(KTSG) - Vụ án Công ty cổ phần Vàng Phú Cường (Vàng Phú Cường) liên quan đến việc chuyển lậu gần 9.500 tỉ đồng là một ví dụ khác cho thấy dòng tiền có thể bị thao túng để tạo ra hình ảnh tài chính không trung thực như thế nào.
Bài học từ hành vi này cùng với những vụ tai tiếng khác ở Việt Nam lẫn ở tầm quốc tế, như việc gian lận doanh thu của Luckin Coffee và việc che giấu nợ của Enron, nhấn mạnh các rủi ro nghiêm trọng về mặt pháp lý lẫn kinh doanh của việc cố tình vi phạm các chuẩn mực về trung thực, minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Từ một bản án
Bản án mà Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên cho ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Vàng Phú Cường, về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với số tiền lên đến gần 9.500 tỉ đồng, đã khép lại giai đoạn sơ thẩm của một vụ án phức tạp, nhưng đồng thời mở rộng những lo ngại không mới về cách thức vi phạm pháp luật được lồng ghép tinh vi dưới lớp vỏ bọc hoạt động kinh doanh.
Theo cáo trạng, Vàng Phú Cường đã thiết lập một hệ thống công ty trong và ngoài nước, ký kết các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa “khống” làm bình phong để hợp thức hóa việc chuyển tiền ra nước ngoài. Sau đó, dòng tiền này lại được “phù phép” để quay trở lại Việt Nam bằng các phương thức tinh vi. Mục đích cuối cùng của màn “ảo thuật” dòng tiền này là tô vẽ một bức tranh tài chính khỏe mạnh, nâng cao quy mô tài chính trên giấy tờ nhằm tiếp cận các khoản vay ngân hàng giá trị lớn, thu hút vốn đầu tư và tạo đà mở rộng kinh doanh.
Trong thực tiễn kinh doanh, các vi phạm liên quan có thể có những “biến thể” khác nhau và ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với vụ Vàng Phú Cường, bản chất gian dối và rủi ro pháp lý tiềm ẩn của chúng vẫn rất lớn, đặc biệt khi cơ chế giám sát tài chính, thuế và dòng tiền ngày càng được siết chặt.
Xét về bản chất, hành vi của Vàng Phú Cường đã và đang có nguy cơ xâm phạm hàng loạt quy định pháp luật Việt Nam. Về mặt hình sự, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã kết luận hành vi vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới là phạm tội theo điều 189 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (Bộ luật Hình sự 2015).
Bên cạnh đó, việc tạo dựng các giao dịch ảo, lập hợp đồng khống để ghi nhận dòng tiền không có thật là hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trung thực trong lập báo cáo tài chính theo Luật Kế toán 2015. Các thủ đoạn được sử dụng cũng có dấu hiệu cấu thành hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống rửa tiền theo Luật Phòng chống rửa tiền 2022, cụ thể là các hành vi bị nghiêm cấm tại điều 8 như tổ chức, tạo điều kiện hoặc tham gia vào quá trình hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có (tài sản được tạo dựng, hợp pháp hóa thông qua hành vi chuyển tiền lậu qua biên giới).
Xem xét sâu hơn về động cơ, có thể thấy, hành vi gian dối này có chủ đích rõ ràng nhằm tạo dựng niềm tin ảo, đánh lừa các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư về năng lực tài chính thực sự của doanh nghiệp. Chính việc tạo lập hình ảnh tài chính không trung thực này có thể là nền tảng dẫn tới các vi phạm pháp luật khác, như tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 174 Bộ luật Hình sự 2015), gây ra những rủi ro và thiệt hại cho các bên liên quan và cho nền kinh tế.
Nhìn lại các hiện tượng thao túng dòng tiền khác
Hiện tượng thao túng dòng tiền như Vàng Phú Cường dường như không phải là cá biệt và mới tại Việt Nam. Bên cạnh những vụ án lớn bị phanh phui, ở quy mô nhỏ hơn, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các nhóm công ty gia đình hoặc có liên kết chặt chẽ, vẫn âm thầm sử dụng các thủ thuật tinh vi để tạo ra một bức tranh tài chính không trung thực. Hành vi thường thấy là việc thực hiện các giao dịch mua bán lòng vòng phức tạp qua nhiều công ty con, công ty liên kết đóng vai trò trung gian.
Mục đích được cho là để ghi nhận doanh thu tăng trưởng ảo cho nhiều đơn vị, làm đẹp hồ sơ năng lực tài chính phục vụ việc phát hành cổ phiếu hoặc vay vốn. Chẳng hạn, trong vụ án khá ồn ào liên quan đến một công ty trong ngành dược phẩm từ cách đây hơn 10 năm, quá trình điều tra ghi nhận các cáo buộc về việc dùng công ty sân sau để kinh doanh lòng vòng, tạo doanh thu ảo nhằm thao túng giá chứng khoán trong quá trình phát hành cổ phiếu(1).
Doanh nghiệp không thể chỉ chú trọng vào việc tô vẽ các chỉ số tăng trưởng bề ngoài, mà cần đặt nền móng bền vững từ việc tuân thủ chuẩn mực pháp luật tài chính và kế toán. Dễ thấy rằng những hành vi gian lận tài chính tuy có thể đem lại lợi ích trước mắt, nhưng luôn đối mặt với rủi ro bị phát hiện và hậu quả thì thật sự khó lường.
Bên cạnh đó, các hình thức khác như tạo hợp đồng, khách hàng giả mạo, ghi nhận doanh thu sớm hơn quy định, thành lập công ty “ma” để xuất hóa đơn khống, hay che giấu chi phí, công nợ qua việc vốn hóa không hợp lệ hoặc không trích lập đủ dự phòng cũng không phải là hiếm. Mục tiêu phổ biến đằng sau các thủ thuật này vẫn là làm đẹp báo cáo tài chính để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, tăng khả năng trúng thầu, thu hút nhà đầu tư khi IPO, hoặc đơn giản là hợp thức hóa dòng tiền nội bộ.
Một trong những điển hình cho thấy mức độ phức tạp và quy mô của các hành vi thao túng dòng tiền nhằm huy động vốn trái pháp luật là vụ án xảy ra tại một tập đoàn địa ốc. Để huy động hàng ngàn tỉ đồng qua kênh trái phiếu, tập đoàn này đã không sử dụng pháp nhân công ty mẹ do tình hình tài chính phức tạp.
Thay vào đó, họ đã chọn ba công ty con để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua hàng loạt hợp đồng hợp tác đầu tư, mua bán cổ phần “khống” giữa các công ty này. Bằng cách đó, các báo cáo tài chính của những công ty con được “mông má” để trở nên đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Đáng chú ý, quá trình này có sự “tiếp tay” của một số công ty kiểm toán trong việc đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần cho các báo cáo tài chính thiếu trung thực, thậm chí có dấu hiệu ghi nhận doanh thu khống.
Sau khi phát hành thành công các lô trái phiếu dựa trên hồ sơ gian dối, dòng tiền tiếp tục được “chạy” khống để hợp thức hóa việc mua bán, tạo lập giá trị ảo cho trái phiếu trước khi bán cho các nhà đầu tư cá nhân.
Trong thực tiễn kinh doanh, các vi phạm liên quan có thể có những “biến thể” khác nhau và ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với vụ Vàng Phú Cường, bản chất gian dối và rủi ro pháp lý tiềm ẩn của chúng vẫn rất lớn, đặc biệt khi cơ chế giám sát tài chính, thuế và dòng tiền ngày càng được siết chặt.
Không chỉ dừng lại ở các vụ việc trong nước với những thủ đoạn như đã thấy, nhiều vụ bê bối liên quan đến thủ đoạn tài chính tinh vi trên quy mô quốc tế cũng đã để lại những bài học đắt giá. Luckin Coffee, từng là biểu tượng tăng trưởng thần tốc của ngành cà phê Trung Quốc, đã sụp đổ nhanh chóng khi bị phát hiện gian lận doanh thu hơn 300 triệu đô la Mỹ thông qua các giao dịch nội bộ ảo. Hậu quả là bị hủy niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ), danh tiếng tan thành mây khói và ban lãnh đạo đối mặt với trách nhiệm pháp lý nặng nề(2).
Tương tự, vụ phá sản lịch sử của “gã khổng lồ” năng lượng Enron tại Mỹ đầu thập niên 2000 cũng là minh chứng điển hình. Bằng cách sử dụng các thực thể có mục đích đặc biệt (SPE), Enron đã che giấu các khoản nợ khổng lồ và thổi phồng lợi nhuận với quy mô lớn. Vụ việc nghiêm trọng đến mức buộc nước Mỹ phải ban hành Đạo luật Sarbanes-Oxley (SOX) năm 2002, đặt ra những yêu cầu khắt khe về trách nhiệm giải trình của ban lãnh đạo và tính minh bạch của báo cáo tài chính, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn kiểm toán độc lập(3).
Bài học trong kinh doanh
Dù hình thức vi phạm có thể khác nhau - từ chuyển tiền lậu như Vàng Phú Cường, gian lận doanh thu như Luckin Coffee, hay tạo dòng tiền ảo như Enron - điểm chung của các hành vi này là việc sử dụng các kỹ thuật tài chính để bóp méo sự thật, đánh lừa niềm tin của thị trường, nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Hệ quả không chỉ dừng ở thiệt hại tài sản cho bản thân doanh nghiệp cũng như trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân liên quan mà còn có thể gây tổn thất lớn và tác động tiêu cực lan rộng trong hệ thống kinh tế.
Ở Việt Nam, vụ Vàng Phú Cường, vì vậy, không nên chỉ dừng lại ở một bản án, mà cần phải được nhìn nhận như một bài học về tính thượng tôn pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp không thể chỉ chú trọng vào việc tô vẽ các chỉ số tăng trưởng bề ngoài, mà cần đặt nền móng bền vững từ việc tuân thủ chuẩn mực pháp luật tài chính và kế toán. Dễ thấy rằng những hành vi gian lận tài chính tuy có thể đem lại lợi ích trước mắt, nhưng luôn đối mặt với rủi ro bị phát hiện và hậu quả thì thật sự khó lường.
Từ góc độ quản lý nhà nước, với nhận thức rõ rằng việc gian dối dòng tiền không chỉ làm tổn hại niềm tin thị trường mà còn trực tiếp xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế - tài chính quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, đều đang tăng cường phối hợp, bên cạnh kiểm soát dòng tiền xuyên biên giới còn từng bước siết chặt tiêu chuẩn lập báo cáo tài chính nhằm ngăn chặn các hành vi tương tự cũng như nâng cao tính tuân thủ.
Các chuẩn mực quốc tế như IFRS (Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế) ngày càng được nhiều nước áp dụng nhằm hạn chế tình trạng ghi nhận doanh thu không đúng thực tế. Việt Nam hiện đang triển khai lộ trình áp dụng IFRS(4), đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực lập báo cáo tài chính minh bạch, trung thực ngay từ bây giờ nếu không muốn bị đào thải.
Nói cách khác, việc tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn của pháp luật về tài chính kế toán cần được nhìn nhận là xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính doanh nghiệp, là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển, hơn là thực hiện theo tâm thế đối phó, miễn cưỡng cho có “tụ”.
(1) https://vneconomy.vn/su-co-tai-duoc-vien-dong-bat-them-nguoi-cong-bo-cac-sai-pham.htm
(2) https://vtv.vn/kinh-te/thoi-phong-doanh-thu-san-chung-khoan-my-huy-niem-yet-ky-lan-ca-phe-trung-quoc-20200706161549225.htm
(3) https://www.investopedia.com/updates/enron-scandal-summary/
(4) Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 345/QĐ-BTC ngày 16-3-2020 phê duyệt “Đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh lộ trình áp dụng IFRS.