(KTSG Online) - Tuyến xe buýt nhanh chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ được Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT) đề xuất dùng xe điện để vận hành.
- TPHCM không làm làn đường riêng chỉ cho xe buýt nhanh
- Chuyên gia: Cần ưu tiên phát triển xe buýt thay vì chỉ tập trung vào metro
Sở GTVT vừa có văn bản gửi UBND TPHCM đề xuất sử dụng xe điện cho tuyến buýt nhanh thuộc dự án phát triển giao thông xanh TPHCM.
Theo đánh giá của sở này, xe buýt điện thân thiện môi trường, không gây tiếng ồn, nguy cơ về cháy nổ thấp. Chi phí vận hành, bảo dưỡng cũng tiết kiệm hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong.
Tuy nhiên, xe buýt điện có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn khoảng từ 1,5 đến 3 lần xe buýt sử dụng nhiên liệu khí hoá lỏng (CNG) nên kinh phí trợ giá sẽ tăng. Hệ thống bãi đỗ xe và hạ tầng trạm sạc đảm bảo đáp ứng nhu cầu nạp điện cho phương tiện phải được đầu tư đồng bộ.
Ngoài ra, hiện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá chi phí cho buýt điện nên việc đấu thầu để chọn nhà cung cấp xe và dịch vụ vận tải gặp khó.
Trước những vấn đề trên, Sở GTVT đề xuất UBND TPHCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) phối hợp với đơn vị tư vấn và các nhà sản xuất xe buýt điện trong nước nghiên cứu, rà soát các thông số thiết kế xe cho phù hợp cho tuyến buýt nhanh.
Đồng thời, xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ cung ứng vận tải hành khách công cộng bằng buýt nhanh để làm cơ sở lập dự toán kinh phí đấu thầu hoặc đặt hàng.
Trường hợp không có đơn vị tham gia đấu thầu cung cấp dịch cho tuyến xe buýt nhanh, sở GTVT sẽ tham mưu UBND TPHCM các giải pháp thay thế phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác.
Tuyến xe buýt nhanh có lộ trình dài 26 km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (thành phố Thủ Đức).
Ở phương án trước đây, tuyến buýt nhanh có 42 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) với sức chứa 60 – 72 hành khách. Dự kiến, tuyến buýt nhanh đầu tiên ở TPHCM sẽ đưa vào khai thác năm 2024.