Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tự doanh chứng khoán và kiểm soát xung đột lợi ích

Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sau hàng loạt tiêu cực trên thị trường chứng khoán bị phanh phui, nhà đầu tư tiếp tục đặt ra những hoài nghi về tính minh bạch, công bằng trong hoạt động của các công ty chứng khoán (CTCK).

Thông điệp của Bộ Tài chính

Lắng nghe và đáp lời, Bộ Tài chính vừa phát ra một thông cáo với ba nội dung chính: (i) cho phép CTCK thực hiện hoạt động tự doanh là hợp thông lệ quốc tế và hợp pháp; (ii) pháp luật hiện hành đã có cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích; (iii) hoạt động giám sát, xử lý vi phạm đã và đang được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Nội dung của thông cáo một mặt cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, mặt khác cũng cho thấy thông điệp rõ nét của cơ quan quản lý thị trường trong việc chủ động lắng nghe dư luận và quyết liệt với mục tiêu hướng tới một thị trường minh bạch, công bằng.

Sự tách bạch trong các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các hoạt động có tính đan xen về lợi ích như môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư và cho vay ký quỹ, là nền tảng quan trọng cho việc kiểm soát xung đột lợi ích.

Giống như Bộ Tài chính đã khẳng định, mô hình CTCK được thực hiện cùng lúc nhiều hoạt động kinh doanh hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tiễn các nước cũng cho thấy, hiện tượng xung đột lợi ích giữa các CTCK và khách hàng diễn ra khá phổ biến.

Tuy nhiên, thay vì cấm đoán cực đoan thì các nước tìm cách quản lý để kiểm soát xung đột lợi ích. Vì suy cho cùng, CTCK là một mắt xích quan trọng trên thị trường và tất cả hoạt động mà các CTCK thực hiện đều có tác động cộng hưởng cho vai trò của CTCK đối với thị trường.

Qua khảo cứu kinh nghiệm quốc tế, tác giả bài viết nhận thấy có ba điểm quan trọng trong cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích, bao gồm: (i) khung pháp lý; (ii) minh bạch thông tin; (iii) vai trò của hiệp hội nghề nghiệp và quy chuẩn đạo đức.

Khung pháp lý

Ba yếu tố cần quan tâm khi xây dựng các quy định nhằm hạn chế những xung đột lợi ích trong hoạt động tự doanh của CTCK, đó là (i) sự tách bạch giữa các nghiệp vụ kinh doanh; (ii) ưu tiên khách hàng; (iii) vai trò bình ổn thị trường.

Hiện các quy định về giao dịch nội gián chưa điều chỉnh đến hành vi mua bán cổ phiếu của các CTCK. Lẽ ra, các CTCK cũng cần được xem là người nội bộ tại các công ty đại chúng mà CTCK có mối quan hệ hoặc bằng cách nào đó CTCK có thể tiếp cận được thông tin nội bộ.

Khung pháp lý hiện hành của ta đều có quy định đề cập đến ba vấn đề này. Luật Chứng khoán năm 2019 (điều 89) và Thông tư 121/2020/TT-BTC (điều 4, 13, 22) đã có những quy định liên quan đến việc ưu tiên khách hàng cũng như sự tách bạch trong các hoạt động kinh doanh của CTCK.

Điển hình như quy định CTCK phải ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước lệnh của mình, trong trường hợp lệnh mua, bán chứng khoán của khách hàng có thể ảnh hưởng lớn tới giá của loại chứng khoán đó, CTCK không được mua, bán trước cùng loại chứng khoán đó cho chính mình hoặc tiết lộ thông tin cho bên thứ ba mua, bán chứng khoán đó.

Sự tách bạch trong các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các hoạt động có tính đan xen về lợi ích như môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư và cho vay ký quỹ, là nền tảng quan trọng cho việc kiểm soát xung đột lợi ích.

Theo đó, CTCK phải đảm bảo tách biệt về văn phòng làm việc, nhân sự, hệ thống dữ liệu, báo cáo giữa các bộ phận nghiệp vụ. Điều này được thể hiện khá rõ ràng trong quy định tại điều 45 Thông tư 210/2012/TT-BCT. Đáng tiếc là quy định này đã hết hiệu lực nhưng lại không được kế thừa khi ban hành Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Người viết cho rằng đây là một bước lùi và cũng vì vậy mà trở thành một điểm khiếm khuyết trong khung pháp lý hiện hành.

Một khía cạnh khác của hoạt động tự doanh là gắn với vai trò tạo lập thị trường của CTCK. Đây được xem là một trong những lý do ủng hộ việc cho phép các CTCK được quyền thực hiện hoạt động tự doanh song song với các hoạt động khác. Bởi lẽ, bên cạnh việc tối đa hóa lợi nhuận, hoạt động tự doanh nên gắn với “sứ mệnh” đóng góp vào sự bình ổn của thị trường.

Tại một số quốc gia, CTCK phải dành một tỷ lệ nhất định các giao dịch mua-bán trong hoạt động tự doanh để tiến hành mua-bán chứng khoán khi thị trường có những biến động mạnh, đột ngột. Yêu cầu bắt buộc này được quy định rõ trong luật hoặc thông qua các quy tắc đạo đức do hiệp hội nghề nghiệp ban hành.

Tại Việt Nam, hoạt động tạo lập thị trường cũng đã được điều chỉnh bởi điều 12 Thông tư 120/2020/TT-BTC và các văn bản điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên, thiếu các quy định ràng buộc nghĩa vụ bình ổn thị trường gắn với hoạt động tự doanh chứng khoán của các CTCK.

Minh bạch thông tin

Minh bạch thông tin đang là một vấn đề gây nên nhiều bức xúc đối với nhà đầu tư, nhất là liên quan tới hoạt động của CTCK. Có bốn vấn đề đang tồn tại ảnh hưởng đến tính minh bạch của thông tin.

Suy cho cùng, các quy định pháp luật hay quy chuẩn đạo đức chỉ là thể xác, tính nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm và hiệu quả trong hoạt động giám sát mới thật sự là linh hồn.

Một, CTCK có thể thực hiện hỗn hợp nhiều vai trò khác nhau nên cũng có nhiều ưu thế trong việc tiếp cận các luồng thông tin trên thị trường, chủ yếu đến từ mối quan hệ với các công ty đại chúng. Thực tế cho thấy, các CTCK thường có nhiều thông tin hơn hoặc biết sớm hơn so với thị trường. Nếu những thông tin này được sử dụng để phục vụ cho hoạt động tự doanh thì rõ ràng thiếu sự công bằng.

Mặc dù vậy, các quy định về giao dịch nội gián lại chưa điều chỉnh đến hành vi mua bán cổ phiếu của các CTCK. Lẽ ra, các CTCK cũng cần được xem là người nội bộ tại các công ty đại chúng mà CTCK có mối quan hệ hoặc bằng cách nào đó CTCK có thể tiếp cận được thông tin nội bộ.

Hai, thông tin khuyến nghị mua-bán được phát hành bởi các CTCK là một trong những luồng thông tin quan trọng có giá trị tham chiếu cho quyết định đầu tư của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại việc kiểm soát hoạt động này dường như khá sơ sài. Không thể loại trừ việc tồn tại trường hợp CTCK đưa ra khuyến nghị thiếu tính khách quan đối với những cổ phiếu mà CTCK đang thực hiện bảo lãnh phát hành, thậm chí nằm trong danh mục đầu tư của chính CTCK đó.

Người viết cho rằng, cần bổ sung quy định về giới hạn phạm vi khuyến nghị đầu tư của các CTCK. Theo đó, CTCK và nhân viên của CTCK không được đưa ra các khuyến nghị liên quan đến cổ phiếu nằm trong danh mục tự doanh của chính CTCK đó hay với cổ phiếu mà CTCK đó có thông tin nội bộ.

Ba, CTCK cần phải có nghĩa vụ công bố cho khách hàng biết trước về những xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa CTCK, người hành nghề chứng khoán và khách hàng. Quy định này từng được xem là một trong những nguyên tắc hoạt động của CTCK tại Thông tư 210 nhưng hiện tại không được kế thừa bởi khung pháp lý mới.

Bốn, thông tin giao dịch tự doanh là một loại thông tin quan trọng trên thị trường, vừa giúp nhà đầu tư cá nhân nhận biết xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, vừa là kênh thông tin phục vụ cho việc giám sát tính minh bạch của cộng đồng nhà đầu tư đối với các CTCK. Thế nhưng, hiện nay thông tin này lại không thuộc nội dung công bố thông tin về giao dịch chứng khoán của sở giao dịch chứng khoán.

Đạo đức và vai trò của hiệp hội nghề nghiệp

Trên bình diện chung của thế giới, vai trò của hiệp hội nghề nghiệp rất được xem trọng, đặc biệt là trong hoạt động giám sát việc tuân thủ các quy chuẩn đạo đức của những người hành nghề chứng khoán.

Suy cho cùng, pháp luật chỉ là đạo đức tối thiểu, đạo đức mới là pháp luật tối đa. Vì vậy, các quy định pháp luật dường như không bao giờ là đủ để đảm bảo tính trung thực, liêm chính của những người hành nghề chứng khoán. Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp là mảnh ghép hoàn chỉnh góp phần tăng tính tử tế trong hoạt động kinh doanh chứng khoán của các CTCK.

Ở hầu hết các nước có thị trường chứng khoán phát triển, việc trở thành thành viên của hiệp hội là một trong những điều kiện để trở thành thành viên của sở giao dịch chứng khoán. Và việc tuân thủ bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp là một điều kiện quan trọng để duy trì hiệu lực của giấy phép hành nghề. Do đó, việc tuân thủ bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp là điều bắt buộc dưới sự giám sát của hiệp hội nghề nghiệp.

Tại Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (hiệp hội) đã được thành lập từ năm 2003. Mặc dù có rất nhiều nỗ lực nhưng vai trò của tổ chức này còn khá khiêm tốn. Một phần lý do không nhỏ là vì trong một thời gian dài vai trò của hiệp hội không được ghi nhận tại Luật Chứng khoán. Mãi đến năm 2019, Luật Chứng khoán năm 2019 mới dành một điều để đề cập đến vị trí pháp lý của hiệp hội.

Bên cạnh đó, các quy định hiện hành vẫn chưa có sự ràng buộc nghĩa vụ pháp lý của các CTCK, người hành nghề chứng khoán trong việc tuân thủ Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp ngành chứng khoán. Cho nên, trách nhiệm pháp lý đối với việc vi phạm quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp cũng mơ hồ. Điều này dẫn đến chất lượng của đội ngũ nhân sự hành nghề còn trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, vi phạm ở công ty này thì chuyển sang công ty khác để làm.

Năm 2020, dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và dự án VIE/032 của Chính phủ Luxembourg, hiệp hội cũng đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp ngành chứng khoán mới, chi tiết và rất tiến bộ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tác giả, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chưa có văn bản chấp nhận chính thức đối với bộ quy tắc này.

Cũng như Bộ Tài chính đã công bố, khung pháp lý và cơ chế giám sát ở ta đã hình thành. Vấn đề bây giờ là tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện và kiên định trong mục tiêu lành mạnh hóa thị trường. Suy cho cùng, các quy định pháp luật hay quy chuẩn đạo đức chỉ là thể xác, tính nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm và hiệu quả trong hoạt động giám sát mới thật sự là linh hồn.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới