Thứ hai, 4/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Từ nghiên cứu đến thị trường – câu chuyện về bằng sáng chế của Fos4X

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ startup non trẻ đến khi trở thành doanh nghiệp chinh phục thị trường với giá trị 11 triệu euro, đường đi của Fos4X có vai trò không nhỏ của hệ thống bằng sáng chế mà doanh nghiệp đã chú trọng đăng ký cũng như lượng tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp này đã mua lại.

Năm 2020, Fos4X được PolyTech - công ty Đan Mạch nổi tiếng trong lĩnh vực năng lượng gió - mua lại với giá trị 11 triệu euro. Ảnh: wind-turbine.com

Vào đầu những năm 2000, Lars Hoffmann, Mathias Müller, Thorbjörn Buck, Rolf Wojtech và Markus Schmid là những nghiên cứu sinh tiến sĩ làm việc dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Alexander Koch tại Viện Đo lường hệ thống và công nghệ cảm ứng của trường Đại học Công nghệ Munich (TUM) ở Đức. Cả năm nghiên cứu sinh này đều nghiên cứu lĩnh vực cảm biến quang học có thể ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như sợi thủy tinh cảm ứng dùng trong công nghệ y học (ví dụ để thực hiện các tiểu phẫu do robot hỗ trợ) hay trong công nghệ hàng không vũ trụ (ví dụ thiết bị cảm ứng giúp phát hiện ra hiện tượng sét đánh vào turbine gió).

Các nghiên cứu của nhóm nghiên cứu sinh nói trên được Tổ chức nghiên cứu chuyển giao năng lượng của Đức tài trợ nhưng sau khủng hoảng tài chính năm 2008, việc tìm kiếm nguồn đầu tư tài chính để tiếp tục phát triển và thử nghiệm kết quả nghiên cứu trở nên khó khăn. Rất may mắn, nhóm sớm làm việc được với Giáo sư Koch, và ông còn là một luật sư ngành sở hữu trí tuệ (SHTT) (patent attorney). Giáo sư Koch luôn khuyến khích các nghiên cứu sinh kết hợp nghiên cứu lý thuyết (bài báo xuất bản) và ứng dụng (đăng ký bằng sáng chế). Ông thường có những buổi thảo luận đều đặn hàng tháng với các sinh viên về kết quả nghiên cứu và khả năng đăng ký bằng sáng chế. Chính vì thế, năm nhà nghiên cứu trẻ này đã có thể đăng ký bằng sáng chế lần đầu tiên ngay từ năm 2009. Ý tưởng thành lập startup cũng sớm được hình thành và họ quyết định xin tài trợ từ một chương trình của Chính phủ Đức dành riêng cho các công ty công nghệ trẻ.

Để xin được hỗ trợ tài chính, công ty startup phải đảm bảo hai điều kiện cơ bản gồm có năng lực về quản lý kinh doanh và có liên kết hợp tác với một trường đại học của Đức để tiếp cận tài sản trí tuệ đã có, cũng như để sử dụng các phòng thí nghiệm nghiên cứu của trường. Startup mang tên Fos4X đã được ra đời với sự hỗ trợ tư vấn về SHTT của ông Koch. Công ty Fos4X cũng ký hợp đồng với trường Đại học Công nghệ Munich để đảm bảo có thể tiếp cận các tài sản trí tuệ của trường đại học danh giá này. Năm 2012, Công ty Fos4X ký hợp đồng li xăng với trường đại học, cho phép công ty được khai thác mọi sáng chế mà trường Công nghệ Munich đăng ký bảo hộ.

Đến năm 2020, Fos4X có số lượng nhân viên lên tới hơn 100 người và được PolyTech, một công ty Đan Mạch nổi tiếng trong lĩnh vực năng lượng gió mua lại với giá trị 11 triệu euro. Để đạt được giá trị mua lại nói trên, tài sản sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng trong thương thuyết của Fos4X với Polytech.

Không chỉ thế, việc hợp tác nghiên cứu giữa Fos4X với trường Đại học Công nghệ Munich còn tạo điều kiện cho công ty này xuất hiện trên các thông tin báo chí của trường và nhờ thế mà được các ông lớn công nghệ như Siemens, Nordex và Repower tiếp cận, một điều vô cùng cần thiết đối với các startup non trẻ và chưa mấy tên tuổi. Chính nhờ vào những đăng ký sáng chế, công ty này càng tạo ấn tượng tốt trước các công ty đàn anh, vì số lượng tài sản SHTT cũng là một chỉ số về tính chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh của startup trên thị trường. Sự hợp tác giữa công ty và trường đại học cũng như với các đồng nghiệp và giảng viên của trường cũng giúp cho công ty này có thể tiếp cận và sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của trường để tiếp tục nghiên cứu.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, năm 2012 Fos4X ký hợp đồng cung cấp hệ thống đo lường cho Nordex, một công ty lớn về năng lượng gió của Đức. Năm 2016, Fos4X đã có được một hợp đồng lớn với một công ty sản xuất turbine gió và sau đó thì một loạt công ty hàng đầu thế giới về năng lượng gió trở thành khách hàng của công ty. Đến năm 2020, công ty này đã có số lượng nhân viên lên tới hơn 100 người và được PolyTech, một công ty Đan Mạch nổi tiếng trong lĩnh vực năng lượng gió mua lại với giá trị 11 triệu euro. Cần phải nhấn mạnh rằng, để đạt được giá trị mua lại nói trên, tài sản SHTT là một yếu tố quan trọng trong thương thuyết của Fos4X với Polytech. Vào năm 2020, Fos4X đã có một số lượng tài sản SHTT ấn tượng, cũng như có một hệ thống quản lý quyền SHTT vô cùng chuyên nghiệp. Hiện nay, hệ thống quản lý tài sản trí tuệ này vẫn tiếp tục vận hành trong khuôn khổ của PolyTech.

Câu chuyện của Fos4X là một ví dụ tiêu biểu của sự thành công trong việc đưa nghiên cứu khoa học từ trường đại học ra thị trường ứng dụng, cũng như của tầm quan trọng của chiến lược bảo hộ tài sản trí tuệ. Việc Fos4X liên kết với trường đại học và mua lại một số tài sản trí tuệ của trường vào năm 2018 cũng càng làm cho công ty này hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư và đối tác làm ăn. Không chỉ thế, nhờ vào số lượng lớn tài sản trí tuệ, công ty này còn có thể chuyển nhượng một số bằng sáng chế sang cho công ty khác để có số lượng vốn đầu tư đáng kể giúp cho sự phát triển.

Có thể nói, bằng sáng chế có thể giúp các doanh nghiệp công nghệ có nhiều ưu thế hơn khi tiếp cận thị trường, thương thuyết với đối tác, tìm kiếm nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Cách tiếp cận kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng nhờ vào hệ thống bảo hộ bằng sáng chế là chìa khóa thành công của nhiều startup hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới