sát, đầu tiên, phải xác định được thành viên HĐQT đại diện cho nhóm cổ đông nào. Theo Luật Doanh nghiệp, thành viên HĐQT đại diện cho cổ đông, hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty trong sáu tháng. Thành viên HĐQT có nhiệm kỳ năm năm, trong khi cổ đông mà người đó đại diện, sau khi bầu thành viên HĐQT đại diện phần vốn có thể thế chấp, chuyển nhượng cổ phiếu, dẫn đến tình trạng thành viên HĐQT ngồi trong hội đồng mà không còn là đại diện cho cơ cấu sở hữu nữa. Họ không có quyền lợi gắn với ngân hàng nên có thể bị thao túng, mua chuộc. NHNN cần phải hướng dẫn lại về vấn đề này, gắn chặt vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của HĐQT với cơ cấu sở hữu của ngân hàng.

Cùng với đó, cần phát huy nhiệm vụ và năng lực giám sát của thành viên HĐQT độc lập. NHNN có thể cân nhắc tăng số lượng thành viên HĐQT độc lập và thẩm quyền quản lý của HĐQT với các thành viên độc lập này, chẳng hạn, họ phải được phê chuẩn và làm việc cho NHNN.

Tóm lại, toàn bộ thành viên HĐQT phải đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của NHTM và trong trường hợp có sai phạm, họ phải chịu trách nhiệm liên đới. Có như vậy, phòng tuyến giám sát đầu tiên mới được xây dựng chặt chẽ, giảm thiểu tối đa rủi ro cho hoạt động của NHTM, đảm bảo an toàn cho một hệ thống NHTM hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Không nên trì hoãn

KTSG: Liệu chúng ta có nên xây dựng một bộ tiêu chí chuẩn về an toàn vốn và áp dụng trước, để tạo ra nề nếp tín dụng cho NHTM và doanh nghiệp trước khi tiến tới việc bỏ room tín dụng hay không?

- Khi vẫn duy trì công cụ hành chính thì nỗ lực của từng NHTM hướng tới làm ăn hiệu quả, đạt được tăng trưởng và duy trì bền vững mức tăng trưởng tín dụng sẽ bị triệt tiêu. Lộ trình ba năm hay năm năm để các NHTM xây dựng nề nếp tín dụng mới sẽ khó phát huy hiệu quả và đến thời điểm phải thay đổi, chúng ta sẽ lại phải đối diện với những vướng mắc đã nêu. Cuối cùng, chúng ta chỉ đang làm chậm trễ hơn việc quản lý, điều hành tín dụng theo cơ chế thị trường mà thôi.

Kinh nghiệm chung ở các nước trên thế giới là tiến tới nới lỏng hoặc xóa bỏ trần tín dụng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã làm việc này, vì thế, Việt Nam có thể học hỏi, tiếp thu các bài học kinh nghiệm của họ. Chúng ta không nên tiếp tục níu kéo cái cũ mà thay đổi là điều cần thiết. Trong thời gian đầu, để đảm bảo an toàn cho hệ thống NHTM, NHNN có thể tăng cường thanh tra. Các NHTM sẽ hợp tác vì họ cũng muốn phát hiện và kịp thời điều chỉnh các sai sót, hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả khi không còn bị giới hạn bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới