(KTSG Online) – Đề án nuôi thủy sản trên biển được kỳ vọng sẽ giúp phát triển ngành này đạt những điều kiện về sản xuất quy mô lớn và hiệu quả, từ đó nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư ven biển. Tuy nhiên, qua câu chuyện Trung Quốc – quốc gia chiếm 98-99% thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam – ngưng nhập khẩu tôm hùm bông sau khi sửa luật về bảo vệ động vật hoang dã, đã đặt ra những yêu cầu về điều chỉnh, hoàn thiện quy chuẩn để giúp nghề nuôi biển phát triển bền vững.
Mục tiêu của đề án là đầu tư phát triển nghề nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành thủy sản, trong đó, lấy doanh nghiệp là nòng cốt để đầu tư phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp ở vùng biển xa…
Bền vững không chỉ đến từ sản lượng nuôi
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt sản lượng nuôi 850.000 tấn, trong đó, nuôi gần bờ có sản lượng đạt 750.000 tấn (cá biển 60.000 tấn, tôm hùm 3.000 tấn, giáp xác khác 57.000 tấn, nhuyễn thể 460.000 tấn và rong tảo biển 170.000 tấn- PV), nuôi xa bờ đạt 100.000 tấn (cá biển đạt 60.000 tấn, giáp xác khác 10.000 tấn, nhuyễn thể 20.000 tấn và rong tảo biển là 10.000 tấn - PV). Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 0,8-1 tỉ đô la Mỹ.
Đến năm 2030, sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn, trong đó, nuôi gần bờ đạt 1,11 triệu tấn và phần còn lại là nuôi xa bờ; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2 tỉ đô la Mỹ.
Căn cứ mục tiêu sản lượng như nêu trên, tại hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi biển” được tổ chức mới đây theo hình thức trực tuyến, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam đạt sản lượng sớm hơn so với mục tiêu đề ra.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 đạt 850.000 tấn, trong khi năm 2022 Việt Nam đạt 740.000 tấn. “Năm nay (2023), chúng ta sẽ về đích của mục tiêu 2025”, ông Tiến nói và cho rằng, tốc độ tăng trưởng sản lượng của Việt Nam rất lớn, thậm chí có năm tăng 23-24%.
Theo ông, việc phát triển nghề nuôi biển cũng là biện pháp để giảm cường lực khai thác hải sản ngoài tự nhiên quá mức như hiện nay. “Điều tra của Viện hải sản cho thấy chúng ta có 3,9 triệu tấn, chưa kể di cư nước sâu, nhưng khai thác 3,92 triệu tấn, tức cường lực khai thác quá lớn”, ông dẫn chứng.
Cũng theo ông Tiến, thời gian qua số lượng tàu khai thác của Việt Nam đã giảm từ trên 91.000 xuống còn 86.820 tàu và gần đây nhất còn 79.000 tàu. “Việc giảm số lượng tàu khai thác, thì phải chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi biển là một biện pháp”, ông cho biết.
Riêng đối với tôm hùm, đề án đặt mục tiêu đạt 3.000 tấn vào năm 2025, trong khi năm 2022 thu hoạch đạt khoảng 3.000 tấn và năm 2023 đạt 4.000 tấn, tức đã vượt qua mục tiêu đến năm 2025.
Còn về kim ngạch xuất khẩu, hiện việc thống kê của cơ quan chức năng chưa thấy phân biệt giữa chủng loại nuôi với chủng loại khai thác, cho nên, chưa thể đánh giá kết quả thực tế so với mục tiêu của đề án.
Tuy nhiên, thống kê chung của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hải sản Việt nam đạt 3,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, cá ngừ đạt 772 triệu đô la Mỹ, giảm 19%; mực và bạch tuộc đạt 601 triệu đô la Mỹ, giảm 14%; cua ghẹ và giáp xác khác đạt 187 triệu đô la Mỹ, giảm 10%; nhuyễn thể có vỏ đạt 116 triệu đô la Mỹ, giảm 14%; nhuyễn thể khác đạt 6 triệu đô la Mỹ, giảm 4% và cá biển khác đạt 1,7 tỉ đô la Mỹ, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn riêng với tôm hùm - loại sản phẩm chủ yếu được nuôi ở các tỉnh miền Trung, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng giống thức ăn thuộc Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn số liệu của VASEP cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu đạt 130 triệu đô la Mỹ, trong đó, có khoảng 98% được xuất khẩu vào Trung Quốc.
Yếu kém bộc lộ khi thị trường nhập khẩu thay đổi quy định
Dù đạt được kết quả ấn tượng trong phát triển sản lượng của nghề nuôi biển, nhưng khi xét ở khía cạnh tuân thủ các quy định liên quan đến nuôi, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu…, vẫn còn nhiều tồn tại, dù quy định đã có.
Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, các quy định trong toàn chuỗi của hoạt động từ nuôi đến thu hoạch, thu gom, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ với sản phẩm thuỷ sản nói chung và sản phẩm nuôi biển nói riêng đều thể hiện rõ ràng. “Ví dụ, đối với nuôi phải quản lý chất lượng giống, nước, tác nhân ô nhiễm, thức ăn, hoá chất kháng sinh truy xuất nguồn gốc”, ông dẫn chứng.
Hoặc đối với thu hoạch và vận chuyển, cũng có quy định rõ ràng về phương pháp thu hoạch, phương tiện vận chuyển, dụng cụ tiếp xúc môi trường… Bởi lẽ, những yếu tố này đều có tác động đến vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm. “Đây là những thông tin, yếu tố dẫn đến kết quả truy xuất nguồn gốc”, ông Bá Anh nói.
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, theo ông Bá Anh, cơ sở bao gói đối với thuỷ sản sống xuất khẩu sang quốc gia này như: cua, tôm hùm…, đều phải đăng ký cơ sở bao gói và được phía Trung Quốc chấp nhận vào danh sách mới được phép xuất khẩu.
Nhìn chung, quy định đã rõ ràng và đầy đủ, nhưng việc tuân thủ vẫn chưa đầy đủ, nhất là khi Trung Quốc ban hành quy định mới trong nhập khẩu tôm hùm bông từ Việt Nam thì càng bộc lộ rõ hơn.
Ông Tiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ tháng 5-2023, phía Trung Quốc đã có thông báo yêu cầu tôm hùm bông Việt Nam muốn xuất khẩu vào quốc gia này phải chứng minh được xuất xứ là sản phẩm nuôi, chứ không phải khai thác tự nhiên. Đây là quy định mới nhằm bảo vệ loài nguy cấp được quy định tại Luật bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc.
Theo ông, sau khi Trung Quốc đưa ra yêu cầu như nêu trên đã khiến xuất khẩu tôm hùm bông của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. “Đây là khó khăn, thách thức chúng tôi tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới”, ông nói.
Trong khi đó, ông Bá Anh cho biết, tôm hùm bông của Việt Nam muốn xuất khẩu vào Trung Quốc phải được xác định là không đánh bắt trực tiếp và phải chứng minh trải qua quá trình nuôi. Còn nhà nhập khẩu Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép từ Cục ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc) về nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã.
Từ vấn đề nêu trên, ông Bá Anh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan thống kê cơ sở, sản lượng đăng ký nuôi tôm hùm bông, đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục hải quan Trung Quốc.
Qua sự việc ở trên, có thể thấy phát triển nuôi biển của Việt Nam nói chung và nuôi tôm hùm bông nói riêng vẫn chưa bài bản để có thể truy xuất và chứng minh nguồn gốc được ngay với phía Trung Quốc sau khi quốc gia này có quy định mới.
Ông Khôi thừa nhận, việc tổ chức chức sản tôm hùm chủ yếu tự phát với quy mô nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ. “Phú Yên có làm chương trình về kiểm soát hệ thống lồng, nhưng rất khó khăn, không quản được”, ông dẫn chứng.
Theo ông, hiện nay đang thiếu quy hoạch để sắp xếp lại vùng nuôi; quản lý cấp phép nuôi tôm hùm bằng lồng thì theo Luật thuỷ sản cũng gặp khó khăn.
Ông Võ Văn Thái, Giám đốc hợp tác xã thuỷ sản du lịch Vân Phong thừa nhận, do không có giấy tờ truy xuất nguồn gốc nên 32 xã viên của hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ. “Thực chất mình nuôi tôm hùm và mong bán được để trả tiền nguyên liệu đầu vào, nhưng không bán được nên bà con xã viên rất điêu đứng”, ông nói.
Để giúp nghề nuôi biển chủ động phát triển, ông Bá Anh gợi ý, chính sách nuôi biển phải có định hướng đáp ứng các yêu cầu thị trường tiêu thụ. “Nhìn tổng quan các yêu cầu thị trường để định hướng nuôi và xử lý các sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường”, ông nói.
Ngoài ra, ông yêu cầu các địa phương phải có kế hoạch quy hoạch nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong đó, đối với tình huống khó khăn trước mắt của tôm hùm bông, thì cần cơ cấu lại đối tượng nuôi phù hợp hơn theo quy định thị trường. “Ví dụ, hiện nay tôm hùm xanh không có yêu cầu bắt buộc như tôm hùm bông, thì có thể chuyển đổi từ nuôi tôm hùm bông sang tôm hùm xanh”, ông gợi ý.
Trong khi đó, ông Khôi yêu cầu, bên cạnh hoàn thiện văn bản pháp luật, thì cần xây dựng quy chuẩn Việt Nam để thống nhất giải pháp và nội dung thực hiện về giống, thức ăn; kiểm tra đánh giá đủ điều kiện cơ sở sản xuất giống và thức ăn thuỷ sản; thực hiện liên kết chuỗi sản xuất trong nuôi biển…