(KTSG Online) – Với 122 tuổi đời và từng là doanh nghiệp giá trị nhất thế giới, tập đoàn thép US Steel (Mỹ) ngày càng sa sút và đồng ý để Nippon Steel, hãng thép lớn nhất Nhật Bản mua lại trong một thỏa thuận bằng tiền mặt trị giá 14,1 tỉ đô la Mỹ.
- Ngành thép phương Tây ‘phục hưng’ nhờ giá thép cao kỷ lục
- EU và Mỹ lên kế hoạch áp thuế mới đối với thép của Trung Quốc
Thỏa thuận vấp phải chỉ trích
Thương vụ trên, được công bố hôm 18-12, đánh dấu diễn biến mới nhất trong quá trình suy thoái dần dần của công ty từng có giá trị lớn nhất hành tinh. US Steel là một trong những tập đoàn lớn đầu tiên và là biểu tượng sức mạnh của nền công nghiệp Mỹ. Nhưng hiện nay, US Steel thậm chí không còn giữ vị thế nhà sản xuất thép lớn nhất của Mỹ sau khi bị đối thủ Nucor Steel vượt qua nhiều năm trước.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, sự kết hợp này thực sự tốt cho tất cả các bên. Thông báo về thỏa thuận sáp nhập hôm nay cũng mang lại lợi ích cho nước Mỹ bằng cách đảm bảo ngành thép trong nước duy trì tính cạnh tranh, đồng thời tăng cường sự hiện diện của chúng tôi trên toàn cầu”, CEO của US Steel, David Burritt, nói. Ông tin rằng “những ngày tốt đẹp nhất của US Steel đang ở phía trước”.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, các hoạt động của US Steel sẽ giữ nguyên tên và trụ sở chính tiếp tục đặt tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Nhưng thỏa thuận vẫn có thể vấp phải sự phản đối.
Đầu mùa hè này, công đoàn United Steelworkers (USW) tuyên bố chỉ ủng hộ lời đề nghị mua lại của Cleveland Cliffs, một công ty thép khác của Mỹ thông qua một thỏa thuận bằng tiền mặt và cổ phiếu, có trị giá thấp hơn 40% so với giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt của Nippon. Nhưng hội đồng quản trị US Steel đã từ chối lời đề nghị đó và xem xét các giá thầu khác.
Công đoàn USW bao gồm 11.000 công nhân của US Steel, đã chỉ trích thỏa thuận bán lại cho Nippon Steel. “Nói rằng chúng tôi thất vọng về thỏa thuận được công bố giữa US Steel và Nippon là còn quá nhẹ, vì thỏa thuận thể hiện thái độ tham lam, thiển cận đã dẫn dắt US Steel quá lâu. Chúng tôi vẫn sẵn sàng hợp tác với US Steel để giữ cho công ty mang tính biểu tượng của Mỹ này được sở hữu và điều hành trong nước. Nhưng thay vào đó, họ (ban lãnh đạo của US Steel) gạt bỏ những lo ngại của lực lượng lao động tận tâm và bán mình cho một công ty thuộc sở hữu nước ngoài”, Chủ tịch USW, David McCall , nói.
USW cho biết sẽ kêu gọi các cơ quan quản lý của chính phủ xem xét kỹ lưỡng thương vụ nói trên và xác định xem giao dịch được đề xuất có phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và mang lại lợi ích cho người lao động hay không.
Một số nhà lập pháp cũng lên tiếng phản đối thương vụ thâu tóm US Steel của Nippon. “Hôm nay, một phần quan trọng của cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ đã được bán cho người nước ngoài để lấy tiền mặt. Tôi đã cảnh báo về kết quả này từ nhiều tháng trước và sẽ phản đối thỏa thuận trong những tháng tới”, JD Vance, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, nói.
“Không thể chấp nhận được khi US Steel đồng ý bán mình cho một công ty nước ngoài. Thép luôn liên quan đến an ninh, cả an ninh quốc gia lẫn an ninh kinh tế của cộng đồng thép. Tôi cam kết làm bất cứ điều gì có thể mình để ngăn chặn thỏa thuận bán cho nước ngoài này”, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, John Fetterman, nói trong một tuyên bố.
Fetterman gọi thỏa thuận này là một ví dụ khác về việc “những người Mỹ chăm chỉ bị qua mặt bởi các tập đoàn tham lam sẵn sàng bán đứng cộng đồng của họ để phục vụ các cổ đông”.
Thông báo của US Steel cho biết Nippon Steel có thành tích tốt về an toàn tại nơi làm việc và hợp tác với các công đoàn.
Biểu tượng công nghiệp Mỹ lùi vào dĩ vãng
US Steel được thành lập vào năm 1901 khi một nhóm nhà đầu tư do J.P. Morgan và Charles Schwab, hai trong số những nhà tài phiệt hàng đầu thế giới thời bấy giờ, mua lại công ty thép thuộc sở hữu của nhà công nghiệp Andrew Carnegie và sáp nhập vào công ty thép Federal Steel của họ. US Steel trở thành công ty đầu tiên trên thế giới được định giá hơn 1 tỉ đô la, gấp đôi toàn bộ ngân sách của Mỹ trong năm đó. Thương vụ này đã đưa Andrew Carnegie trở thành người giàu nhất thế giới.
Vào đầu thế kỷ trước, US Steel giúp Mỹ trở thành siêu cường kinh tế toàn cầu, cung cấp thép không chỉ cho các tòa nhà chọc trời, cầu và các con đập mà còn cho ô tô, thiết bị và các sản phẩm khác mà người tiêu dùng Mỹ cần.
Trên thực tế, US Steel chiếm ưu thế đến mức sức mạnh cạnh tranh của tập đoàn đã dẫn đến sự ra đời của luật chống độc quyền trong nỗ lực kiểm soát sức mạnh chiến lược và tài chính của US Steel cũng như của Standard Oil (tiền thân của tập đoàn dầu mỏ ExxonMobil).
Tên của công ty thép này đã đi vào văn hóa đại chúng, như một cách viết tắt cho cả quy mô và sức mạnh công nghiệp của Mỹ. Nhưng trong những năm gần đây, US Steel tụt hậu nhanh so với các công ty thép khác của Mỹ về sản lượng thép và giá trị thị trường chứng khoán. Và ngành thép của Mỹ chỉ còn ánh hào quang từ quá khứ. Không có công ty thép nào cũng Mỹ nằm trong danh sách 10 nhà sản xuất thép lớn nhất toàn cầu.
Theo một bài báo trên tờ The Pittsburgh Post-Gazette vào năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập của US Steel, công ty có số lượng nhân viên cao nhất là 340.000 người vào năm 1943, khi công ty đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực chiến tranh của phe Đồng minh.
Bài báo cho biết, sản lượng thép của US Steel đạt đỉnh cao vào năm 1953, khi công ty sản xuất 35,8 triệu tấn thép trong khi các nhà sản xuất thép ở châu Âu và Nhật Bản vẫn đang vật lộn để phục hồi sau chiến tranh. Năm ngoái, US Steel chỉ sản xuất 11,2 triệu tấn thép từ các hoạt động tại Mỹ và chỉ có chưa đến 15.000 nhân sự ở Mỹ
Từ thời kỳ đỉnh cao, công ty bắt đầu tụt hậu so với các đối thủ mới nổi , cả trong và ngoài nước. Đầu tiên, US Steel bị các đối thủ cạnh tranh ở Nhật Bản và Đức vượt mặt khi những nước tái thiết sau Thế chiến thứ hai và sử dụng các công nghệ mới đòi hỏi ít lao động và năng lượng hơn.
US Steel cuối cùng cũng học hỏi đối thủ nước ngoài để nâng cấp nhà máy và thiết bị, nhưng vẫn chủ yếu sử dụng các phương pháp cũ hơn để sản xuất thép bằng cách nấu chảy các nguyên liệu thô như quặng sắt trong lò cao khổng lồ. Các đối thủ đã sớm sử dụng lò hồ quang điện hiệu quả hơn để biến thép phế liệu từ ô tô và các sản phẩm bị bỏ đi khác thành sản phẩm thép mới. US Steel không sử dụng lò hồ quang điện cho đến năm 2020.
“US Steel sử dụng công nghệ của thập niên 1940”, nhà phân tích ngành thép Charles Bradford nói.
Đến năm 1991, sau 90 năm nằm trong Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, cổ phiếu của US Steel đã gạt ra khỏi chỉ số đại diện cho 30 công ty quan trọng nhất quốc gia. Cùng lúc đó, Walt Disney và JPMorgan tham gia chỉ số này. Đó là một dấu hiệu nữa cho thấy nền kinh tế Mỹ hiện tập trung nhiều hơn vào truyền thông và tài chính chứ không phải sản xuất.
Theo CNN
Làm không được thì thuê. Tồn tại không nổi thì bán. Phá sản là sự sàng lọc tự nhiên… Thực tiễn sinh động, dễ hiểu như vậy, nhưng vẫn không chịu tiếp thu và chấp nhận, thì làm sao phát triển được ?