Thứ tư, 6/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Từ mùa du lịch Tết ‘đông nghịt’ nghĩ về việc tạo sức bật cho du lịch phục hồi

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường du lịch Tết Nhâm Dần đã vượt quá sự kỳ vọng của giới kinh doanh du lịch.

Chỉ mới đây thôi, đâu chừng hơn một tháng trước Tết, nhiều nhà điều hành tour chỉ "rón rén" đặt trước một ít dịch vụ vì thị trường vẫn rất yên ắng. Mùa du lịch Tết, mùa làm ăn lớn thứ hai trong năm sẽ như thế nào vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Thế nhưng, thị trường đã thay đổi vào giờ chót. Du khách đông đột ngột vào khoảng 2 tuần trước Tết, sau khi Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành không được đặt ra các yêu cầu phòng, chống dịch cao hơn quy định bộ của Bộ Y tế và Chính phủ. Đặc biệt, là không được cách ly người dân về quê ăn Tết.

Mấy ngày nay, hàng loạt điểm đến như Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Sapa... đông nghịt khách tuy làm giới kinh doanh vui mừng trước sự "bật dậy" mạnh mẽ của thị trường nội địa nhưng cũng có không ít tiếc nuối.

Thực tế, trong dòng khách đổ đến các điểm du lịch trong những ngày qua, có nhiều người chưa có ý định đi du lịch nhưng thấy các biện pháp kiểm tra y tế đã "dễ thở" hơn nên đã quyết định lên đường, không kịp đặt trước dịch vụ như vẫn thường làm trong mùa cao điểm.

Rõ ràng, mức độ sẵn sàng và tự tin để đi du lịch của người dân đã được đẩy lên rất cao sau quyết định tháo gỡ rào cản về các biện pháp quản lý y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đây là điều kiện rất tốt để phục hồi mảng du lịch nội địa. Thế nhưng, nếu những chính sách này được ban hành sớm hơn, ít nhất là một tháng trước Tết thì người dân sẽ đi du lịch nhiều hơn, cơ hội làm ăn của doanh nghiệp lớn hơn.

Thêm vào đó, tình trạng quá tải dịch vụ tại sân bay hay các điểm đến du lịch có thể sẽ được giải tỏa một phần nhờ khách hàng và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, một doanh nhân có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành du lịch, cho rằng, để phục hồi du lịch thì phải có điều kiện cần là có chính sách đúng và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh.

Kế đó là điều kiện đủ, gồm chuyện làm sản phẩm, dịch vụ để tạo nên bộ mặt mới cho du lịch khi đón khách trở lại cùng các chính sách để kích thích sức mua. Làm được các điều kiện cần và đủ thì sẽ tạo nên sức bật cho du lịch.

Từ kinh nghiệm về việc chính sách đúng nhưng đưa ra chậm, không đúng thời điểm có thể phát huy tác dụng khơi thông thị trường nội địa một cách tốt nhất, nhà quản lý nên thay đổi khi tính kế hoạch mở cửa hoàn toàn mảng du lịch quốc tế.

Mấy ngày qua, tuy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất và Thủ tướng Chính phủ cũng vài lần yêu cầu các cơ quan liên quan cố gắng mở cửa trước 30-3, chậm nhất là 30-4 tới nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp thực sự bắt tay vào việc chuẩn bị đón khách.

Để đón khách trở lại thì phải chuẩn bị nhân sự, phải đầu tư tài chính... trong khi đó Chính phủ chưa công bố chính thức, tức chưa có cam kết nên doanh nghiệp chưa dám mạo hiểm đầu tư.

Cùng với đó là mở cửa lại toàn bộ dịch vụ trong nước để cho cuộc sống thực sự trở lại bình thường và nếu tốt hơn nữa thì nên có chính sách "lót ổ", giúp doanh nghiệp có điều kiện nối lại hoạt động sau hai năm đình trệ vì dịch bệnh.

 

2 BÌNH LUẬN

  1. Khách cần được “đi”, cơ sở du lịch cần được “đón” sau hai năm “họ” xa cách nhau. Mong rằng COVID không phá hỏi “cuộc hội ngộ” lần này!

  2. Cuộc đời mỗi người đều có 2 việc lớn, đó là làm và chơi. Chơi thì gắn chặt với du lịch. Làm đôi khi cũng gắn với du lịch (ví dụ dịch vụ MICE). Vì vậy cơ hội phục hồi du lịch không có gì phải lo. Chỉ lo làm sao có sản phẩm du lịch thân thiện tự nhiên, môi trường và văn hóa du lịch xứng đáng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới