Thứ Tư, 24/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Từ cựu binh tham chiến ở Việt Nam đến đạo diễn hàng đầu Hollywood

 Nữ Lâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, đạo diễn Oliver Stone xuất bản cuốn sách mới nhất của mình Chasing the Light (Đuổi theo ánh sáng) tại Mỹ vào năm 2020.

Cuốn hồi ký này kể lại thời thơ ấu của vị đạo diễn tài danh cũng như hành trình từ một cựu binh trở thành đạo diễn thành công bậc nhất của điện ảnh thế giới. Đuổi theo ánh sáng của niềm tin và sự hy vọng cũng chính là thứ mà Oliver Stone gần như đã làm suốt cuộc đời mình.

Với những tín đồ điện ảnh, cuốn sách Chasing the Light trong hình hài tiếng Việt qua bản dịch Đuổi theo ánh sáng: Platoon, Midnight Express, Scarface, Salvador và cuộc sinh tồn trong thế giới điện ảnh do Phương Nam Book và NXB Thế Giới phát hành năm 2024 này là nguồn tư liệu quý giá giúp hé mở quá trình làm các bộ phim Platoon, Midnight Express, Scarface… Trong đó, Platoon (Trung đội) được xem là một trong những phim hay nhất thuộc đề tài chiến tranh.

Gọi là “cuộc sinh tồn trong thế giới điện ảnh” vì quá trình làm phim Oliver Stone kể trong sách vô cùng gian nan. Điều này cũng xuất phát từ cá tính của ông. Vị đạo diễn này không ngại làm phim về những vấn đề có thể gây chia rẽ dư luận. Các phim của ông thường trình hiện trước công chúng những hiện thực trần trụi của đời sống – nơi ông đã trải qua và bị nhấn chìm xuống đáy. Vậy mà ông đã “sống sót” trong một ngành có tiếng chịu sự đào thải cao như điện ảnh.

Đối với chàng Oliver trẻ tuổi thật không dễ dàng gì. Ở tuổi 22, chàng Oliver lao mình vào cuộc chiến mà bản thân không hiểu rõ bản chất của nó. Hơn một năm trời (từ tháng 4-1967 đến tháng 11-1968) ở tại Việt Nam đã cho Oliver hiểu thế nào là chiến tranh, cái phi lý của xã hội hiện đại. Một thế giới bị tha hóa mà chính Oliver Stone đã khẳng định: “Chiến tranh ở đó là một trong nhiều biển hiện của dối trá”(tr.133). Nơi mà thế hệ Oliver Stone bị đánh lừa để dự phần vào cuộc khủng hoảng của thời đại. Kết cục thất bại là tất yếu vì toàn bộ cỗ máy được vận hành và chạy bằng thứ nhiên liệu mang tên “dối trá”. “Sự dối trá trong văn hóa của chúng ta là gốc rễ của sự thất bại”(tr.141).

Trải nghiệm cay đắng này được Stone đem vào các bộ phim sau này làm nên tên tuổi ông như Platoon và Born on the Fourth of July. Những tác phẩm đã giúp ông giành chỗ đứng trong ngành điện ảnh.

Dù vậy, sau khi rời chiến trường Việt Nam, Oliver lúc đó vẫn đang ở tuổi đôi mươi, đối mặt với một tương lai bất định. Trong một khoảng thời gian dài, ông chìm trong nghiện ngập, những kế hoạch viết lách thất bại, cánh cửa điện ảnh còn quá xa vời và ánh sáng cuộc đời dường như lụi tắt. Ông phải trở dậy, đuổi theo ánh sáng đó. Phải, chạy đuổi theo ánh sáng chính là thứ gần như ông đã làm suốt cuộc đời.

Độc giả có thể thấy cuộc đi tìm ánh sáng đó khởi sự từ đầu tác phẩm. Cuốn sách mở ra khung cảnh buổi quay cuối cùng của phim Salvador do Oliver Stone biên kịch và làm đạo diễn. Bộ phim theo chân nhà báo người Mỹ đưa tin về cuộc nội chiến ở El Salvador vào thập niên 1980.

Chỉ có điều, Stone phải thực hiện bộ phim chiến tranh này với kinh phí eo hẹp. Ngòi bút của Stone vẽ ra quá trình làm phim hỗn loạn, những cảnh quay khó khăn, cuối cùng đoàn làm phim phải rời bỏ địa điểm quay ở Mexico trong âm thầm vì không đủ tiền trả lương cho những viên người bản xứ. Dĩ nhiên, sau này họ cũng được trả lương (theo lời Stone là vậy) nhưng thời điểm đó thì không. Vì Stone chỉ còn vài trăm ngàn đô la cho những cảnh quay trên đất Mỹ.

Cái tên Đuổi theo ánh sáng vừa thực tế, vừa ẩn dụ. Suy cho cùng ánh sáng sao mà nắm bắt được. Nhưng không vì thế mà ta thôi nỗ lực, thôi kiếm tìm ánh sáng của cuộc đời dù đã bị đẩy xuống tận đáy sâu tăm tối.

Áp lực đè lên vai ông khi ấy là rất lớn. Ở tuổi 40, ông có cảm giác mình bị Hollywood đào thải. Ông đã có gia tài không ít phim thất bại. Người ta nghi ngờ khả năng đạo diễn của ông. Câu chuyện của ông có lẽ không dành cho khán giả đại chúng… Hàng tá lý do buộc đoàn phim phải vắt kiệt sức, không chỉ tiền bạc mà còn là thời gian. Ông cần ánh sáng tự nhiên cho cảnh quay cuối cùng, vì ông chỉ còn những đồng tiền cuối cùng để chi trả. May thay “vào lúc 7 giờ 42 phút tối, ngay khi ánh sáng biến mất bên dưới núi nhìn ra sa mạc nóng như thiêu như đốt bên ngoài Vegas” (tr.14) Stone cũng hoàn thành cảnh quay.

Doanh thu của Salvador không khả quan lắm, nhưng bù lại được khán giả mộ điệu lẫn giới phê bình đánh giá cao. Có lẽ, điều này đã phần nào giúp Oliver Stone lấy lại tự tin để tiếp tục sự nghiệp điện ảnh.

Cho nên cái tên Đuổi theo ánh sáng vừa thực tế, vừa ẩn dụ. Suy cho cùng ánh sáng sao mà nắm bắt được. Nhưng không vì thế mà ta thôi nỗ lực, thôi kiếm tìm ánh sáng của cuộc đời dù đã bị đẩy xuống tận đáy sâu tăm tối.

Cuộc đời Oliver Stone chính là minh chứng rõ ràng nhất cho cuộc truy tìm ánh sáng đó. Ông là đứa trẻ sinh ra từ kết tinh tình yêu của một thiếu nữ người Pháp với một quân nhân người Mỹ. Chuyện tình mà Oliver dí dỏm ví von chẳng khác gì với Scarlett O’Hara và Rhett Butler trong phim Cuốn theo chiều gió. Và cũng giống như số phận của đôi vợ chồng kinh điển của màn ảnh này, song thân của Oliver Stone đã kết thúc cuộc hôn nhân của mình bằng một vụ ly dị.

Đời ông tựa bộ phim mà không cần nêm nếm quá nhiều gia vị. Qua từng chặng đời, Oliver Stone lần lượt thử thách giới hạn của mình. Từ đứa trẻ trưởng thành trong gia đình đổ vỡ đến quân nhân và lên đến tột đỉnh vinh quang tại kinh đô điện ảnh với những giải Oscar danh giá trong tay.

Hồi ký Chasing the Light của vị đạo diễn sinh năm 1946 này đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. Diễn viên kỳ cựu Anthony Hopkins, người sở hữu hai giải Oscar Nam chính xuất sắc nhất, đã dành những lời khen ngợi cho cuốn hồi ký của Oliver Stone. Hopkins từng tham gia phim Nixon của Stone vào năm 1995. Vai diễn Tổng thống Nixon đã giúp Hopkins nhận một đề cử Oscar.

Anthony Hopkins nhận xét: “Oliver Stone là một kẻ khiêu khích phi thường giữa kinh đô điện ảnh Hollywood. Quyển hồi ký đã cho thấy đời sống nội tâm thu hút và nguồn năng lượng mạnh mẽ đến mức ngấu nghiến nhưng đầy tính thiên tài của Stone. Chính điều này đã đưa ông trở thành một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất thế giới. Đánh rắn động cỏ. Ông ta gây ra sự phẫn nộ. Thậm chí khuấy động sự tranh cãi. Chẳng thèm ở yên trong vòng an toàn. Oliver Stone là cá biệt. Đuổi theo ánh sáng đã nói lên tất cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới