(KTSG Online) - Tài xế chở quá tải trên 50% sẽ chịu mức phạt tăng từ 5 - 7 triệu đồng lên 40 - 50 triệu đồng, tước bằng lái 3 - 5 tháng thay vì 1 - 3 tháng như trước đây. Trường hợp này chủ xe là cá nhân chịu mức phạt tăng từ 14 - 16 triệu lên 70 - 75 triệu đồng; chủ xe là tổ chức chịu mức phạt tăng từ 28 - 32 triệu lên 140-150 triệu đồng.
Đây là một trong những điểm mới trong Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
Nghị định 123/2021/NĐ-CP được ban hành để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2022.
Điểm đáng chú ý là các mức phạt về vi phạm giao thông được tăng lên đáng kể.
Theo quy định mới, người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai có mức phạt 400.000-600.000 đồng. Trước đây, mức phạt này là 200.000-300.000 đồng.
Tăng mức phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng lên 1 - 2 triệu đồng đối với người chạy xe máy không có bằng lái, hoặc dùng bằng lái bị tẩy xóa, bằng lái không hợp lệ. Với người lái mô tô trên 175 cm3, mức phạt hành vi này tăng từ 1,2 - 3 triệu đồng lên 2 - 4 triệu đồng.
Với tài xế ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ, mức phạt tăng từ 3 - 5 triệu đồng lên 6 - 8 triệu đồng, tước bằng lái xe 2 - 4 tháng.
Các hành vi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để tài xế xe khác biết khi buộc phải dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, quay đầu xe trên đường cao tốc có mức phạt tăng từ 6 - 8 triệu đồng lên 10 - 12 triệu đồng, tước bằng lái xe 2 - 4 tháng.
Với ô tô quá hạn kiểm định dưới 1 tháng, người lái xe sẽ bị phạt 3 - 5 triệu đồng thay vì 2 - 3 triệu đồng như trước, tước bằng lái xe 1 - 3 tháng. Người lái ô tô có bằng lái hết hạn dưới 3 tháng bị phạt 5 - 7 triệu đồng thay vì 4 - 6 triệu đồng như trước.
Với hành vi đón, trả khách trên cao tốc nghị định tăng mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng lên 10 - 12 triệu đồng, tước bằng lái 2 - 4 tháng. Với hành vi bán biển số xe giả, mức phạt tăng từ 1 - 2 triệu đồng lên 10 - 12 triệu đồng với cá nhân, từ 2 - 4 triệu đồng lên 20 - 24 triệu đồng với tổ chức. Hành vi tổ chức sản xuất, lắp ráp biển số xe trái phép mức phạt tăng từ 3 - 5 triệu đồng lên 30 - 35 triệu đồng với cá nhân, từ 6 - 10 triệu đồng lên 60 - 70 triệu đồng với tổ chức.
Đáng chú ý, tại Nghị định này, hành vi chở quá tải cũng được tăng mức phạt rất cao với tài xế lẫn chủ xe. Chở quá tải trên 10 - 20%, mức phạt tăng gấp đôi, lên 4 - 6 triệu đồng; chở quá tải trên 20 - 50% mức phạt tăng lên đến 15 triệu đồng, tước bằng lái đến 3 tháng.
Tài xế chở quá tải trên 50% mức phạt tăng từ 5 - 7 triệu đồng lên 40 - 50 triệu đồng, tước bằng lái 3 - 5 tháng thay vì 1 - 3 tháng như trước đây. Trường hợp này chủ xe là cá nhân mức phạt tăng từ 14 - 16 lên 70 - 75 triệu đồng, chủ xe là tổ chức mức phạt tăng từ 28 - 32 triệu đồng lên 140-150 triệu đồng.
Người bị phạt ở mức càng cao, khả năng “vận dụng” chính sách càng lớn. Rốt cuộc đường sá vẫn cứ mãi hư hỏng như thường. Vậy nên cần có mức phạt tương ứng dành cho người đi phạt. Ứng dụng công nghệ thông minh/tự động hóa để phát hiện vi phạm, loại trừ các hành vi tiêu cực, thông đồng.