(KTSG) - Sau Hội nghị Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 (COP15), các quốc gia kinh tế phát triển, đặc biệt là Liên minh châu Âu và Trung Quốc đưa ô tô “không phát thải” - ô tô điện - vào chính sách phát triển hàng đầu và sau đó nó được các chính phủ hỗ trợ bằng hàng trăm triệu euro tiền trợ cấp. Ô tô điện đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Thế nhưng...
- Tập đoàn Bühler giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ cho sản xuất xe điện tại GEFE 2024
- Các hãng xe châu Âu chạy đua ra mắt xe điện giá rẻ
Hiện tại, sự tăng trưởng này trở nên khó khăn hơn vì “xe điện rất đắt và rất nặng” như ông Donald Trump nhận định và chưa đáp ứng nhu cầu của đa số người sử dụng. Cho nên, cần phải thuyết phục hàng triệu người sử dụng xe vốn không có đủ khả năng tài chính, thiếu cơ sở hạ tầng (việc sạc xe tại các chung cư vẫn chưa khả thi) và thậm chí không có nhu cầu sử dụng xe điện. Thêm vào đó, trong bối cảnh toàn cầu phức tạp và căng thẳng, với việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, sự tăng trưởng này ngày càng trở nên khó khăn và bấp bênh.
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ
Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình khao khát khẳng định vị thế dẫn đầu toàn cầu, quyết biến Trung Quốc thành siêu cường công nghệ. Trung Quốc đã chuyển hướng từ vai trò công xưởng thế giới thành trung tâm đổi mới công nghệ toàn cầu. Xe điện trở thành lá bài chiến lược, không chỉ là một phương tiện giao thông mà còn là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế và công nghệ, như xe xăng dầu ở thế kỷ 20, và tầm nhìn về tương lai xanh của quốc gia.
Năm 2014, ông Tập Cận Bình phát biểu rằng con đường để Trung Quốc thành cường quốc ô tô thông qua sự phát triển xe điện. Ngành công nghiệp này trở thành mũi nhọn của kế hoạch phát triển quốc gia. Không chỉ khuyến khích sử dụng xe điện mà còn tạo dựng một hệ sinh thái toàn diện từ khai thác khoáng sản lithium, những nhiên liệu cần cho phát triển pin, động cơ điện và các linh kiện điện tử. Đây là cuộc cách mạng được điều phối từ trung ương, mọi mắt xích đều phục vụ cho mục tiêu biến Trung Quốc trở thành bá chủ ngành công nghiệp ô tô điện.
Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ không có ý định nhượng bộ đối với xe điện. Ông luôn không ủng hộ việc chuyển đổi sang xe điện, phản đối việc “điện hóa cưỡng bức và vô ích” phương tiện giao thông của Mỹ. Trong một video đăng ngày 23-10-2023 trên trang web tranh cử của mình, ông tuyên bố “đối với tầng lớp trung lưu, đây là một sự chuyển đổi dẫn đến địa ngục” và cảnh báo rằng điều này đe dọa “toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Mỹ”.
Ông Donald Trump bác bỏ lợi ích môi trường của việc chuyển đổi này và cáo buộc nó làm lợi cho sự thống trị của Trung Quốc, phá hủy các nhà sản xuất ô tô Mỹ và đẩy nhiều lao động Mỹ vào cảnh thất nghiệp. Vì vậy, ông dự định quay ngược lại các chính sách này, cho rằng quyết định đó sẽ “cứu ngành công nghiệp ô tô Mỹ khỏi sự hủy diệt hoàn toàn, điều đang xảy ra hiện nay, và tiết kiệm hàng ngàn đô la cho mỗi chiếc xe để hỗ trợ người tiêu dùng Mỹ”.
Gần như đã chính thức: khoản tiền hỗ trợ 7.500 đô la cho việc mua xe điện được áp dụng dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ bị bãi bỏ tại Mỹ. Quyết định này của ông Donald Trump sẽ khiến doanh số bán xe điện giảm mạnh - điều đã xảy ra ở Đức khi việc ngừng hoặc giảm trợ cấp mua xe điện đã dẫn đến việc doanh số xe điện sụt giảm đáng kể.
Mỹ dưới thời Donald Trump sắp tới muốn củng cố vai trò lãnh đạo thế giới bằng mọi cách, không ngần ngại dựng lại các rào cản kinh tế để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, đặc biệt là công nghiệp ô tô. Ông Biden đã tăng thuế nhập ô tô điện Trung Quốc lên 100% và ông Trump có thể tăng lên 200% hoặc cao hơn nữa nếu cần. Và để chống lại kế hoạch bao vây của Trung Quốc, tất cả các ô tô điện mang thương hiệu Trung Quốc như BYD, SAIC... sản xuất tại Mexico, Canada, châu Âu cũng sẽ chịu cùng một chính sách thuế.
Các nhà sản xuất ô tô phải xem xét lại chiến lược của mình
Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô đã đầu tư hàng tỉ euro để thực hiện quá trình chuyển đổi sang xe điện, nhưng hiệu quả lại không đạt như kỳ vọng do bối cảnh kinh tế khó khăn và căng thẳng địa chính trị... cùng với sự trở lại chính trường của ông Donald Trump. Vì vậy, ngành công nghiệp xe điện đang bước vào một giai đoạn bấp bênh, gây ra những vấn đề lớn cho các nhà sản xuất.
Tình hình này buộc họ phải cắt giảm đầu tư vào lĩnh vực xe điện và xem xét lại chiến lược của mình. Mercedes, Ford, Audi... đã thông báo sẽ tiếp tục sản xuất các mẫu xe động cơ xăng và xe hybrid sau năm 2030 - năm sẽ ngừng bán các loại xe này theo kế hoạch ban đầu. Vinfast cũng đã hoãn dự án xây nhà máy sản xuất xe điện tại North Carolina ở Mỹ đến 2028 - trùng hợp là năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump!
Cuộc chiến xe điện đã vượt ra ngoài biên giới của công nghiệp, đằng sau chiếc xe điện là ván cờ quyền lực nơi các chiến lược kinh tế, chính trị, các tham vọng bành trướng tạo nên những xung đột vô cùng khốc liệt.
Môi trường là vô hình. Lợi ích là cụ thể. Lợi ích môi trường, mặc dù có quan hệ sinh tử đến toàn nhân loại, nhưng luôn bị khuất lấp và lép vế bởi xung đột lợi ích kinh tế. Khác biệt lớn nhất giữa xe điện và xe hóa thạch là cách thức kiểm soát phát tán ô nhiễm ra môi trường sống. Xe điện thuộc diện CPV (controlled-polusion-vehicle). Xe hóa thạch thì ngược lại UPV (uncontrolled-pollution-vehicle). Lõi thiết bị quan trọng nhất của xe điện chính là Pin, thiết bị này sau khi loại bỏ, có thể gom lại tập trung để xử lý theo chu trình công nghiệp. Trong khi khí thải/ tiếng ồn… phát tán tự do gây ô nhiễm, tác động xấu đến sức khỏe con người ngày càng không thể kiểm soát. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang xe điện đang bị cản trở vì bị xung đột lợi ích kinh tế rất lớn. Kỷ nguyên ô tô hóa thạch hơn một thế kỷ qua không dễ dàng để các đại gia công nghiệp buông bỏ. NetZero là chiến lược dài hạn, là xu thế không thể đảo ngược.