Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, dịch Corona bước sang giai đoạn mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, dịch Corona bước sang giai đoạn mới

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Ngày 30-1 (rạng sáng ngày 31-1 giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố về tình trạng y tế khẩn cấp do lo ngại sự phát tán rộng khắp của virus corona chủng loại mới trên toàn cầu. 

Đề xuất đóng cửa biên giới với Trung Quốc để dập dịch

Thủ tướng: Ngưng cấp phép chuyến bay đến vùng dịch ở Trung Quốc

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, dịch Corona bước sang giai đoạn mới
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch viêm phổi cấp từ virus corona chủng mới (nCoV) là “Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế”. Nguồn: TTXVN

Theo thông cáo vào rạng sáng ngày 31-1 theo giờ Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch viêm phổi cấp từ virus corona chủng mới (nCoV) là “Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế” (PHEIC). Có thể xem đây là cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia và cộng đồng quốc tế phải chung tay xử lý.

Tuyên bố này được xem là một bước tiến mới, cho phép các cơ quan y tế công cộng trên toàn cầu có thể hỗ trợ các quốc gia có hệ thống y tế kém mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus. Đây là lần thứ 6 tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu trong lịch sử WHO.

Trước đó, trong phiên họp vào ngày 23-1, WHO đã không tuyên bố PHEIC vì nhiều thành viên của Ủy ban đã bày tỏ quan điểm khác nhau. Tổ chức này có lý do để thận trọng vì đã từng bị chỉ trích do đánh giá “quá mức” về đại dịch cúm mùa năm 2009 nhưng cuối cùng lại tương đối nhẹ, theo Bloomberg. Trước đó, trong tuyên bố cuối ngày 26-1, WHO cũng đã điều chỉnh nguy cơ lây nhiễm toàn cầu của loại virus mới này từ mức “vừa phải” lên mức “cao”.

Tuy đã tuyên bố tình trạng PHEIC, nhưng theo Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus thì ở thời điểm này nhiều chính phủ, hãng hàng không và doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp can thiệp vào du lịch và thương mại dù chưa cần thiết, được Bloomberg dẫn lại. Ông Tedros cũng kêu gọi mọi người cẩn thận với những tin đồn, tránh sợ hãi quá mức và cộng đồng cần đoàn kết.

Ủy ban khẩn cấp của WHO cũng cho rằng việc hạn chế đi lại của người dân và hàng hóa có thể “không hiệu quả’. “Các hạn chế có thể làm gián đoạn các hỗ trợ cần thiết, ảnh hưởng doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp”, văn bản mới nhất của WHO có đoạn.

Tại Việt Nam, diễn biến lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới ngày càng phức tạp hơn khi đã có 3 người Việt xác nhận dương tính vào ngày 30-1. Tính đến nay đã có 5 trường hợp công bố nhiễm nCoV tại Việt Nam, trong đó có 2 công dân Trung Quốc (1 người được công bố đã khỏi bệnh) và 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về triển khai nhiệm vụ sau Tết vào ngày 30-1, đại diện Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị cơ sở pháp lý để có thể sẵn sàng công bố tình trạng khẩn cấp khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Theo thông cáo mới nhất của WHO, hiện có 82 trường hợp nhiễm bệnh tại 18 quốc gia, trong số này chỉ có 7 người không có lịch sử du lịch ở Trung Quốc. WHO cũng đánh giá đã có sự lây truyền từ người sang người ở 3 quốc gia ngoài Trung Quốc.

Theo WHO dẫn lại số liệu từ Trung Quốc, đã có 7.711 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh và 12.167 trường hợp nghi ngờ trên cả nước. Trong số các trường hợp được xác nhận, có 1.370 ca bệnh là nghiêm trọng và 170 ca tử vong, đồng thời có 124 người đã hồi phục và được xuất viện. Trong khi đó, theo Bloomberg, số ca tử vong có thể đã lên đến ít nhất là 212 ca.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới