Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Từ khủng hoảng Covid, nghĩ đến vấn đề niềm tin vào khoa học!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ khủng hoảng Covid, nghĩ đến vấn đề niềm tin vào khoa học!

Thiên Kim

(KTSG) - Thuyết tiến hóa của Darwin, biến đổi khí hậu, hay lợi ích của vaccin, đó là những ví dụ sinh động khi chúng ta nói về vấn đề thiếu niềm tin vào khoa học. Trong khi trong cộng đồng khoa học, đa số đều đồng tình với các kết quả nghiên cứu chính thức đưa ra, thì trong người dân vẫn có một số lượng lớn cá nhân nghi ngờ và phản đối các kết quả này.

Từ khủng hoảng Covid, nghĩ đến vấn đề niềm tin vào khoa học!
Chỉ cần có một lời đồn về chất lượng thuốc, hay về tác dụng phụ (như vaccin là nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ chẳng hạn), thì người dân sẽ trở nên đặc biệt e ngại khi dùng thuốc, cho dù những khoản tiền khổng lồ được đổ ra, đội ngũ đông đảo các nhà khoa học được huy động để nghiên cứu và tìm ra nó.

Tất nhiên, nghi ngờ luôn là một điều cần thiết. Thậm chí, nó là một phẩm chất cần phải có khi làm nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, tiếp tục nghi ngờ những kết luận đã có cơ sở khoa học vững chắc, thì hẳn đó là một dấu hiệu không mấy lạc quan cho cộng đồng khoa học.

Đặc biệt, hiện nay, thiếu niềm tin vào khoa học luôn đi cùng với các thuyết âm mưu, đang ngày càng phổ biến hơn cùng với sự phát triển của các mạng xã hội. Chỉ cần có một lời đồn về chất lượng thuốc, hay về tác dụng phụ (như vaccin là nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ chẳng hạn), thì người dân sẽ trở nên đặc biệt e ngại khi dùng thuốc, cho dù những khoản tiền khổng lồ được đổ ra, đội ngũ đông đảo các nhà khoa học được huy động để nghiên cứu và tìm ra nó.

Gần đây nhất, trước sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, cách giải thích cũng như cách xử lý thiếu thống nhất của các cơ quan y tế quốc tế, lại càng làm dấy lên sự nghi ngại và nghi ngờ ở người dân vào khoa học. Một điều tra của Pháp năm 2020 cho thấy trong đại dịch Covid-19, người Pháp ngày càng mất niềm tin vào khoa học.

Một điều chúng ta có thể chắc chắn là, tin vội vàng vào những nguồn thông tin không kiểm chứng, hay máy móc dán nhãn “tin giả”, đều không mang lại kết quả tích cực.

Liệu khoa học có đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin và uy tín? Đối với nhiều người, không còn nghi ngờ gì nữa. Hiện tượng này đang là chủ đề nghiên cứu thu hút được sự chú ý đông đảo.

Naomi Oreskes, Giáo sư lịch sử khoa học của Đại học Harvard (Mỹ), đã viết trong quyển sách “Why trust science” (2019) rằng khi người ta càng không hiểu rõ hoạt động nghiên cứu khoa học, thì người ta lại càng dễ nghi ngờ vào kết quả nghiên cứu. Không khó có thể nhận ra hiện nay, chúng ta đang ở một giai đoạn “dân chủ hóa bằng chứng khoa học”, tức là hầu như bất cứ ai cũng có thể lên tiếng đánh giá về nghiên cứu, về phát hiện khoa học.

Vấn đề là không phải ai cũng thực sự muốn tìm ra sự thật, hay muốn hiểu rõ hơn khoa học, không thiếu người đưa ra ý kiến đánh giá một vấn đề khoa học chỉ với mục đích khẳng định thêm định kiến, hay suy nghĩ, quan điểm đã có sẵn của bản thân. Một thực tế là nhiều khi một kết quả nghiên cứu bị phản đối vì không phù hợp với quan điểm xã hội, chính trị, chứ không hẳn là vì có những cơ sở khoa học cụ thể và khách quan.

Trong khi đó, hoạt động khoa học nghiêm túc phải trải qua hàng loạt các bước kiểm tra, giám sát và đánh giá nghiêm ngặt, với đội ngũ các nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản. Vì thế, theo bà Naomi Oreskes, một khi đã có một sự đồng thuận trong khoa học đối với những kết quả đưa ra, thì rất nên tin vào các kết quả đó. Tất nhiên, không loại trừ khả năng có sự nhầm lẫn trong nghiên cứu, nhưng bản thân chúng ta sẽ có khả năng mất nhiều hơn là được khi không tin vào kết quả nghiên cứu khoa học.

Ở một góc nhìn khác, không phải là hoàn toàn vô lý khi càng ngày càng có nhiều người mất niềm tin vào khoa học. Sự tác động của chính trị, của các tập đoàn đa quốc gia tới sự khách quan của khoa học là một thực tế. Piotr Wasylczyk, một nhà vật lý học gốc Ba Lan giảng dạy ở University College London (Anh) cho rằng thời hoàng kim của khoa học với những phát hiện và sáng chế thay đổi hoàn toàn cuộc sống đang dần đi qua.

Từ năm 1980 trở lại đây, không có loại kháng sinh nào mới được tạo ra, và các công ty dược cũng không muốn đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực này. Một khi siêu kháng sinh được tìm ra, thì các chính phủ cũng chưa chắc cho phép đưa ra thị trường, vì đây sẽ là “vũ khí” cần giữ lại để sử dụng trong cơ hội cuối cùng. Ông Piotr Wasylczyk cũng cho rằng chế độ dinh dưỡng là một trong những lĩnh vực mà khoa học bị coi là thất bại nhất.

Thực tế là số lượng người bệnh béo phì đang tăng cao ở mọi quốc gia, và những hướng dẫn, khuyến nghị chính thức về chế độ dinh dưỡng không hẳn dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Cộng thêm vào đó là hiện tượng “lobby” khoa học của các công ty thực phẩm hàng đầu nhằm tác động tới hành vi tiêu dùng của người dân, càng làm cho nhiều người nghi ngờ về sự khách quan của các nhà khoa học.

Trong khủng hoảng Covid-19, một trong những điều làm mọi người khó có thể quên chính là vụ xì căng đan của tờ Lancet, một tờ báo khoa học uy tín hàng đầu thế giới, vì đăng tải một nghiên cứu dựa trên những số liệu không đáng tin. Tờ này về sau đã phải rút lại bài nghiên cứu nói trên, nhưng cũng đã mất đi ít nhiều uy tín. Không hiếm người, vì thế, càng bi quan về tương lai của khoa học.

Điều đáng nói là hiện nay, hợp tác và chia sẻ kiến thức là điều không thể thiếu trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong xã hội hiện đại và phát triển ngày càng phức tạp hơn, tri thức của người này sẽ phụ thuộc vào kiến thức của người kia. Các nhà khoa học, để làm việc hiệu quả, càng cần phải chia sẻ kết quả nghiên cứu, phải hợp tác với nhau.

Matthew Hutson, một nhà khoa học người Mỹ, có viết trên tờ MIT Technology Review rằng từ năm 1990-2020, số lượng trung bình đồng tác giả của một nghiên cứu khoa học đã tăng từ 3,2 lên 5,6. Năm 2015, một nghiên cứu về hạt Higgs đã đạt kỷ lục là hơn... 5.000 đồng tác giả. Rõ ràng là, ở mức độ cá nhân, khó ai có thể có đủ năng lực và thời gian để tự chứng minh ý tưởng của bản thân, mà không dựa vào nghiên cứu của người khác. Niềm tin, vì thế, càng quan trọng trong nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, cả cộng đồng khoa học, và xã hội đều phải đi tìm giải pháp cho vấn đề khủng hoảng niềm tin này. Giáo dục phương pháp tư duy khoa học cho trẻ từ nhỏ, khuyến khích trao đổi cởi mở, minh bạch giữa người dân, chính quyền và cộng đồng khoa học, nâng cao kiến thức khoa học thường thức cho người dân, nâng cao yêu cầu nghiên cứu khoa học... đang được nhiều quốc gia tiên tiến ưu tiên phát triển. Một điều chúng ta có thể chắc chắn là, tin vội vàng vào những nguồn thông tin không kiểm chứng, hay máy móc dán nhãn “tin giả”, đều không mang lại kết quả tích cực. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới