(KTSG) - Nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, chính sách thuế đối ứng mới đây của Mỹ có lẽ cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để Việt Nam có thêm động lực chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc lại các động lực tăng trưởng kinh tế.
- VCCI và AmCham gửi thư đề nghị hoãn áp thuế đối ứng
- Doanh nghiệp kỳ vọng mức thuế đối ứng thấp nhất đối với nông sản Việt

Hồi chuông cảnh tỉnh
Việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam có lẽ ít ai ngờ đến, khi nhiều dự báo trước đó cho rằng Việt Nam có khả năng nằm trong nhóm bị áp thuế chỉ 10% hoặc nếu cao lắm cũng chỉ ở mức 20%. Tuy nhiên, với cơ chế áp thuế được tính toán chủ yếu dựa trên mức độ thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia, vốn đã gây ra nhiều tranh cãi sau khi được công bố, Việt Nam nằm trong nhóm bị áp thuế cao nhất.
Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng chủ động trao đổi thông tin với phía Mỹ, đề xuất hoãn thời hạn áp dụng mức thuế suất trên, nhằm có thời gian tìm kiếm một thỏa thuận về thuế quan và giải pháp cân bằng thương mại tối ưu hơn cho đôi bên. Tuy nhiên, sự kiện lần này có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh kịp thời cho Việt Nam về tình trạng nền kinh tế có độ mở quá lớn, quá tập trung vào một số ít đối tác thương mại và tăng trưởng kinh tế phụ thuộc không nhỏ vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cách đây hơn 18 năm, Việt Nam đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các tập đoàn đa quốc gia muốn tận dụng những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lao động giá rẻ và các chính sách ưu đãi từ hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tích cực tham gia. Đặc biệt, kể từ khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung Quốc nổ ra từ năm 2018, tiếp đó là đại dịch Covid-19 thúc đẩy xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam càng nổi lên như là một cứ điểm sản xuất an toàn, hiệu quả.
Với doanh nghiệp FDI chỉ xem Việt Nam là cứ điểm sản xuất để xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia khác, một khi những ưu đãi về thuế quan hay chi phí lao động không còn là lợi thế, họ có thể dễ dàng rời đi, nhưng với doanh nghiệp FDI lựa chọn Việt Nam vì một thị trường tiêu thụ hấp dẫn, họ sẽ luôn xem Việt Nam là mái nhà thứ hai và gắn bó lâu dài.
Dòng vốn FDI ồ ạt đổ vào Việt Nam, hoạt động thương mại ngày càng mở rộng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo đó cũng ngày càng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, từ các doanh nghiệp sản xuất truyền thống như Nike, Adidas... cho đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Samsung, Intel, LG, Foxconn... Hầu hết các doanh nghiệp trong số này đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam và xuất các sản phẩm ngược lại về Mỹ nói riêng và các quốc gia khác trên toàn cầu nói chung.
Giờ đây, trước nguy cơ thuế quan từ chính sách mới của Mỹ, không chỉ hoạt động thương mại của Việt Nam chịu tác động tiêu cực, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng sẽ dè chừng hơn. Khi cuộc thương chiến lan rộng, nếu các quốc gia tiến hành áp đặt các sắc thuế trả đũa Mỹ, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Các chuyên gia kinh tế dự báo Mỹ có thể rơi vào tình trạng đình lạm nếu chính sách thuế đối ứng được áp dụng, nhưng có lẽ các quốc gia khác cũng sẽ không tránh khỏi một kịch bản tương tự.
Chuyển dịch mô hình tăng trưởng
Phải thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đó là vấn đề thường xuyên được nêu ra trong những năm gần đây, khi giới hoạch định chính sách nhận ra rằng động lực tăng trưởng trở nên ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI và hoạt động thương mại của chính các doanh nghiệp này. Vì vậy, nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, chính sách thuế đối ứng của Mỹ có lẽ cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để Việt Nam có thêm động lực chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc lại các động lực tăng trưởng kinh tế.
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa là chính sách đã được quan tâm hơn rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên hiệu quả vẫn đang còn những hạn chế nhất định, nhất là khi thu nhập của người lao động đã chịu tác động tiêu cực kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay. Nhưng giờ đây trước rủi ro xuất khẩu có thể suy yếu trong giai đoạn tới, động lực tăng trưởng từ tiêu dùng nội địa càng trở nên quan trọng và cần phải có những chính sách kích thích mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài việc cải thiện các chính sách về thu nhập cho người lao động, nâng cao mức sống và giảm bất bình đẳng, Chính phủ cần sớm triển khai các chính sách hỗ trợ tiêu dùng như giảm thuế, khuyến khích vay vốn tiêu dùng và tạo môi trường thuận lợi cho người tiêu dùng trong nước, nhất là khi cán cân ngân sách trong những năm qua đã duy trì thặng dư lớn. Đơn cử như chính sách thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, dù đã trở nên quá lỗi thời khi không theo kịp mức lạm phát qua các năm, nhưng lại mất quá nhiều thời gian để điều chỉnh và mỗi lần điều chỉnh lại chỉ “nhỏ giọt”.
Cần biết rằng một nền kinh tế có thị trường tiêu thụ nội địa mạnh mẽ cũng là một trong những điều kiện thu hút các tập đoàn nước ngoài đầu tư. Với doanh nghiệp FDI chỉ xem Việt Nam là cứ điểm sản xuất để xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia khác, một khi những ưu đãi về thuế quan hay chi phí lao động không còn là lợi thế, họ có thể dễ dàng rời đi, nhưng với doanh nghiệp FDI lựa chọn Việt Nam vì một thị trường tiêu thụ hấp dẫn, họ sẽ luôn xem Việt Nam là mái nhà thứ hai và gắn bó lâu dài.
Nhận thức được điều này, chính sách thu hút FDI của Việt Nam cũng cần giảm dần các cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam chỉ vì chi phí lao động rẻ hay các điều khoản hỗ trợ về thuế. Nhìn vào việc Trung Quốc khi bị cuốn vào cuộc thương chiến với Mỹ, dẫn đến các doanh nghiệp FDI tại nước này trong những năm qua đã chuyển dịch cơ sở sản xuất sang các nước khác, những khu công nghiệp từng một thời sôi động và nhộn nhịp giờ trở nên hoang vắng, đó là một bài học cảnh tỉnh cho các quốc gia.
Đầu tư nội địa, nâng cao chuỗi giá trị và đa dạng hóa
Các chính sách cải thiện môi trường đầu tư và hạ tầng kinh tế cần tiếp tục thực hiện xuyên suốt, vì đây luôn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công và cải thiện hiệu quả đầu tư, các cơ sở hạ tầng như giao thông, viễn thông, logistics được nâng cấp rõ ràng cũng sẽ hỗ trợ quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước thuận tiện hơn. Cùng với đó, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư minh bạch, không chỉ khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp nội địa mà còn giúp giữ chân các doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, thay vì chấp nhận phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng, khi chỉ gia công, lắp ráp cho các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung vào phát triển các chuỗi giá trị nội địa, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, giúp tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm trong nước. Song song đó, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa để tăng hiệu suất và chất lượng sản phẩm.
Cuối cùng, đa dạng hóa cơ cấu kinh tế luôn là điều cần thiết, nhằm đảm bảo an ninh kinh tế cũng chính là an ninh quốc gia, giữ tinh thần tự chủ và độc lập. Theo đó, phải phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghệ cao, dịch vụ và nông nghiệp hiện đại, cũng như đẩy mạnh lĩnh vực du lịch và y tế để thu hút khách quốc tế, giúp giảm sự lệ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu truyền thống, cũng như vào bất kỳ đối tác thương mại nào.
Với chính sách thuế mạnh tay gần đây của Mỹ, một số quốc gia tiến hành trả đũa, một số quốc gia tìm kiếm thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, một số quốc gia lại đang kêu gọi thành lập các liên minh thương mại mới để giảm sự lệ thuộc vào thị trường Mỹ. Với Việt Nam, vốn đã tham gia rất nhiều FTA, có lẽ không cần phải tìm kiếm thêm một liên minh mới, thay vào đó giờ là lúc rà soát lại các FTA hiện có để tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa thị trường, cũng như mở rộng hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực và quốc tế, không chỉ dựa vào xuất khẩu mà còn phát triển các dịch vụ tài chính, du lịch và công nghệ.