Chủ Nhật, 18/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Từ Nghị quyết 57, nghĩ về chuyện bảo toàn vốn nhà nước

Thái Mạnh Cường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nghị quyết 57-NQ/TW đưa ra một chủ trương có tính đột phá nhưng cũng rất thực tế là “chấp nhận rủi ro”. Tuy nhiên, để đột phá trong chủ trương cụ thể hóa thành đột phá trong thực tiễn, cần có các nỗ lực thể chế hóa để giải phóng cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt với khối doanh nghiệp nhà nước có vai trò tiên phong, dẫn dắt.

Quy định về bảo toàn vốn nhà nước

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 (Luật 69) hiện hành có quy định về bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp bằng bốn biện pháp cụ thể tại khoản 1, điều 35. Có hai lưu ý đối với quy định này: 1) đối tượng hướng tới là “vốn của doanh nghiệp” mà không phải là “vốn nhà nước”; 2) chỉ cần thực hiện đầy đủ các biện pháp thì được xem là hoàn thành nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn.

Tuy nhiên, cũng tại Luật 69, có nhiều quy định về trách nhiệm bảo toàn và phát triển “vốn nhà nước” như: khoản 6, điều 5 về nguyên tắc chung; khoản 6, điều 43 về trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu... Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các trách nhiệm vừa nêu đối với “vốn nhà nước” không được quy định kèm theo các biện pháp cụ thể như với “vốn của doanh nghiệp”.

Mặc dù có sự phân biệt trên tại Luật 69, Nghị định 91/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật 69, tại điều 22 quy định về bảo toàn vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), lại chỉ giới hạn: “DNNN có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”. Nghị định này cũng làm rõ rằng không phát sinh lỗ hoặc có lãi tức là doanh nghiệp bảo toàn vốn, và ngược lại (mặc dù đã quy định các biện pháp cụ thể để bảo toàn). Như vậy, đang chưa có sự tách biệt rõ ràng giữa hai loại vốn.

Xét dưới góc độ pháp lý

Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty cổ phần đều có tư cách pháp nhân, tức là “có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình” (theo điều 74, Bộ luật Dân sự 2015). Các công ty này có quyền độc lập sở hữu tài sản của mình, kể cả với tài sản có được từ việc góp vốn. Khi góp vốn, bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty (khoản 1, điều 35, Luật Doanh nghiệp 2020).

Nghị quyết 57-NQ/TW đưa ra chủ trương “Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đây thực sự là một thay đổi lớn trong tư duy quản lý nhà nước, phản ánh đúng quy luật khách quan của kinh tế - xã hội. Chủ trương đúng đắn như vậy cần mở ra cả với hoạt động của DNNN nói chung.

Doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp (theo điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020), là các quyền thuộc quyền sở hữu (theo điều 158 Bộ luật Dân sự 2015). Trong khi đó, người góp vốn không có các quyền này đối với vốn đã góp. Họ không thể rút lại vốn đã góp mà chỉ có thể được công ty quyết định hoàn trả.

Người góp vốn không thể sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp (như từng được quy định tại Luật Công ty 1990). Đồng thời, cũng không đặt vấn đề công ty thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu của người góp vốn do bản thân công ty là một pháp nhân - không phải là tài sản(1).

Tổng giá trị tài sản đã góp hoặc tổng mệnh giá cổ phần đã bán là vốn điều lệ của công ty. Nhưng không có nghĩa là người sở hữu phần vốn góp/cổ phần - một phần của vốn điều lệ - thì sở hữu một số tiền tương đương. Phần vốn góp/cổ phần là cơ sở để phát sinh các quyền của thành viên/cổ đông theo luật định, chứ không có giá trị quy đổi tương đương tiền.

Từ các phân tích trên, có thể thấy khi Nhà nước đầu tư vốn góp vào doanh nghiệp thì đã phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho doanh nghiệp. Nhà nước không sở hữu tài sản đã được góp vốn. Nếu quan điểm “vốn nhà nước” là giá trị tài sản đã góp vốn thì tài sản này đã chuyển sang sở hữu của doanh nghiệp nên không còn thuộc quyền định đoạt trực tiếp của Nhà nước. Bên cạnh đó, giá trị tài sản góp vốn được xác định tại thời điểm góp vốn, không thay đổi. Vì vậy, Nhà nước không nên đặt vấn đề bảo toàn và phát triển tài sản không thuộc sở hữu trực tiếp của mình và không thay đổi về giá trị.

Nếu quan điểm “vốn nhà nước” là phần vốn góp/cổ phần, giá trị của tài sản này do thị trường quyết định, không phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ thông qua biến động giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Theo đó, yêu cầu bảo toàn và phát triển giá trị phần vốn góp/cổ phần cũng không hợp lý.

Tóm lại, đặt ra trách nhiệm bảo toàn “vốn nhà nước”, dù hiểu theo cách nào, cũng không thật sự phù hợp với pháp luật doanh nghiệp hiện hành.

Xét dưới góc độ kinh doanh

Chế định trách nhiệm hữu hạn là yếu tố quan trọng khiến các nhà đầu tư lựa chọn thành lập công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Khi tham gia vào các giao dịch, các công ty này chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình (bao gồm tài sản đã nhận góp vốn). Thành viên/cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp. Chủ nợ của công ty không có quyền yêu cầu thanh toán từ tài sản riêng của các thành viên/cổ đông khi họ đã góp đúng, đủ vốn. Rủi ro đối với người góp vốn chỉ giới hạn ở việc mất vốn góp.

Chúng ta không nên đặt ra yêu cầu phải định nghĩa “vốn nhà nước” tại doanh nghiệp và gắn nó với nghĩa vụ phải bảo toàn, phát triển. Thay vào đó, Nhà nước cần xem mình là một nhà đầu tư thực sự, đánh giá hiệu quả đầu tư một cách đầy đủ bằng các lý thuyết và công cụ được sử dụng phổ biến bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Sự ngăn cách giữa trách nhiệm của thành viên/cổ đông và công ty như vậy, thường được gọi là “màn che pháp nhân” (corporate veil), giúp nhà đầu tư ngăn chặn được tổn thất mở rộng. Vì vậy, nguồn vốn mới được thu hút vào việc kinh doanh luôn chứa đựng rủi ro. Rủi ro trong kinh doanh là tất yếu do các yếu tố bất định và phức tạp luôn có trong môi trường kinh doanh.

Khi đầu tư vào doanh nghiệp, Nhà nước cũng bình đẳng, chịu rủi ro như với các nhà đầu tư khác. Không thể đảm bảo mọi khoản đầu tư đều có hiệu quả, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh doanh có thể thay đổi nhanh như hiện nay. Vì lẽ đó, bảo toàn một cách tuyệt đối vốn đầu tư là điều bất khả thi.

Đồng thời, trong kinh doanh, an toàn quá mức cũng khiến thời cơ bị bỏ lỡ và lãng phí, dẫn tới nguy cơ bị tụt hậu so với đối thủ. Mỗi sản phẩm đều có một vòng đời nhất định, và “cash cows” vắt mãi rồi cũng sẽ kiệt. Tư duy “an toàn” sẽ định hướng dòng vốn vào những thứ đã có, đã quen thuộc - và nó có thể đưa doanh nghiệp bị loại bỏ nhanh hơn khỏi cuộc chơi.

Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) vừa qua đưa ra chủ trương “Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đây thực sự là một thay đổi lớn trong tư duy quản lý nhà nước, phản ánh đúng quy luật khách quan của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn như vậy cần mở ra cả với hoạt động của DNNN nói chung.

Một lãnh đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trước đây) từng chia sẻ: “Có những doanh nghiệp, tập đoàn chưa quen cách triển khai của Ủy ban, nhưng chúng tôi yêu cầu phải bảo toàn vốn, phải có hiệu quả. Khi không hiệu quả, chúng tôi yêu cầu phải báo cáo(2)”. Điều này cho thấy xu hướng không chấp nhận rủi ro trong giai đoạn vừa qua, “chắc ăn” mới duyệt, chưa thì tiếp tục báo cáo. Và thế là thủ tục phê duyệt kéo dài, doanh nghiệp mất đi sự linh hoạt - chủ động rất quan trọng trong kinh doanh.

Tư duy lại về bảo toàn vốn nhà nước

Khi đầu tư vốn, Nhà nước trở thành nhà đầu tư và đương nhiên cũng muốn khoản đầu tư sinh lời như các nhà đầu tư khác. Đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp có hai cách thức sinh lời chủ yếu: 1) Nắm giữ chờ tăng giá (hưởng lãi khi thoái vốn); 2) Hưởng cổ tức/lợi nhuận được chia. Hiệu quả đầu tư cần được đánh giá tổng hợp từ cả hai nguồn sinh lời này.

Trong đánh giá hiệu quả đầu tư, một chỉ số thường dùng là NPV (giá trị hiện tại ròng). NPV được tính bằng việc chiết khấu dòng tiền tương lai về hiện tại, bao gồm cả lãi được chia hàng năm và tiền thu được khi chuyển nhượng vốn, qua đó phản ánh được mức sinh lời tổng hợp nêu trên.

Với cách tiếp cận này, thiết nghĩ chúng ta không nên đặt ra yêu cầu phải định nghĩa “vốn nhà nước” tại doanh nghiệp và gắn nó với nghĩa vụ phải bảo toàn, phát triển. Thay vào đó, Nhà nước cần xem mình là một nhà đầu tư thực sự, đánh giá hiệu quả đầu tư một cách đầy đủ bằng các lý thuyết và công cụ được sử dụng phổ biến bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Xác định “vốn nhà nước” theo một số hay toàn bộ các khoản mục của vốn chủ sở hữu trên sổ sách kế toán(3) vừa không phản ánh đúng giá trị thị trường, vừa không tính đủ các lợi ích thực nhận từ hoạt động đầu tư.

Bên cạnh đó, để Nhà nước thực sự là nhà đầu tư “bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với nhà đầu tư khác” (theo Nghị quyết 12-NQ/TW), không thể tuyệt đối hóa việc sinh lời. Pháp luật cho phép doanh nghiệp trích lập dự phòng đối với tổn thất các khoản đầu tư(4). Nhà nước, trong vai trò nhà đầu tư, cũng phải cần một cơ chế tương tự như vậy.

Nghị quyết 57 đặt ra vấn đề chấp nhận rủi ro trong khoa học và công nghệ. Vậy khoản đầu tư của Nhà nước vào các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này cũng không thể tránh khỏi rủi ro. Việc tiếp tục đặt ra yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước mà không xét đến rủi ro khách quan sẽ dẫn tới tâm lý chần chừ, e ngại, khó có thể tạo ra các đột phá theo yêu cầu của Nghị quyết 57 để đưa đất nước vươn mình.

Thực tiễn quốc tế cho thấy, tập đoàn đầu tư nhà nước Temasek của Singapore - được xem là hình mẫu thành công - cũng không tránh khỏi tổn thất khi đầu tư. Năm 2022, Temasek chịu thiệt hại khoảng 275 triệu đô la Mỹ do đầu tư vào sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Tuy nhiên, Temasek cho rằng “Luôn tồn tại những rủi ro cố hữu mỗi khi chúng tôi đầu tư, thoái vốn hoặc nắm giữ tài sản, cũng như ở bất kỳ nơi nào chúng tôi hoạt động” (5).

Chủ tịch tập đoàn này cũng tin rằng “việc đầu tư vào các lĩnh vực mới và các công nghệ mới nổi là cần thiết để hiểu được cách những lĩnh vực này có thể ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh và tài chính của danh mục đầu tư hiện tại, cũng như đánh giá liệu chúng có thể trở thành động lực tạo ra giá trị trong một thế giới không ngừng thay đổi hay không” (6). Theo Hiến pháp, Ban lãnh đạo Temasek có trách nhiệm bảo vệ dự trữ quá khứ của công ty, tuy nhiên một khoản lỗ phát sinh từ việc thanh lý một khoản đầu tư không bị xem là rút vốn từ dự trữ quá khứ(7).

Cuối cùng, khi xác lập một vị thế bình đẳng, Nhà nước có thể tận dụng và phát huy vai trò, năng lực của các nhà đầu tư khác để hợp tác cùng có lợi trong đầu tư. Một mặt, cần tăng cường việc công khai, minh bạch hoạt động của DNNN để nhà đầu tư tư nhân cùng giám sát với Nhà nước. Mặt khác, cần xây dựng kênh tiếp nhận thuận tiện và chủ động lắng nghe phản ứng của nhà đầu tư tư nhân thông qua động thái giá cổ phiếu, truyền thông để nắm bắt thông tin, diễn biến bất lợi về giá trị của khoản đầu tư vốn của Nhà nước vào doanh nghiệp.

(1) Trước đây, quy định tại Luật Doanh nghiệp 1999, 2005 rằng “góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty” có thể dẫn tới cách hiểu sở hữu công ty. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2014, 2020 đã sửa đổi vấn đề này, quy định thành viên/cổ đông là người sở hữu phần vốn góp/cổ phần, từ đó mà có quyền và lợi ích liên quan đến công ty.

(2) Báo điện tử Lao động, “Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Chúng tôi phải bảo toàn vốn ”, https://laodong.vn/kinh-doanh/uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-chung-toi-phai-bao-toan-von-788378.ldo

(3) Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước gần nhất xác định vốn nhà nước bao gồm vốn/tài sản đã đầu tư và quỹ đầu tư phát triển tương ứng với tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ.

(4) Điều 5 Thông tư 48/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính.

(5) Temasek (2022), “FTX Statement and FAQs”, https://www.temasek.com.sg/en/news-and-resources/news-room/statements/2022/statement-FTX

(6) Temasek (2023), “Our Chairman‘s Statement on FTX Internal Review”, https://www.temasek.com.sg/en/news-and-resources/news-room/statements/2023/our-chairman-statement-on-ftx-internal-review

(7) Temasek, “Corporate Governance”, https://www.temasek.com.sg/en/about-us/corporate-governance

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới