Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Từ kiến nghị của Bệnh viện Chợ Rẫy đến chính sách đãi ngộ với nhân viên y tế

M.Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chiều 25-8, trong buổi làm việc với quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy - một trong những bệnh viện tuyến cuối lớn nhất tại Việt Nam và cũng là một trong những đơn vị đầu ngành phía Nam, đã nêu ra 4 kiến nghị nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc cục bộ, "chảy máu" chất xám.

Những kiến nghị và những đề bài nan giải

Theo báo Tuổi Trẻ, tại buổi làm việc, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đưa ra 4 kiến nghị cần tháo gỡ trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị; liên doanh - liên kết - xã hội hóa trong y tế; hình thức máy đặt - mượn và tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế.

Về các kiến nghị, bà Đào Hồng Lan đặt ra bài toán cho giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: "Tôi xin đặt bài toán cho anh Thức: làm sao vẫn tính đúng - đủ; đảm bảo được cơ cấu mong muốn như đề xuất nhưng chi phí người dân phải chi thêm liệu có cách nào giảm được nữa không?".

Khẳng định đây là "hai mặt của vấn đề", bà Lan cho rằng giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy là người làm công tác thực tiễn lâu năm, cần xem xét có giải pháp nhằm giải quyết hài hòa lợi ích giữa bệnh viện và người bệnh, song song với việc kiến nghị tháo gỡ.

Ông Nguyễn Tri Thức khẳng định kiến nghị tính đúng, tính đủ không có nghĩa là lạm dụng người bệnh để thu thêm chi phí, mà đơn vị chỉ lấy chi phí "vừa đủ" để tồn tại, có tích lũy và phát triển. "Đây hoàn toàn không phải tích lũy theo kiểu lạm thu", ông Thức khẳng định.

Theo ông, giải pháp là tính đúng, tính đủ, tức là phải có giá trần, chứ không thể để y tế công "muốn tính bao nhiêu thì tính". Ông Thức lý giải thêm đối với ngành y, nếu mua thiết bị không đáp ứng nhu cầu điều trị sẽ để lại rất nhiều hệ lụy. Trong khi nếu có được thiết bị tốt khi thực hiện các thủ thuật mang lại hiệu quả rất tốt.

các bệnh viện và cơ sở y tế gặp rất nhiều khó khăn về đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm. Ảnh: DT.

Theo bà Lan, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ tháo gỡ các khó khăn trước mắt, cụ thể là vấn đề mua sắm thuốc và trang thiết bị; sửa Nghị định 54 theo hướng giá mua sắm là thời điểm nào sẽ được hướng dẫn sớm; thanh toán chi phí dịch vụ chẩn đoán trên các máy mượn máy đặt; giải quyết nợ thanh toán tồn đọng liên quan bảo hiểm xã hội...

Ngành y tế cũng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện độ hài lòng của người bệnh, xây dựng những thương hiệu bệnh viện công với điều kiện làm việc và thu nhập không thua kém khối bệnh viện tư để giữ chân y bác sĩ.

Báo Thanh Niên dẫn lời BS Bùi Phú Quang, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ mong muốn của bệnh viện là làm sao phát triển trang thiết bị, vì cần máy móc để phục vụ mọi người, phát triển bệnh viện. Nhưng hiện tại vướng về máy móc rất nhiều, vào cuối năm, các khoa báo cáo trang thiết bị y tế lên nhưng chỉ giải quyết những trường hợp khẩn cấp, còn 80% trang thiết bị các khoa đòi hỏi yêu cầu thì chưa được.

Theo TS.BS Thức, trong 8 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Chợ Rẫy có 77 nhân viên y tế nghỉ việc (dưới 2%), bằng số nghỉ việc năm 2021. Theo quản lý về nhân sự y tế, nghỉ việc dưới 2% là bình thường, từ 2-5% là báo động, và trên 5% là bất thường. Nguyên nhân nghỉ việc đa số là chuyển ra y tế tư nhân, giải quyết việc gia đình và xuất cảnh…

Nói về việc nhân viên y tế nghỉ việc, một số trưởng khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng có sự cạnh tranh giữa y tế công và tư. "Nhưng thật sự anh em vẫn muốn phục vụ Bệnh viện Chợ Rẫy nếu như có điều kiện, có máy móc", một trưởng khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bệnh viện Chợ Rẫy cần tăng cường quan tâm chăm sóc đội ngũ nhân viên y tế, nâng cao môi trường làm việc, phát huy dân chủ để nhân viên y tế cống hiến cống hiến. Công khai minh bạch, công bằng để nhân viên y tế gắn bó vì không chỉ y tế mà 1 số lĩnh vực khác lương cũng thấp. Bên cạnh đó nâng cao thái độ phục vụ người bệnh.

Tạo sự hài hòa tổng thể trong chính sách nhân sự

Vừa qua, số liệu thống kê từ Công đoàn ngành y tế Việt Nam cho thấy tính từ đầu năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Làn sóng nghỉ việc có xu hướng tiếp tục tăng cao tại nhiều địa phương đang gây khó khăn và áp lực rất lớn lên hệ thống y tế công lập.

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân đầu tiên của tình trạng trên đó là thu nhập quá thấp của nhân viên y tế khối công lập. So với các ngành khác, mức lương ngành y tế không cao hơn thậm chí còn thấp hơn. Đặc biệt, sau chủ trương tự chủ tài chính, một số bệnh viện không thể trả lương cao hơn vì doanh thu thấp, nhất là trong mùa dịch.

Trong các hội nghị gần đây, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết hiện ngành y tế của thành phố gặp khó khăn do biến động về nhân lực, tập trung ở các bệnh viện công lập. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có trên 2.000 người nghỉ việc, chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2022, có 891 viên chức nghỉ việc. Đặc biệt, khó khăn nhất là nhân lực điều dưỡng khi bệnh viện nào cũng thiếu hụt và khó tuyển dụng. Cụ thể, theo yêu cầu, một bác sĩ phải có 3 điều dưỡng thế nhưng tỷ lệ hiện nay chỉ từ 1,5-2 điều dưỡng/1 bác sĩ.

Tại Quốc hội, nêu ý kiến về việc giải quyết vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng Bộ Y tế cần phải đánh giá lại xem nguyên nhân từ đâu, do thu nhập thấp hay chế độ làm việc, môi trường làm việc… để có những giải pháp phù hợp.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. Phía Bộ Tài chính cho rằng hiện nay chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Do đó, phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… và là trách nhiệm của Bộ Y tế chỉ đạo.

TTXVN dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho hay đối với những kiến nghị của địa phương, đơn vị, trong thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nghiên cứu tổ chức thực hiện.

Liên quan đến vấn đề nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kiến nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở (như sinh viên ngành sư phạm); đề nghị công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc Covid-19 trong khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Bà đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản; thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Đặc biệt, với các chức danh như bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh do thời gian học tập và thực hành kéo dài hơn so các ngành nghề khác.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thực tế cho thấy, đã từ lâu người dân “thay mặt” nhà nước để “chi hộ” thu nhập cho giới y bác sỹ rất nhiều và rất thường xuyên rồi. Tất nhiên chỉ có một bộ phận nhỏ y bác sỹ trực tiếp điều trị bệnh nhân mới nhận được khoản tiền “ngoài luồng” này. Còn lại những thành phần đa số, số đông y bác sỹ khác thì sao ? Sự bất công rất rõ. Nhưng hiện tượng này luôn tồn tại “một cách có lý”. Bởi lẽ, vai trò nhà nước đã bị lu mờ bởi những chính sách lạc hậu hoặc bất cập với thực tiễn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới