(KTSG) - Bơm vốn vào doanh nghiệp yếu kém không khác chuyện “đau bụng uống nhân sâm”. Bản thân doanh nghiệp cần ý thức rõ hạn mức tín dụng không hẳn là rào cản cũng chẳng thể là cây đũa thần.
- Bên lề kỳ họp Quốc hội: Bộ Công Thương lý giải tình trạng xăng dầu bất ổn
- Doanh nghiệp không nhập xăng dầu vì thua lỗ: cần rà soát lại thuế, các chi phí trong cơ cấu giá?
Từ doanh nghiệp xăng dầu...
Khát vốn là một trong những nguyên nhân được các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đề cập, có lẽ vừa để giải thích vừa để biện minh cho sự thiếu hụt nguồn cung gây nên những xáo trộn, bất tiện, đặc biệt tại khu vực phía Nam thời gian vừa qua.
Và khi chưa có biện pháp can thiệp, chấn chỉnh từ phía các ngành chức năng chứng tỏ được hiệu năng tuyệt đối dẫn đến tình trạng trung tuần tháng 10-2022, vẫn xuất hiện một số cây xăng tại TPHCM tiếp tục treo biển đóng cửa, hết hàng, thì đề xuất nới room tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu đã hơn một lần được các cơ quan quản lý cấp bộ ngành, địa phương đưa ra.
Tư duy ở đây có vẻ là trị bệnh thì cần thuốc mà nếu chưa tìm được loại đặc hiệu thì tín dụng đang được coi như thần dược. Ngặt nỗi, nguồn lực của nền kinh tế nói chung và tín dụng nói riêng cần được phân bổ hợp lý, tạo điều kiện tối đa cho các ngành kinh tế phát triển mà không gây khó khăn hay tước đoạt quyền lợi của bất cứ ai.
Cái gật đầu chỉ có tính thuyết phục khi có thể chứng minh thiếu vốn không phải là hệ quả tất yếu từ khả năng quản lý kinh doanh chưa tốt của doanh nghiệp xăng dầu hay ít nhất, ở thời điểm hiện tại, vốn tín dụng là lựa chọn gỡ khó duy nhất.
Hạn mức tín dụng không thể là tấm bình phong che đi hoạt động kinh doanh thiếu ổn định hay năng lực trả nợ hạn chế để rồi doanh nghiệp yên tâm là “bên bị thiệt”.
Thực tế đang diễn ra không theo hai khả năng trên. Đầu tiên, không thể không lưu ý rằng, tâm điểm trong cuộc than khó, than khổ của các doanh nghiệp xăng dầu là chi phí chưa được tính đúng, tính đủ trong giá bán.
Doanh nghiệp đầu mối báo thua lỗ nên giảm chiết khấu, còn nhiều đại lý phân phối than bán lít xăng nào lỗ tiền lít ấy. Vậy thì sẽ rất phi lý khi chính những doanh nghiệp này đang coi nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại, hiện đã có lãi suất khoảng trên 10%/năm, sẽ giúp họ cải thiện tình hình.
Bơm máu vào một thể trạng yếu kém mà không đi kèm thuốc đặc trị thì cũng không khác gì nuôi dưỡng bệnh tật. Trước khi các ngành chức năng có biện pháp chấn chỉnh triệt để hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó có cả việc chấp nhận chia tay với các nhân tố yếu kém theo đúng quy luật thị trường, dường như lựa chọn hợp lý hơn là chưa bàn tới vấn đề nới room tín dụng.
Những cuộc thanh tra toàn diện sẽ giúp nhà quản lý có được cái nhìn toàn diện hơn. Ít nhất, sẽ có câu trả lời rõ ràng về nguồn cơn gây ra sự thiếu ổn định trong cung ứng xăng dầu ở thị trường miền Nam, bao nhiêu phần là do chính sách quản lý điều hành chưa phù hợp, bao nhiêu phần là do cách thức hoạt động của chính doanh nghiệp.
Trong số 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhiều đơn vị tổ chức kinh doanh đa ngành bao gồm cả bất động sản, chứng khoán.... Vì thế, càng cần phải “cẩn tắc vô ưu”. Ngoài ra, cân nhắc để đưa ra câu trả lời không thể phản bác với đề xuất nới room tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu sẽ trở thành một tiền lệ tốt.
Đến câu chuyện room tín dụng
Nới room tín dụng đang là điệp khúc được một số doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh cầu viện như là phương cách giúp họ đối diện với những khó khăn hiện hữu. Đành rằng, nguyện vọng của số đông ít nhiều cũng có phần hữu lý nhưng sẽ cẩn trọng hơn nếu lại một lần nữa phân tích vấn đề từ một điểm nhìn thật sự khách quan.
Không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Nhà nước kiên định giữ tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%. Theo các chuyên gia, thông thường tăng trưởng tín dụng sẽ cao xấp xỉ hai lần tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, ngoài mối tương quan này, vẫn cần xem xét nhiều yếu tố.
Thứ nhất, theo số liệu công bố tháng 6-2022, dư nợ tín dụng/GDP hiện ở mức 124%, thuộc nhóm cao nhất thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Do đó, lựa chọn kiểm soát tín dụng thận trọng là cần thiết.
Thứ hai, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) là 14,3 trong năm 2020 và tăng lên tới 15,5 trong năm 2021. Nhiều kỳ vọng ICOR năm 2022 sẽ giảm nhưng khi chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động ước đạt mức cao nhất là 4,3%, thấp hơn kế hoạch 5,5%, đồng nghĩa, tăng trưởng phải dựa nhiều hơn vào vốn, tài nguyên và thâm dụng lao động, thì yêu cầu điều hướng dòng tín dụng vào các địa chỉ tạo hiệu quả thật càng cần được nỗ lực thực hiện.
Đã vậy, diễn biến trên thị trường tín dụng là một điều không thể làm ngơ. Trong khoảng một tháng trở lại đây, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động dù không còn nhiều hạn mức cho vay.
Trong khi đó, báo cáo thị trường tháng 8-9-2022 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong hai tháng này, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản là hai nhóm dẫn đầu trong phát hành trái phiếu.
Hai nhóm này cũng sẽ phải chịu áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong quí 4-2022 lớn nhất, mỗi nhóm xấp xỉ 20.000 tỉ đồng, theo số liệu từ VNDirect. Xem ra, đối với nhiều ngân hàng thương mại, nỗi niềm trăn trở không chỉ nằm ở room tín dụng.
Nhìn lại bài toán cung - cầu tín dụng
Dĩ nhiên, nhu cầu và quyền lợi được tiếp cận nguồn lực tín dụng của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là chính đáng. Các nhà quản lý đã nhiều lần khẳng định quyết tâm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Nếu vẫn tồn tại sự lỗi nhịp giữa nhu cầu vốn của doanh nghiệp và sự đáp ứng của các ngân hàng thương mại, phải thẳng thắn mổ xẻ căn nguyên để đi đến giải pháp thỏa đáng.
Từ phía doanh nghiệp, cần trung thực trả lời câu hỏi khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng liệu có đến từ những điểm chưa ổn thỏa trong hoạt động sản xuất kinh doanh của chính họ? Hạn mức tín dụng không thể là tấm bình phong che đi hoạt động kinh doanh thiếu ổn định hay năng lực trả nợ hạn chế để rồi doanh nghiệp yên tâm là “bên bị thiệt”.
Chúng ta đều hiểu, hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, tiếp đến là sự bất ổn kinh tế toàn cầu dẫn tới giá nhiên liệu tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ giá không ổn định... khiến cho doanh nghiệp dù cầm cự được vẫn đang ẩn chứa những bất ổn nội tại.
Hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn về kiến thức quản lý thông qua các hiệp hội và chuyên gia độc lập, hay về cơ hội tiếp cận thị trường nhập khẩu nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm nên là các động thái đi trước, dần dần đưa doanh nghiệp trở lại quỹ đạo ổn định. Khi đó, tín dụng sẽ được hấp thụ tốt và lời hứa cung cấp đủ vốn tín dụng chắc chắn thành hiện thực.
Đối với các ngân hàng thương mại, nghi ngại có hay không tình trạng cơ cấu tín dụng cho vay không hợp lý, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực đầu tư không khuyến khích không quá khó để được làm sáng tỏ. Việc này không chỉ giúp khơi thông dòng tín dụng mà còn giúp các cơ quan quản lý có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh xảy ra những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại chỉ phát huy tác dụng tối ưu trong điều kiện như trên. Dòng vốn giá rẻ sẽ đẩy nhanh quá trình hồi phục của doanh nghiệp, tạo động lực để doanh nghiệp cạnh tranh được trên các thị trường truyền thống và chiếm lĩnh thêm nhiều vùng đất mới.
Về phía ngân hàng thương mại, chất lượng cần coi trọng hơn số lượng. Giải ngân an toàn còn tránh được nguy cơ tín dụng đi lạc hướng, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu như đã từng xảy ra vào giai đoạn 2008-2012.
Hiện nay, áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng tăng cao trong bối cảnh thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) gặp nhiều khó khăn và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (IMF, WB) đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.
Về điều hành tín dụng thời gian tới, đến nay, quan điểm của NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho năm nay trước các áp lực lớn về lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nắn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên.
Hiện nay, “kẹt vốn” hay “tắt vốn” không do room tín dụng mà vốn đang “đóng băng” ở những dự án bất động sản, nhiều doanh nghiệp bất động sản “sân sau” của NH không ra được sản phẩm, có ra được dòng tiền NH không còn rộng rãi như trước.
Thiếu xăng dầu không liên quan gì đến room tín dụng cả. Lâu nay ngân hàng luôn xem xăng dầu là đối tượng ưu tiên vốn và ngoại tệ để nhập khẩu. Nguyên nhân là do điều hành cung cầu, phân phối, chia sẻ lợi ích giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng mà thôi. Xin đừng lập lờ, đánh lận con đen, né tránh trách nhiệm quản lý.