(KTSG Online) - Doanh nghiệp Singapore thường chuyển địa điểm văn phòng làm việc khi nhu cầu kinh doanh thay đổi, đặc biệt liên quan đến sự mở rộng của đội ngũ nhân sự. Gần đây, có một động lực khiến nhiều công ty quyết định dời trụ sở là nhu cầu đáp ứng các tiêu chí xanh.
Hiện nay, hơn 90% không gian văn phòng hạng A ở Singapore đạt chứng nhận xanh, cung cấp cho doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn.
Sau bốn thập niên “đóng đô” tại tòa nhà Hong Leong Building ở khu Raffles Place, trung tâm tài chính của Singapore, năm 2022, chi nhánh của hãng kiểm toán KPMG ở đảo quốc Sư tử quyết định chuyển trụ sở làm việc đến tòa nhà Asia Square Tower 2, cách đó chỉ một quãng đi bộ.
Pang Thye, đối tác quản lý của KPMG Singapore chia sẻ, công ty có thể giảm 50% dấu ấn carbon khi thay đổi địa điểm làm việc. Điều này là nhờ các biện pháp như thu hẹp không gian thuê, giảm tiêu thụ điện bằng cách sử dụng cảm ứng phát hiện chuyển động để tự bật đèn cũng như sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Theo Alan Cheong, giám đốc bộ phận tư vấn nghiên cứu của Savills Singapore, xu hướng doanh nghiệp ở Singapore dọn đến những tòa nhà mới hơn và được xếp hạng cao về tiêu chí môi trường, quản trị và xã hội (ESG) bắt đầu xuất hiện vào thời kỳ ban đầu của đại dịch Covid-19 vào năm 2020.
Cho đến nay, chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia ở Singapore thay đổi trụ sở vì hầu hết hợp đồng thuê văn phòng đến năm 2025 và 2026 mới hết hạn.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng chính sách ESG khi xu hướng làm việc hybrid (kết hợp làm tại văn phòng và từ xa) cho phép doanh nghiệp linh động hơn trong chiến lược về nơi làm việc, theo Jery Teoh, Jery Teoh, đồng giám đốc bộ phận tư vấn thuê bất động sản mại ở chi nhánh Singapore của Cushman& Wakefield (Mỹ).
Vì vậy, cùng một khoản ngân sách như trước đây, nhiều doanh nghiệp hiện nay có thể thuê không gian với diện tích nhỏ hơn ở những khu văn phòng mới có chất lượng tốt hơn, tuân thủ tốt tiêu chí ESG.
Thông thường, việc chú trọng chính sách ESG thúc đẩy các tổ chức doanh nghiệp lớn chuyển địa điểm làm việc đến những tòa nhà mới xây dựng, có mô hình thiết kế đã tính tới việc đáp ứng tiêu chí ESG.
Chua Yang Liang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và tư vấn của hãng dịch vụ bất động JLL cho biết, trong bối cảnh thế giới đang chuyển động hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng carbon về zero (Net-Zero), nhiều doanh nghiệp đối mặt áp lực gia tăng về việc chọn không gian văn phòng đáp ứng các yêu cầu ESG.
“Tuy nhiên, trong môi trường thận trọng về chi phí hiện tại, nhu cầu tuân thủ ESG thường không phải là động lực duy nhất thôi thúc doanh nghiệp chuyển trụ sở”, Liang nói.
Nhiều chuyên gia khác cho biết thêm, khi tìm kiếm nơi làm việc mới, doanh nghiệp cũng xem xét các yếu tố khác như chi phí, địa điểm.
Hiện nay, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn đối với các tòa nhà được chứng nhận xanh. Tại Singapore, có hơn 90% không gian văn phòng hạng A đã được chứng nhận xanh, theo Kymya Miglani, người đứng đầu bộ phận ESG của JLL.
Các cuộc khảo sát cho thấy, đa số doanh nghiệp ở Singapore sẵn sàng chấp nhận giá thuê cao hơn từ 5-10% ở các văn phòng xanh. Ngược lại, giá thuê thấp hơn ở những tòa nhà không đáp ứng tiêu chí ESG.
Theo Jery Teoh của Cushman& Wakefield, do không đáp ứng tiêu chí bền vững, các tòa nhà văn phòng cũ, xây dựng từ thập niên 1980 và 1990 sẽ khó cho thuê hơn nếu không giảm giá thuê đáng kể.
Hiện nay, chính phủ Singapore đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ chủ các tòa nhà cũ nâng cấp tài sản của họ để duy trì tính cạnh tranh.
Hầu hết nhà phát triển bất động sản ở Singapore đều nỗ lực để được chứng nhận Green Mark, một hệ thống đánh giá tác động môi trường của các tòa nhà, được thiết lập bởi Cơ quan quản lý xây dựng (BCA) thuộc Bộ Phát triển quốc gia Singapore. Các yếu tố đánh giá bao gồm hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả sử dụng nước, quản lý và vận hành bền vững, chất lượng môi trường bên trong công trình, các giải pháp đổi mới và sáng tạo giúp nâng cao hiệu suất hoạt động và tính bền vững. Green Mark có bốn cấp độ gồm Certified, Gold, GoldPLUS và Platinum. Chẳng hạn, tòa nhà Asia Square Tower 2 được cấp chứng nhận Green Mark ở cấp độ Platinum.
Theo một quy định ban hành năm 2008, tất cả các công trình xây dựng mới ở Singapore, bao gồm khách sạn, văn phòng, khu phức hợp bán lẻ có diện tích sàn từ 5.000 mét vuông trở lên phải đạt chứng nhận Green Mark ở cấp độ tối thiểu Certified.
Nhà phát triển bất động sản hướng tới chứng nhận Green Mark không chỉ vì mục đích tuân thủ quy định của cơ quan quản lý mà còn muốn thể hiện cam kết bền vững để có thể tiếp cần nguồn vốn xanh cũng như đáp ứng nhu cầu của khach thuê đang có xu hướng ưu tiên tiêu chí ESG.
Theo Business Times